Tại quảng trường Syntagma trước mặt Quốc hội—trung tâm của nhiều cuộc biểu tình chống chính phủ trong những năm gần đây—người Hy Lạp tụ tập để đọc những hàng tin quan trọng trên các nhật báo cho thấy một tương lai đầy những bất định.
Nếu không có đảng nào có thể thành lập một liên minh, Hy Lạp sẽ phải bỏ phiếu một lần nữa. Cư dân Athens, Dimitros Gletzakos, nói ông tin là những cuộc bầu cử mới sẽ lại mang đến kết quả hỗn hợp, trái ngược và phản động. Ông nói người Hy Lạp không thể nào chấp nhận kết quả như thế—về mặt tình cảm, kinh tế hay thực hành.
Hai đảng chính của Hy Lạp thấy rõ số phiếu của họ xuống thấp trong cuộc bầu cử ngày Chủ nhật, chỉ có lợi cho các đối thủ cực tả và cánh hữu.
Ông Dionyssis Dimitrakopoulos, một chuyên gia về chính trị Hy Lạp thuộc trường đại học Birkbeck ở London, nói kết quả bầu cử có thể giải thích được:
“Kết quả này trừng phạt hai đảng đã làm cho đất nước suy sụp, do đó có sự đổ lỗi rõ ràng cho hai đảng này. Thứ hai kết quả mang đến một cơ hội cho cánh tả như đảng Syriza để vận dụng một đường lối khác rõ ràng và có thể thi hành được.”
Đức, quốc gia lớn tiếng đòi các nước phải tiết kiệm để đổi lấy tiền cứu nguy của EU, muốn chính phủ Hy Lạp kế tiếp phải tuân thủ những điều khoản đã được chính phủ trước đây thỏa thuận. Chuyên gia Dimitrakopoulos nói bước đầu tiên là phải tái tục cuộc thương thuyết đã kéo dài giữa Hy Lạp và EU:
“Một phần của vấn đề tồn tại hiện nay tại Hy Lạp là những biện pháp đã thi hành một phần từ năm 2009 hay 2010 cho đến nay. Không phải chỉ có Hy Lạp mới chịu ảnh hưởng.”
Tại Pháp, cuối tuần qua, ông Francois Hollande thuộc đảng Xã hội thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống dựa trên những lời hứa chống lại chính sách tiết kiệm.
Ông Paul Krugman, một kinh tế gia Hoa Kỳ cho rằng nhiều quốc gia châu Âu trở lại thời kỳ suy thoái, và có những tin tưởng ngày càng tăng là những nhà hoạch định chính sách đã sai lầm.
Ông Krugman nói: “Ý niệm cắt giảm chi tiêu, làm cho kinh tế đình trệ, thực sự không làm kinh tế đình trệ, vì dù sao cũng làm tăng tiến lòng tin và đưa đến chi tiêu nhiều hơn.”
Kết quả các cuộc bầu cử đã gây sốc bất thình lình cho chương trình tiết kiệm của châu lục này. Các nhà phân tách nói cử tri dường như đã đưa con đường kinh tế châu Âu đi xa hơn để đến một nơi không biết rõ.
Lãnh tụ đảng cánh tả Syriza của Hy Lạp bắt đầu thảo luận với các đảng khác về việc thành lập một chính phủ liên hiệp để bác bỏ những biện pháp tiết kiệm “dã man” do Liên hiệp châu Âu áp đặt. Không đảng nào chiếm đa số trong cuộc bầu cử hôm Chủ nhật, làm cho Hy Lạp chìm đắm vào sự bất ổn nhiều hơn nữa. Kết quả cuộc bầu cử là một phần của làn sóng chống các biện pháp tiết kiệm càng ngày càng dâng cao tại châu Âu.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1