Trang tin tức về châu Âu Euractiv hôm 15/3 đăng một bài viết thể hiện quan điểm riêng của bà Ruth Kelly, Giám đốc Chính sách Chương trình của tổ chức từ thiện quốc tế ActionAid, nói về hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp châu Âu.
Bà Kelly cho rằng hiệp định này sẽ làm Việt Nam mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn lương thấp, kỹ năng thấp.
Đàm phán về hiệp định đã hoàn tất hồi tháng 12/2015 và bước tiếp theo là trình ra Hội đồng Bộ trưởng và Nghị viện châu Âu để phê chuẩn.
Trong bài viết, bà Kelly nói một nghiên cứu mới của ActionAid cho thấy hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU có thể đẩy Việt Nam vào các ngành lợi nhuận thấp, lương thấp, có phần chắc sẽ làm hại các quyền của công nhân.
Trước đó, một nghiên cứu hồi năm 2013 của Ủy ban châu Âu chỉ ra rằng hiệp định có thể dẫn đến một sự chuyển đổi lớn trong nền kinh tế Việt Nam, từ sản xuất máy móc và xe máy sang sản xuất hàng loạt quần áo và giày dép rẻ tiền.
Cho đến nay, Việt Nam đã đạt được những thành công về tạo việc làm thông qua các ngành nghề mới. GDP đầu người tăng gấp 3 lần trong vòng 10 năm. Điều ấn tượng là sự gia tăng về thịnh vượng được phân bổ khá đồng đều, bà Ruth Kelly nhận xét.
Theo cách nhìn của bà, một ví dụ tốt về thành công của Việt Nam là ngành xe máy. Việt Nam là thị trường xe máy lớn thứ tư thế giới và có 37 triệu xe. Ban đầu Việt Nam lắp ráp xe từ linh kiện nhập khẩu, nhưng hiện nay Việt Nam đã tự sản xuất được nhiều linh kiện với giá thấp, tạo nhiều việc làm giúp giảm đói nghèo.
Nhưng hiệp định với EU có thể phá hỏng sự thành công này, bà Kelly nêu ý kiến. Bà nhận định các ngành ô tô-xe máy và linh kiện, điện tử và máy móc đang tương đối có lợi nhuận sẽ suy giảm. Trong khi đó, các việc làm được tạo ra trong các ngành giày dép và da có phần chắc sẽ được trả lương thấp.
Áp lực của các nhãn hiệu lớn đòi phải cung ứng giày dép và quần áo rẻ và nhanh sẽ buộc các nhà máy Việt Nam giảm chi phí, ép lương giảm xuống và làm cho công nhân Việt Nam rơi vào những điều kiện làm việc tồi tệ, bà Kelly viết.
Bà nêu ra quan sát rằng lực lượng ngày càng chủ đạo trong nền kinh tế Việt Nam là các công việc lắp ráp kỹ năng thấp trong các nhà máy điện tử, may mặc và giày dép, mà theo giáo sư Angie Tran của trường Cornell thì “hầu hết các công nhân nữ trẻ tuổi tham gia lực lượng lao động với mức lương không đủ sống và các điều kiện làm việc dưới chuẩn”.
Một báo cáo của ActionAid cho thấy các quy định toàn cầu làm cho các nước đang phát triển không sử dụng được các chính sách mà các nước giàu từng sử dụng để trợ giúp cho các ngành công nghiệp sinh lời và thúc đẩy tạo ra các việc làm lương cao, bà Ruth Kelly cho hay.
Có nhiều nước đang chống lại các hiệp định tự do làm cho họ không thu được các kết quả tốt nhất từ đầu tư nước ngoài và thương mại toàn cầu. Bà Kelly cho rằng nếu như họ có thể kết hợp các nỗ lực đó với việc hợp tác để bảo vệ các quyền của người lao động, các nước đang phát triển có thể đưa nền kinh tế của mình thoát khỏi các hoạt động có lợi nhuận thấp và lương thấp.
Nhà quản lý của ActionAid nhận định các nước giàu và các khối thương mại như EU cần xem xét lại các hiệp định thương mại để bảo đảm là các nước nghèo có thể sử dụng chính sách kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng đồng đều và tạo ra các việc làm lương cao. Bà nhấn mạnh các quy định toàn cầu phải bảo hộ giới công nhân ít ra là tương đương với mức bảo hộ cho các nhà đầu tư.