Bất ổn chính trị tại Hy Lạp về việc thành lập một chính phủ liên hiệp đang làm nổi lên những lo ngại rằng nước này có thể trở thành thành viên đầu tiên bứt khỏi khối sử dụng đồng tiền chung euro gồm 17 quốc gia.
Chính phủ Athens đã tránh được việc bứt khỏi khu vực euro hai lần trong hai năm qua khi họ đã thương thảo được một thỏa thuận cứu nguy tài chánh trị giá nhiều tỉ đôla với các nước láng giềng châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế để giúp cho Hy Lạp tránh vỡ nợ.
Đổi lại Hy Lạp bị buộc phải áp dụng các biện pháp kiệm ước nghiêm khắc đã gây ra tình trạng chống đối lan rộng trong xã hội.
Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử toàn quốc hôm Chủ nhật vừa qua, đa số cử tri đã bác bỏ các ứng cử viên ủng hộ các biện pháp cắt giảm chi tiêu xã hội không được lòng công chúng.
Các lãnh tụ chính trị chống kiệm ước đang tranh luận rằng Hy Lạp không còn nghĩa vụ phải ủng hộ các điều kiện cắt giảm ngân sách theo các thỏa thuận cứu nguy tài chánh với quốc tế.
Trước tình hình này, các nhà phân tích tài chánh nói rằng cuộc bầu cử không có kết quả dứt khoát và khó khăn trong việc thành lập một chính phủ liên hiệp mới càng làm tăng lên nguy cơ Hy Lạp có thể bị bứt ra khỏi khu vực đồng euro và trở lại sử dụng đồng tiền riêng của họ, tức là đồng drachma.
Ảnh hưởng của việc Hy Lạp rút khỏi khối sử đồng tiền chung được hình thành và tồn tại 13 năm qua có thể lan xa hơn ranh giới của quốc gia vùng Địa trung hải này, dẫn đến một tình trạng bất ổn kinh tế trên toàn thế giới.
Một nhà phân tích tài chành châu Âu, ông Andreas Lipokow nói rằng các thị trường chứng khoán sẽ mất giá khi Hy Lạp vỡ nợ và các thỏa thuận cứu nguy trở nên vô nghĩa.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1