Những người ủng hộ hô khẩu hiệu “Hy Lạp của người Hy Lạp” khi nhà lãnh đạo đảng “Bình Minh Vàng” Nikolaos Michaloliakos đắc thắng tuần hành qua các đường phố Athens.
Một thông tín viên đi theo đám đông đặt câu hỏi là đảng này sẽ thi hành chính sách nào trước. Ông Michaloliakos nói:
“Tất cả các di dân bất hợp pháp phải bị trục xuất. Ra khỏi quê hương tôi.”
Đảng “Bình Minh Vàng” chiếm được 7 phần trăm số phiếu và 21 ghế đại biểu quốc hội trong cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật.
Nhưng ông Thanasis Kourkoulas của tổ chức vận động “Loại bỏ kỳ thị chủng tộc” kêu gọi cấm đảng này hoạt động.
“Đây là lần đầu tiên mà tổ chức tân-Quốc xã đặt chân được vào quốc hội Hy Lạp kể từ năm 1974 khi tập đoàn quân nhân cầm quyền phải từ bỏ quyền bính ở đây.”
Cùng với sự sụp đổ kinh tế, Hy Lạp đang phải đối diện với điều Liên Hiệp Quốc gọi là một cuộc khủng hoảng dân tị nạn nhân đạo. Nhiều người ủng hộ thuộc cánh hữu cho là hai sự kiện này có liên hệ chặt chẽ với nhau.
Mỗi thứ Bảy từ lúc bình minh, nhiều đám đông người xin tị nạn tụ tập tại trung tâm duyệt xét di trú ở Athens. Con số những đơn xin còn tồn đọng lên tới hằng chục ngàn.
Năm ngoái, đài VOA gặp ông Hafeez, người xin tị nạn, cũng giống như hằng trăm di dân khác đã bị các đám đông cánh hữu tấn công.
Ông cho biết chẳng nói chẳng rằng, họ bắt đầu đánh đập ông nhừ tử từ đầu đến chân.
Đảng “Bình Minh Vàng” còn đòi đặt mìn dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, nơi hầu hết các di dân xâm nhập Hi Lạp. Tại Athens các biểu ngữ của đảng họ nói về “làm sạch thành phố” và “dẹp hết đất cát” (ám chỉ hãy trục xuất hết di dân).
Đối với cộng đồng Do Thái ở thành phố này, giọng điệu của đảng và đồng phục giống như quốc xã đánh dấu một diễn biến nguy hiểm. Ông Benjamin Albalas là một thủ lãnh cộng đồng Do Thái:
“Chúng tôi cũng rất lo ngại khi thấy rằng đảng cực hữu tân Quốc Xã này đã và sẽ là thành viên của quốc hội Hy Lạp ở Athens, nơi dân chủ ra đời.”
Nhà phân tích Hy Lạp Michael Arghyrou thuộc trường đại học Cardiff nói rằng, sự thành công của đảng Bình Minh Vàng có thể bắt nguồn từ các chính sách kinh tế của chính phủ trước:
“Dân chúng chủ yếu từ cánh hữu của đảng bảo thủ dòng chính muốn đưa ra lá phiếu phản đối, nhưng sự thực đúng là vấn đề di dân tại Hy Lạp đã tới mức bùng nổ.”
Bình Minh Vàng phủ nhận họ là một đảng tân Quốc Xã và tố cáo báo chí Hy Lạp cũng như nước ngoài bóp méo lịch trình làm việc mang tính cách dân túy của đảng.
Đảng cực hữu “Bình Minh Vàng” bước vào quốc hội Hy Lạp lần đầu tiên, đòi gởi tất cả các di dân trở về quê hương họ và muốn gài mìn dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Thông tín viên Henry Ridgwell tường thuật cho đài VOA rằng kết quả này đã gây báo động khi có những lo ngại là cuộc khủng hoảng kinh tế đang làm lợi cho các chính trị gia quá khích.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1