Ông Francois Holland đã đắc cử nhờ cương lĩnh chính trị chống kiệm ước.
Cuộc hội kiến đầu tiên của ông Hollande chỉ vài giờ sau khi ông tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Pháp sẽ là với chính người kiến tạo chương trình kiệm ước của châu Âu, thủ tướng Đức Angela Merkel. Bà Merkel hạ giảm tầm quan trọng của những bất đồng.
Bà Merkel nói: “Công cuộc hợp tác Pháp-Đức là cấp thiết ở châu Âu. Và bởi vì tất cả chúng ta đều muốn châu Âu thành công, sự hợp tác này sẽ bắt đầu rất sớm.”
Ông Hollande muốn châu Âu đầu tư nhiều hơn vào tăng trưởng. Ông đã vận động đòi đề xuất trái phiếu euro và một Ngân hàng Trung ương châu Âu có nhiều quyền lực và mang tính chính trị hơn. Sự kiện này đặt hai nhà lãnh đạo vào thế va chạm nhau, theo nhận định của ông Philippe Moreau Defarges thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp.
Ông Moreau nói: “Bà Merkel có vẻ rất cương quyết không chấp nhận khái niệm của ông Hollande. Bà Merkel nói, “chúng ta phải tái lập các nguồn tài chính công lành mạnh hơn. Chúng ta phải giải quyết vấn đề nợ nần.” Và bà Merkel sẽ không lay chuyển.”
Cử tri Pháp đã bác bỏ chương trình kiệm ước của tổng thống xuất nhiệm Nicolas Sarkozy.
Trong khi người kế nhiệm ông có thể cưỡi trên một ngọn sóng chống kiệm ước, ông vẫn có một nhược điểm, theo nhận xét của ông Olaf Cramme, giám đốc nhóm phân tích châu Âu, Mạng lưới Chính sách.
Ông Cramme nhận xét: “Ông Hollande có một sứ mạng dân chủ rất vững mạnh nhưng một sứ mạng kinh tế rất yếu. Nước Pháp có rất nhiều vấn đề về quân bình cán cân chi phó – tình trạng thâm hụt ngân sách, tỷ lệ thất nghiệp, vân vân, do đó ông cũng sẽ bị hạn chế về những vì ông có thể làm được.”
Bà Angela Merkel cũng phải đối diện với nhiều vấn đề, sau một thất bại bầu cử tai hại ở bang đông dân nhất của Đức hôm chủ nhật, chỉ 18 tháng trước cuộc tổng tuyển cử.
Nhưng chính cơn bão đang sôi sục ở Hy Lạp mới châm ngòi cho những nỗi lo ngại ở Berlin và xa hơn nữa.
Các chính đảng Hy Lạp đang chật vật thành lập một chính phủ và có thể bác bỏ những biện pháp cắt giảm ngân sách mà Liên hiệp châu Âu đòi thực hiện. Triển vọng Hy Lạp rời khỏi khối sử dụng đồng euro nay đang được đưa ra thảo luận ở các thủ đô châu Âu – đó là điều không ai nghĩ tới cách đây vài tháng, theo chuyên gia phân tích Olaf Cramme.
Ông Cramme nói: “Chúng ta làm gì với người Hy Lạp đây? Liêu chúng ta có thay đổi các điều kiện cho chương trình cứu nguy? Liệu chúng ta có dành cho họ thêm thời gian hay không? Liệu chúng ta có bơm thêm tài chính hay không? Điều đó thực sự gây tranh cãi, và đó là điều mà người Đức muốn bà Angela Merkel có lập trường thực sự cứng rắn.”
Pháp và Đức đã là lực đẩy chính đằng sau sự hòa nhập của châu Âu. Các chuyên gia phân tích cho rằng các nhà lãnh đạo của hai nước sẽ phải khắc phục các bất đồng một cách nhanh chóng trước nguy cơ sống còn của đồng euro.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống tân cử Pháp Francois Hollande gặp nhau lần đầu tại Berlin hôm nay trong bối cảnh khối sử dụng đồng euro lại đang rối loạn. Theo tường thuật của thông tín viên VOA Henry Ridgwell từ London, hai nhà lãnh đạo sẽ tìm cách khắc phục những bất đồng về chính sách vào lúc nguy cơ Hy Lạp rút ra khỏi khối euro đang tiến gần hơn.