Đường dẫn truy cập

Hỏi đáp Y học: Hội chứng sợ không gian hẹp (Claustrophobia)


Thính giả Phương Nguyễn, Việt Nam, hỏi:

“Kính thưa Bác sĩ,

Tôi xin hỏi về 'hội chứng phòng kín.'

Tôi năm nay ngoài 40 tuổi. Kể từ lúc còn nhỏ đến nay cứ mỗi lần đi xe, dù là xe nhỏ, xe buýt hay lửa là tôi đều bị khó chịu, đôi lúc mặt mày tái dợt, chóng mặt, nôn mửa. Khi vào những nơi chật chội như thang máy hay kho chứa đồ đạt, tôi cũng bị khó chịu như vậy.

Trước đây tôi vẫn tự nói là mình bị say xe. Gần đây có người nói tôi bị 'hội chứng phòng kín' hay là 'dị ứng với không gian hẹp.' Xin bác sĩ giải thích cho về hội chứng này.

Xin chân thành cám ơn."

Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:

please wait

No media source currently available

0:00 0:16:12 0:00
Tải xuống

Trong y khoa, claustrophobia được định nghĩa như là: "Một sự sợ hãi bất bình thường, dai dẳng đối với những không gian đóng, hoặc sợ bị nhốt lại, ví dụ trong thang máy, trong hầm, hay trong bất kỳ không gian giới hạn nào khác.”

Trong định nghĩa này chúng ta để ý hai thành phần:

• Sợ bất bình thường: sợ không có lý do chính đáng (irrational fear) và dai dẳng, chứ không phải một lần, khi có khi không.

• Không gian giới hạn (confined space): chỗ chật chội, khép kín, sự chật chội và khép kín có thể do sự hiện diện của đám đông chung quanh.

Tiếng latin có chữ claudere là đóng lại. Từ đó có động từ tiếng Anh là "to close" có nghĩa là đóng lại ("closet" trong nhà bên Mỹ chỉ những tủ trong vách đóng kín để giấu các đồ vật), và danh từ "claustrum" tiếng la-tinh nghĩa là một chỗ là "chỗ đóng kín, chỗ bít bùng." Cộng vào đó căn "phobia" có nghĩa là sợ, chữ Hán gọi là "khủng". Việt Nam dịch là “bệnh sợ chỗ vây kín” hay như vị thính giả nêu ở đây "hội chứng phòng kín" hay "dị ứng với không gian hẹp."

Thật ra nếu vào một nơi chật hẹp, đóng kín, thì hầu như chẳng ai thích hay thấy thoải mái cả. Vì vậy mà hiện nay, trong tiếng Anh thông thường, không phải y khoa bệnh lý, người ta hay dùng tính từ "claustrophobic"để mô tả cảm giác sợ hãi vì đang ở trong một nơi chật chội hay đông người, hoặc một nơi có vẻ như khó thoát ra được một cách nhanh chóng; hay để chỉ những nơi làm cho mình sợ hay không thoải mái vì nó nhỏ, chật, hoặc khó thoát ra nhanh chóng được. Ví dụ rất nhiều người bình thường rất sợ khi phải vào máy để chụp hình cộng hưởng từ trường MRI hay CT scan vì họ phải nằm khá lâu trong một cái ống chật nên họ sợ (MRI, CT claustrophobia). Những máy MRI mở (open MRI) cho phép đứng ngồi, cử động và không làm cho bệnh nhân ngộp.

Dịch học: chừng 10% dân số bị chứng này, tuy có nơi ước tính 3- 37%. Đại đa số bệnh nhân không tìm cách chữa trị vì nhẹ thôi.

Triệu chứng:

Bệnh nhân hoảng sợ lúc ở một nơi, hay nghĩ đến một nơi chật, bít kín, hay đông người; cảm thấy hụt hơi, ngộp và bất an (distress). Những triệu chứng có thể kèm theo: nhức đầu, chóng mặt, thở nhanh, toát mồ hôi, tim đập mạnh, nhanh, miệng khô, tay chân run rẩy áp huyết lên cao, đau bụng, buồn nôn, muốn đi cầu, hay cơn khủng hoảng "panic attack", mất phương hướng.

Những triệu chứng thường gặp:
• Vừa vào trong một phòng là đã tìm xem đường thoát hiểm EXIT ở đâu.
• Vào phòng họp luôn luôn ngồi gần cửa ra vào.
• Tránh đi xa lộ, xe lúc đường đông xe, giờ "rush hours".
• Tránh đi thang máy mặc dù đi bộ lâu và mệt hơn.
• Hoảng sợ lúc cửa xe, phòng đóng lại.
• Tránh các cửa xoay (revolving door) lúc ra vào.
• Sợ các nơi rửa xe bằng máy (carwash).
• Sợ đi máy bay, hay vào phòng vệ sinh trên máy bay.
• Sợ vào phòng thử áo quần, sợ đi vào hầm xe lửa.

Nguyên nhân:

1. Đứa trẻ có thể từng té xuống giếng, xuống sông, bị ngộp, suýt chết đuối, bị thất lạc trong đám đông. Hay đứa bé bắt chước (vô ý thức) hành vi như vậy của những người trong gia đình.
2. Những nghiên cứu y học cho thấy ở những người bị rối loạn hoảng sợ (panic disorder), amygdala (hạch hạnh nhân - là một bộ phận nhỏ ở dưới não bộ phụ trách về các sự lo âu, sợ hãi) nhỏ hơn bình thường (Fumi Hayano).(1)
3. Ngoài ra, có khảo cứu cho thấy một số người bị claustrophobia do một gene bất thường (The human GPM6A gene located on chromosome 4q32-q34)(A El-Kordi) (2).
4. Trong một số trường hợp, người ta nghĩ bệnh được truyền qua các di thể từ đời này qua đời khác vì trong quá khứ đã xa, tổ tiên đã thích ứng với một tình huống nào đó (ví dụ sợ có lý do những hang núi chật hẹp nguy hiểm), tuy rằng hiện nay những đe doạ đó không còn tồn tại nữa. Do đó, theo giả thuyết này (prepared phobia: "sẳn sàng để biết sợ"), bộ óc của chúng ta đã được lập trình (programmed) sẵn để chúng ta học "biết sợ" một một cách vô ý thức, một cách nhanh chóng, những tình huống có thể thể gây ngộp thở, chết đuối hay tù hãm.

Trị liệu:

1. Cognitive behavioral therapy (CBT): giúp cho bệnh nhân hiểu là những nơi chốn gây sợ không có gì nguy hiểm hay đe doạ. Ví dụ giáo dục, giải thích cho bệnh nhân hiểu nguyên nhân của nỗi lo sợ của mình và tập cho bản thân người bệnh từ từ làm quen với những chỗ chật chội, bít bùng, đồng thời giúp cho họ kiểm soát những phản ứng do sợ sệt và lo âu gây ra (exposure treatment). (2) Những nhà khảo cứu ở Karolinska Institute (Sweden) cũng chứng minh rằng có thể chữa được các chứng sợ hãi (phobia) bằng cách nhìn những người khác đối phó một cách an toàn với những vật mà mình sợ. Nên lập đi lập lại loại "làm quen" gián tiếp này.
2. Virtual reality: Làm quen với vật hay tình huống mà mình sợ bằng cách tiếp cận với chúng qua không gian ảo (ví dụ trải nghiệm đi máy bay)(6)
3. Thuốc men: bác sĩ có thể dùng một số thuốc an thần để giúp bệnh nhân bớt lo âu, thuốc chống trầm cảm (antidepressants), thuốc beta blocker làm giảm hồi hộp, tim đập quá nhanh và mạnh lúc sợ sệt căng thẳng trong một số hoàn cảnh cần thiết, tuy nhiên không chữa từ gốc bệnh.
4. Các kỹ thuât giúp thư giãn, ngồi thiền, kiểm soát hơi thở có thể giúp bệnh nhân bớt sợ sệt, lo âu, tự chủ hơn.

Chúc thính giả may mắn

Nguồn tham khảo/References:

1. Fumi Hayano Smaller amygdala is associated with anxiety in patients with panic disorder
http://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/j.1440-1819.2009.01960.x/full
2. A El-Kordi A single gene defect causing claustrophobia
http://www.nature.com/tp/journal/v3/n4/full/tp201328a.html
3. http://www.medicalnewstoday.com/articles/37062.php?page=2
4. http://www.medicalnewstoday.com/articles/266177.php
5. http://www.epigee.org/mental_health/claustrophobia.html
6. Society of clinical psychology: Exposure therapies for specific phobias
http://www.div12.org/psychological-treatments/treatments/exposure-therapies-for-specific-phobias/

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

---------------------------------------

Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.

Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com> để sắp xếp hẹn trả lời cho buổi phát thanh kế tiếp.

Các bác sĩ của chuyên mục Hỏi đáp Y học Trực tiếp của đài VOA sẽ cố gắng giải đáp các thắc mắc về y học của quý vị.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG