Đường dẫn truy cập

Harris, Trump tăng tốc vận động 2 tuần trước Ngày bầu cử tổng thống Mỹ


Ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Kamala Harris phát biểu với hình ảnh ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump trên màn hình trong một cuộc vận động tranh cử tại Erie, Pennsylvania, ngày 14/10/2024.
Ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Kamala Harris phát biểu với hình ảnh ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump trên màn hình trong một cuộc vận động tranh cử tại Erie, Pennsylvania, ngày 14/10/2024.

Ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ, bà Kamala Harris, và đối thủ Donald Trump bên đảng Cộng hòa, hôm 21/10 đã đưa ra những thông điệp khác nhau hoàn toàn trên đường vận động tranh cử tổng thống Hoa Kỳ trong lúc họ tìm cách tranh thủ sự ủng hộ của những cử tri còn do dự hai tuần trước Ngày bầu cử.

Phó Tổng thống Harris, vận động tranh cử cùng cựu dân biểu Cộng hòa Liz Cheney, đã cố gắng thuyết phục những phụ nữ ngoại ô bảo thủ tại 3 tiểu bang chiến trường ở miền Trung Tây rằng cựu Tổng thống Trump là mối đe dọa đối với quyền phá thai, an ninh quốc gia và nền dân chủ.

Khi cuộc bầu cử ngày càng đến gần, bà Harris đã tăng cường công kích sự phù hợp của ông Trump, thường gọi ông là "bất ổn" hoặc "mất trí" và hoài nghi về tính khí của ông.

"Trên nhiều phương diện, Donald Trump là một người thiếu nghiêm túc, nhưng hậu quả của việc ông ấy trở thành tổng thống Hoa Kỳ là vô cùng nghiêm trọng", bà Harris, 60 tuổi, phát biểu tại một sự kiện ở Malvern, Pennsylvania, vốn là 1 trong 7 tiểu bang chiến trường dự kiến sẽ quyết định người chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 5/11.

Ông Trump, 78 tuổi, thường xuyên bác bỏ bất kỳ quan điểm nào cho rằng ông là mối đe dọa đối với nền dân chủ, và lập luận rằng đảng Dân chủ mới là mối đe dọa thực sự vì các cuộc điều tra hình sự mà ông và các đồng minh phải đối mặt vì những nỗ lực của ông nhằm lật ngược thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020.

Trong khi bà Harris ám chỉ ông Trump không phù hợp để làm tổng thống, cựu tổng thống đã đặt câu hỏi về năng lực của chính quyền Biden.

Tại một trong nhiều điểm dừng chân hôm 21/10 tại North Carolina, vốn là tiểu bang cực kỳ cạnh tranh, ông Trump đã kêu gọi những ủng hộ viên ở những vùng núi bị bão đánh tơi tả đi bỏ phiếu bất chấp những khó khăn mà họ phải đối mặt.

Ông cũng lặp lại lời chỉ trích cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp của chính phủ liên bang (FEMA) và tìm cách kết nối với những người ủng hộ thuộc tầng lớp lao động bằng cách ca ngợi những nỗ lực không ngừng của ông vì bản thân ông.

“Tôi đã làm việc suốt 52 ngày không nghỉ, điều mà nhiều người ở đây tôn trọng", ông Trump nói từ bục phát biểu cạnh đống đổ nát sau trận lũ lớn tàn phá khu vực này vào tháng trước.

Với các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy một cuộc đua sít sao, hai ứng cử viên đang tăng tốc và lịch trình vận động điên cuồng của họ cho thấy tầm quan trọng của các nhóm cử tri nhỏ, vốn có thể đưa một trong hai ứng viên lên đầu.

Chúa và lương tâm

Ông Trump kết thúc ngày tranh cử của mình tại một sự kiện Cơ đốc giáo Phúc âm ở Concord, North Carolina. Ông nói với đám đông ông nghĩ rằng trong vụ ám sát ông bất thành vào ngày 13/7 tại Butler, Pennsylvania, ông đã thoát chết khi "được một bàn tay siêu nhiên đẩy xuống đất".

Trong bài phát biểu của mình, ông Trump đã tránh sử dụng một số lời lẽ khiếm nhã vốn thường thấy trong các bài phát biểu gần đây của ông. Ông nói khi nhìn lại cuộc đời mình, "giờ đây tôi nhận ra rằng chính bàn tay Chúa đã đưa tôi đến ngày hôm nay".

Nhà lãnh đạo Tin lành Franklin Graham đã cầu nguyện cho ông Trump sẽ đắc cử.

"Các cuộc mít tinh tranh cử và kết quả thăm dò tốt sẽ không giúp giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này", ông Graham nói. "Mà Chúa mới là người quyết định".

Ông Trump đến bang North Carolina trong lúc các đồng minh Cộng hòa của ông lo ngại rằng thiệt hại nặng nề do cơn bão Helene gây ra sẽ làm giảm tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu ở các vùng núi bảo thủ của tiểu bang chiến trường này.

Khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất của bão Helene là thành trì vững chắc của đảng Cộng hòa. Hồi năm 2020, ông Trump đã giành được khoảng 62% số phiếu bầu tại 25 hạt được tuyên bố là khu vực thảm họa sau cơn bão Helene, trong khi ông Biden giành được khoảng 51% ở phần còn lại của tiểu bang, theo phân tích của Reuters.

“Rõ ràng là chúng tôi muốn họ đi bỏ phiếu nhưng chúng tôi muốn họ vẫn sống và đứng vững, hạnh phúc và khỏe mạnh, bởi vì đây thực sự là một thảm họa", ông Trump phát biểu tại một điểm vận động tranh cử ở Swannanoa, nơi có dân số 5.300 người, sau khi đi thăm các khu vực bị bão tàn phá.

Tại một sự kiện tranh cử của bà Harris ở Royal Oak, Michigan, cựu dân biểu Cộng hòa Cheney đã cố gắng làm cho những cử tri Cộng hòa đang lưỡng lự cảm thấy việc ủng hộ ứng viên Dân chủ là chính đáng mà không lo nhận hậu quả.

"Tôi chắc chắn có nhiều cử tri Cộng hòa sẽ nói với tôi rằng, 'Tôi không thể công khai.' Họ lo lắng về nhiều thứ, trong đó có bạo lực, nhưng họ sẽ làm điều đúng đắn", bà Cheney nói. "Và tôi chỉ muốn nhắc nhở mọi người, nếu quý vị có gì đó lo lắng, quý vị có thể bỏ phiếu theo lương tâm mà không bao giờ phải nói gì với ai cả".

Sau đó, tại Brookfield ở Wisconsin, bà Cheney gọi mình là "ủng hộ sự sống" nhưng cho biết bà bất mãn về các hạn chế phá thai ở bang này vốn đã ngăn phụ nữ không có được sự chăm sóc y tế mà họ cần.

Bà Cheney và cha bà Dick Cheney, phó tổng thống dưới thời Tổng thống George W. Bush hiện vẫn bị nhiều đảng viên Dân chủ chê trách vì biện hộ cho cuộc xâm lược Iraq, là những người bảo thủ kiên trung và là hai trong số những đảng viên Cộng hòa có tên tuổi nhất đã ủng hộ bà Harris.

Trong một bài đăng trên Truth Social hôm 21/10, ông Trump đã gọi bà Liz Cheney là "ngu như bò" (dumb as rock) và là "kẻ hiếu chiến". Ông cáo buộc bà là muốn gây chiến với "mọi quốc gia Hồi giáo có trên thế giới" giống như cha bà, người mà ông gọi là "người đã thúc đẩy ông Bush đi gây chiến ở Trung Đông một cách lố bịch”.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG