Thính giả Vinh Bùi, Việt Nam, hỏi:
“Kính thưa Bác sĩ,
Tôi có một bé gái đã được một tháng tuổi. Trường hợp của bé là thường xuyên chảy nước mắt bên trái. Xin cho biết nguyên nhân tại sao lại như vậy.
Xin cám ơn."
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
Nghẽn kênh dẫn nước mắt (tear duct obstruction)
Nước mắt được sản xuất liên tục ở các tuyến nước mắt để giữ cho phía trước mắt đừng khô. Đồng thời nước mắt được một hệ thống dẫn lưu đem xuống mũi, gồm mỗi bên một ống dẫn đi từ hai lỗ trên bờ mí mắt (puncta) hứng nước mắt ở gần mũi lúc chớp mắt, qua hai kênh nhỏ trên và dưới (canaliculi), họp lại thành một cái túi lệ (lacrimal sac), đi vào ống lệ chạy xuyên qua xương mũi vào mũi (nasolacrimal duct).
Ở bé mới sinh, 6% có thể bị nghẽn ống dẫn nước mắt.
(Nguồn: Henry Gray Anatomy of the Human Body/Wikipedia)
Lý do:
• Thường gặp nhất: phần cuối ống lệ chưa thông, còn một màng mỏng chặn lại (valve of Hasner);
• Nhiễm trùng;
• Xương đè trên ống lệ;
• Phần nước mắt vào lỗ trên mí mắt (puncta) bị nghẽn hay không hiện hữu (tồn tại)(imperforate lacrimal puncta);
• Ở người lớn, nguyên nhân có thể liên hệ tới tuổi già, lớp tế bào trong ống có thể dày ra, các cơ cấu trong mũi bất bình thường làm nghẽn đường nước mắt chảy, hay biến chứng sau khi phẫu thuật vùng mắt, mũi.
Triệu chứng:
• Phụ huynh có thể phát hiện mắt em bé nhem hay ghèn ngay trong tuần đầu. Thường là một bên, có khi cả hai bên.
• Mắt luôn luôn ướt, mí mắt lem nhem, hoặc nước mắt trào chảy xuống. Có thể lúc nhiều lúc ít, nghẹt nhiều hơn lúc bé bị cảm, nghẹt mũi.
• Có ghèn, trắng hoặc hơi vàng hay vàng xanh, mí mắt dính nếu bị nhiễm trùng. Đáng lẽ vi trùng được nước mắt cuốn đi thì lại bị dồn lại trên mắt, nên dễ nhiễm trùng.
• Trường hợp viêm, có thể thêm nhiễm trùng, vùng túi nước mắt bị viêm, khoé mắt về phía mũi sưng đỏ và đau (dacryocystitis).
Chữa trị:
• Mỗi lần thay tã cho em bé (cho dễ nhớ, nghĩa là nhiều lần trong ngày), dùng ngón tay (sạch, nhớ cắt móng tay ngắn) đặt lên giữa sống mũi và khoé mắt, chà lên chà xuống chừng 5 lần. Mục đích là dùng ngón tay massage ống dẫn nước mắt nằm dưới da để giúp nước mắt dễ lưu thông.
• Nếu bị cảm, dị ứng, nghẹt mũi, nhớ hút mũi sạch đàm nhớt, hay dùng nước muối dùng cho nhỏ mũi (normal saline nose drops), hay cho uống thuốc dị ứng nếu có cần. Đa số trường hợp tự nó sẽ khỏi, không cần can thiệp.
• Những trường hợp nhiễm trùng có thể cần thuốc kháng sinh nhỏ mắt hay uống.
• Những trường hợp kéo dài quá năm đầu tiên, hay có nguyên nhân đặc biệt, bác sĩ có thể phải thông ống dẫn nước mắt (nasolacrimal duct probing); các em bé có thể dùng thuốc tê (local anesthetic), các em lớn hơn có thể cần thuốc mê nhẹ, ngắn (short general anesthesia).
• Có lúc, phải đặt ống (stent) vào ống dẫn nước mắt; hay probing để giữ đường nước mắt được thông.
• Hiếm hơn, có lúc cần giải phẫu để giải quyết vấn đề (vd: dacryocystorhinostomy, DCR, mở xương mũi và tạo đường thoát cho nước mắt, nhớt đi thẳng từ các hai kênh nhỏ [canaliculi] vào niêm mạc mũi).
Chúc bệnh nhân manh mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
-------------------------------------
Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.
Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc email đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com> để sắp xếp hẹn trả lời cho buổi phát thanh kế tiếp.
Các bác sĩ của chuyên mục Hỏi đáp Y học Trực tiếp của đài VOA sẽ cố gắng giải đáp các thắc mắc về y học của quý vị.