Chỉ có 2% người Việt Nam tự nhận mình nghèo, trong khi 2% còn lại thừa nhận thuộc tầng lớp thượng lưu.
Đây là kết quả nghiên cứu có tên gọi "Tầng lớp trung lưu không giới hạn" về những người tự cho mình là tầng lớp trung lưu bất kể thu nhập thực tế, do Viện nghiên cứu về Đời sống và Con người khu vực ASEAN Hakuhodo (viết tắt là Hill ASEAN) thực hiện và công bố chiều hôm 14/3.
Sự "lạc quan" của người Việt Nam được coi là cao bậc nhất khu vực Đông Nam Á. Theo kết quả thăm dò, ở Singapore có số người tự nhận mình ở tầng lớp trung lưu là 85%, và giới trung lưu tính theo thu nhập thực tế là 45%; Thái Lan tỷ lệ này lần lượt là 80% và 72%; con số này ở Malaysia lần lượt là 72% và 56%; và Indonesia là 72% và 56%.
Cuộc khảo sát lần này được tổ chức có trụ sở ở Nhật Bản thực hiện với 2.500 người ở lứa tuổi từ 20-59 thuộc tất cả các tầng lớp kinh tế xã hội.
Riêng mẫu khảo sát cho thị trường Việt Nam là 500.
Mức thu nhập thực tế hộ gia đình mà khảo sát của Hill ASEAN xác định tầng lớp trung lưu là 3.000-15.000 USD/năm, và số người khảo sát đủ chuẩn tại Việt Nam chiếm 50%.
Tại Việt Nam, khảo sát cho thấy quan điểm của tầng lớp trung lưu giữa Hà Nội và TPHCM cũng khác nhau. Tại nơi từng được coi là “Hòn ngọc Viễn Đông”, những người thuộc tầng lớp trung lưu đang cố gắng tiến vào tầng lớp thượng lưu bằng cách tự cá nhân mình tìm kiếm cơ hội.
Trái lại, ở Hà Nội mọi người tìm kiếm sự ổn định với thái độ tập thể và cố gắng để không rơi xuống tầng lớp thấp hơn.
Viện nghiên cứu về Đời sống và Con người khu vực ASEAN Hakuhodo ước tính năm 2015 tổng dân số tại 5 nước thuộc cuộc khảo sát này (gồm Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Singapore và Malaysia) là 450 triệu người thì tầng lớp trung lưu lên đến 240 triệu. Ước đến năm 2020 con số này là 470 và 290 triệu.
Theo Nguoidothi, Thanh Nien, Tuổi Trẻ, HILL ASEAN.