Thính giả Cương Nguyễn, 48 tuổi, ở Mississippi, hỏi:
“Kính thưa Bác sĩ,
Trường hợp của em là về mùa đông, khi ít uống nước hơn, thì khi em đi vệ sinh, phân trở nên cứng hơn. Mấy năm trước cũng như vậy, nhưng không thấy bị sao. Nhưng vài năm trở lại đây, đến mùa đông em đi vệ sinh bị chảy máu.
Bác sĩ của em khuyên uống nhiều nước. Em uống nhiều nước, thì đỡ hơn thôi. Nhưng chỉ cần uống ít nước lại một tí, phân không quá cứng mà vẫn chảy máu lại.
Câu hỏi của em là có phải trực tràng của em tệ hơn, dở hơn, hay là vì không uống nước đủ?
Xin cảm ơn Bác sĩ."
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
Tôi xin nói trước là chúng ta không thể bàn cách định bệnh và chữa bệnh cho từng cá nhân. Bệnh nhân cần đi khám bác sĩ để giải quyết cho trường hợp của mình. Những nhận xét sau đây chỉ có tính cách thông tin tổng quát mà thôi.
1) Sau dạ dày, ruột non to bằng ngón tay dài chừng 6,7m (22 feet, theo Cleveland Clinic) là nơi tiêu hoá thức ăn và hấp thụ chất dinh dưỡng, rồi tới ruột già dài 1,8 m là nơi các chất thải được cô đọng, nước được hấp thụ lại tuỳ theo nhu cầu cơ thể. Đoạn cuối nối với hậu môn là một ống thẳng (rectum=thẳng), dài chừng 10-15cm, phía dưới cùng phình ra thành ampulla (latinh ampulla =cái bình chứa). Lúc phân đầy trực tràng, vách trực tràng giãn ra và được những thụ thể (stretch receptors) trong vách ghi nhận, gây phản xạ đẩy phân ra khỏi hậu môn. Nếu bài tiết phân (defecation) chậm quá, thì gọi là bón (constipation).
2) Cơ thể được cung cấp nhiều nước (uống nước, ăn đồ lỏng nhiều như cháo) thì ruột già hấp thụ nước ít, phân lỏng. Nếu thời tiết nóng, ra mồ hôi nhiều, hay ít uống nước, hay ói mửa mất nước, thì ruột già hấp thụ nước nhiều hơn để bảo vệ nước. Phân có khuynh hướng trở nên khô, thể tích phân nhỏ hơn, ít kích thích phản xạ của ruột già làm nó bóp lại (nhu động) để đẩy phân ra, do đó bệnh nhân phải rặn nhiều, làm tăng áp suất trong xoang bụng để đẩy phân ra ngoài.
3) Ở Mỹ người ta hay dùng từ "GI bleeding" để chỉ hiện tượng chảy máu từ hệ tiêu hoá, Gi viết tắt gastrointestinal, nghĩa là gồm dạ dày và ruột, đó là chưa kể thực quản. Lúc máu chảy ở phần trên ống thực quản nhiều quá, có khả năng ói ra máu, thường là máu tươi hoặc máu cục.
Máu chảy ra ngả hậu môn vì hậu môn là đường đi ra duy nhất phía dưới. Nếu máu chảy từ phía trên nằm lâu mới ra ngoài thì làm cho phân màu đen (như dầu hắc trải đường, “melena”).
4) Dễ hiểu nhất là người bị trĩ (hemorrhoids). Những tĩnh mạch phía trong trực tràng giãn nở, sưng to là nội trĩ (internal hemorrhoid), không đau vì vùng này ít dây thần kinh. Những tĩnh mạch của hậu môn (dưới da) gây ngoại trĩ, có thể đau đớn. Bệnh nhân không đủ nước, gây bón, phân cứng, ra khó khăn làm chảy máu ở các mạch máu trĩ, thường thấy máu tươi dính vào giấy lau đi cầu.
5) Tuy nhiên trĩ không phải là nguyên nhân duy nhất làm máu chảy ở hậu môn. Danh sách các nguyên nhân chảy máu khác nhau, rất dài, chỉ nêu ra đây vài nguyên nhân quan trọng:
- Nứt hậu môn (anal fissure)
- Mạch máu giãn nở bất bình thường (angiodysplasia,vascular ectasia)
- Ung thư ruột già
- Túi cùng ruột già (diverticulum)
- Viêm ruột già (ulcerative colitis, Crohn disease)
6) Bác sĩ có thể cần tìm hiểu thêm về các điều kiện có thể làm dễ chảy máu nói chung, trong đường tiêu hoá nói riêng: như bệnh gan, xơ gan, bệnh nhân dùng thuốc làm máu khó đông hơn như heparin, warfarin; thuốc làm giảm cơ năng các tiểu bản (platelets) ngăn không cho kết dính (aspirin, clopidogrel [Plavix, thuốc ngừa bệnh đau tim hay tai biến mạch máu não], NSAID như ibuprofen); làm yếu khả năng che chở của niêm mạc dạ dày và ruột ( thuốc giảm viêm không phải steroid/NSAID).
7) Bác sĩ cũng cần tìm hiểu về bệnh sử của gia đình bệnh nhân. Ví dụ, hiện nay ở Mỹ (American Cancer Society), bệnh nhân trên 50 tuổi được khuyến cáo nên đi soi ruột già (colonoscopy) để truy tầm ung thư ruột già 10 năm một lần (cho người trung bình) hoặc thử nghiệm truy tầm máu trong phân mỗi năm, hay truy tầm DNA bất thường trong phân 3 năm một lần.
8) Tuy nhiên, nếu bệnh sử (history) người bệnh hay gia đình họ có những yếu tố cơ nguy như bệnh viêm ruột, polyp ("thịt dư) ruột già, ung thư ruột già, gen gây ung thư ruột già (family history of a hereditary colorectal cancer syndrome), bác sĩ ruột có thể theo dõi và screen bệnh nhân (ví dụ colonoscopy) sớm hơn (trước tuổi 50), và thường xuyên hơn.
9) Riêng về bệnh trĩ, nói chung uống nước đầu đủ, tránh các gia vị quá cay, hay chất có thể làm bón như chocolat, nên ăn trái cây, rau quả, thức ăn có sợi xơ giúp tạo nên lượng phân thích hợp cho trực tràng làm việc, vận động cơ thể, tránh ngồi lâu một chỗ nếu có thể, vệ sinh vùng hậu môn, tránh lau chùi nhiều quá, tránh rặn quá mạnh, tránh không khiêng đồ nặng (làm áp suất trong bụng tăng cao); có thể dùng những máy tự động phun nước rửa lúc đi cầu, có thể giúp làm bệnh nhân dễ chịu hơn.
Chúc bệnh nhân may mắn.
Nguồn tham khảo/Reference:
1) American Cancer Society recommendations for colorectal cancer early detection
http://www.cancer.org/cancer/colonandrectumcancer/moreinformation/colonandrectumcancerearlydetection/colorectal-cancer-early-detection-acs-recommendations
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
--------------------------------------
Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.
Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com> để sắp xếp hẹn trả lời cho buổi phát thanh kế tiếp.
Các bác sĩ của chuyên mục Hỏi đáp Y học Trực tiếp của đài VOA sẽ cố gắng giải đáp các thắc mắc về y học của quý vị.