Đối với lời chào mừng nồng nhiệt của những người ủng hộ, ông Francois Hollande đã thắng cử nhờ cương lĩnh chính trị chống thắt lưng buộc bụng. Không giống như người tiền nhiệm Nicolas Sarkozy, sẽ không có một thời gian trăng mật trên một du thuyền ở Địa Trung hải sau bầu cử.
Chỉ vài giờ ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Hollande sẽ đáp phi cơ đến Berlin dể họp với chính người đề ra chương trình thắt lưng buộc bụng của châu Âu, bà Thủ tướng Đức Angela Merkel. Hiện giờ bà đang giảm nhẹ sự khác biệt giữa đôi bên.
Bà nói sự hợp tác Pháp Đức là thiết yếu cho châu Âu. Bà nói vì tất cả các nước đều muốn châu Âu thành công, sự hợp tác này sẽ bắt đầu rất sớm.
Ông Francois Hollande muốn châu Âu đầu tư thêm vào tăng trưởng kinh tế. Ông vận động cho việc phát hành trái phiếu euro và cho một ngân hàng trung ương châu Âu mạnh hơn.
Chuyện này đã khiến hai nhà lãnh đạo đối nghịch nhau, theo chuyên gia Philippe Moreau Defarges thuộc viện Nghiên Cứu Pháp về bang giao Quốc tế. Ông giải thích: ”Như quí vị thấy, bà Merkel rất cương quyết không chấp nhận. Bà nói ‘chúng ta cần phải tái lập nền tài chính lành mạnh. Chúng ta phải giải quyết vấn đề nợ nần. ‘ Và bà Merkel sẽ không lui bước.”
Cử tri Pháp đã dùng lá phiếu bác bỏ chương tirnh thắt lưng buộc bụng của tổng thống mãn nhiệm Nicolas Sarkozy.
Mặc dù người kế nhiệm ông đang được trào lưu chống kiệm ước đưa lên đỉnh cao thắng lợi bầu cử, nhưng ông Hollande cũng có những nhược điểm, theo ý kiến của giám đốc tổ chức phân tích châu Âu có tên là Policy Network. Ông nói:
”Ông Hollande mạnh về lãnh vực dân chủ nhưng lại yếu về kinh tế. Nước Pháp hiện đang có rất nhiều khó khăn trong lãnh vực cân bằng ngân sách, mức thâm hụt, vấn đề thất nghiệp v..v.. vì thế ông cũng bị nhiều gò bó trong những gì mà ông muốn làm. “
Bà Angela Merkel cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn sau khi thua đậm trong cuộc bầu cử tại bang đông dân nhất nước Đức hôm Chủ nhật, chỉ còn 18 tháng nữa là đến ngày tổng tuyển cử.
Nhưng giông tố đang âm ỉ tại Hy Lạp mới thật sự gây lo sợ tại Berlin và bên ngoài nước Đức nữa.
Các chính đảng Hy Lạp đang chật vật tìm cách thành lập một chính phủ và có thể sẽ bác đòi hỏi cắt giảm ngân sách mà Liên Hiệp châu Âu nhất quyết đòi họ phải thi hành. Viễn ảnh Hy Lạp có thể rút chân ra khỏi khối đồng euro hiện đang được công khai bàn tán tại các thủ đô ở châu Âu, một điều chưa ai có thể nghĩ tới cách nay chỉ mấy tháng, theo ý kiến của ông Olaf Cramme. Ông nói:
”Chúng ta làm thế nào với dân Hy Lạp? Cho họ thêm thời giờ? Châm thêm tiền cho họ? Điều đó gây thật nhiều tranh cãi. Đây chính là điểm mà dân Đức muốn bà Merkel phải thật cứng rắn.”
Pháp và Đức có thể từng là lực đẩy đằng sau sự hội nhập của châu Âu. Theo giới phân tích thời cuộc, các nhà lãnh đạo Pháp -Đức sẽ phải nhanh chóng vượt qua những dị biệt vì sự sống còn của đồng euro.