Nam Triều Tiên sẽ bầu cử tổng thống vào thứ Ba 9/5 sau một năm bất ổn chính trị với nhiều vụ bê bối, biểu tình, và luận tội khiến công chúng đòi phải minh bạch và thay đổi.
Ứng cử viên cấp tiến Moon Jae-in của Đảng Dân chủ Triều Tiên, người đang dẫn trước trong các cuộc thăm dò dư luận với tỉ lệ ủng hộ vượt hơn 40%, ráo riết vận động cử tri trong ngày thứ Hai.
Ông Moon phát biểu: “Không có sức mạnh đoàn kết của nhân dân, chính quyền mới sẽ gặp khó khăn ngay trong bước đầu tiên. Chúng ta phải vượt qua cuộc khủng hoảng này bằng sức mạnh đoàn kết.
Hai đối thủ theo sát ông Moon nhất là ứng cử viên Hong Joon-pyo của Đảng Tự do Triều Tiên và ứng cử viên Ahn Cheol-soo của Đảng Nhân dân, cũng là người theo quan điểm cấp tiến. Cả hai ứng cử viên này đều đạt mức ủng hộ gần 20% trong các cuộc thăm dò trong lúc các ứng cử viên còn lại đạt dưới 10% mức ủng hộ.
Ông Hong trong cuộc vận động cuối hôm thứ Hai đã kêu gọi cử tri đoàn kết với ông để bảo vệ thị trường tự do và tăng cường các chính sách quốc phòng đã có trong tám năm qua.
Ông Hong phát biểu: “Tôi tranh cử để ngăn chặn cánh tả lên nắm quyền, và tôi hành động để bảo vệ một nước Cộng hòa Triều Tiên tự do. Chúng tôi sẽ thắng. Sự thật sẽ thắng. Người dân của chúng tôi sẽ thắng. Công lý sẽ thắng những kẻ đảo đức giả. Cộng hòa Triều Tiên sẽ thắng.
Ảnh hưởng của vụ bê bối chính trị vẫn bao trùm
Hàn Quốc bầu cử sớm do tổng thống trước đó là bà Park Geun Hye của phe bảo thủ bị luận tội vì bị cáo buộc thông đồng với bạn của bà là bà Choi Soon-sil, ép buộc các tập đoàn doanh nghiệp đóng góp gần 65 triệu đôla vào hai quỹ tài chính mờ ám và dành những ưu đãi ngân sách và hợp đồng thầu cho các công ty của bà Choi và người thân của bà.
Những tuần lễ trước cuộc biểu quyết luận tội ở Quốc hội, nhiều cuộc biểu tình lớn, được gọi là Cuộc cách mạng Đèn nến, đã diễn ra trên cả nước đòi lật đổ bà Park và cải cách hệ thống chính trị mà trong đó các tập đoàn kinh tế có nhiều quyền lực có ảnh hưởng quá lớn đối với các nhà lãnh đạo dân cử.
Sau khi bị phế truất , bà Park đã bị bắt và đang bị truy tố tội hối lộ và các tội trạng khác liên quan đến vụ bê bối. Phó chủ tịch tập đoàn Samsung, ông Lee Jae-yong và chủ tịch tập đoàn Lotte, ông Shin Dong Bin cũng bị truy tố liên quan đến tham nhũng và thông đồng.
Cải cách kinh tế
Ông Moon, một luật sư nhân quyền, hứa sẽ chấm dứt thông lệ lâu nay của các nhà lãnh đạo Hàn Quốc là bỏ qua những vi phạm của các công ty lớn. Ứng cử viên của Ðảng Dân chủ cũng nói rằng ông sẽ phá vỡ những mối quan hệ mờ ám thường thấy giữa các tập đoàn doanh nghiệp lớn với chính phủ tại nền kinh tế lớn thứ 11 trên thế giới này, và ông muốn mở thêm công việc làm trong các lãnh vực công và tăng thuế đánh vào giới giàu có.
Ông Ahn, đối thủ của ông Moon cũng theo quan điểm cấp tiến là một nhà doanh nghiệp trong ngành phần mềm điện toán. Ông Ahn nói rằng ông sẽ ủng hộ Ủy ban Thương mại Tự do (FTC) để chấm dứt sự lạm dụng của các tập đoàn kinh doanh. Nhưng ông cũng nói rằng chính phủ sẽ không can thiệp mạnh tay vào lãnh vực tư nhân, mà thay vào đó chính phủ sẽ tập trung vào việc tạo môi trường công bằng và thân thiện trong thị trường.
Ông Hong nói rằng “suy nghĩ chống lại doanh nghiệp sẽ không giúp thúc đẩy nền kinh tế.” Mặc dù ông hứa sẽ trừng phạt các doanh nghiệp làm sai, chẳng hạn như trốn thuế, ông Hong không ủng hộ việc gây khó khăn cho các hoạt động doanh nghiệp với những quy định, luật lệ không cần thiết sẽ hạn chế khả năng tạo ra công ăn việc làm.
Bắc Triều Tiên
Cuộc bầu cử này cũng sẽ là một cuộc trưng cầu dân ý về chính sách đối với Bắc Hàn.
Những người theo quan điểm bảo thủ muốn duy trì chính sách của bà Park ủng hộ đồng minh Mỹ và chính sách cứng rắn sử dụng các biện pháp trừng phạt mạnh và răn đe quân sự đế tăng áp lực lên chế độ của ông Kim Jong Un đòi họ phải giải trừ hạt nhân để đổi lại các bảo đảm về an ninh và kinh tế.
Hai ứng cử viên theo quan điểm cấp tiến muốn giảm bớt trừng phạt và tăng đối thoại. Ông Moon nói rằng ông sẽ theo đuổi các chính sách giao tiếp, chẳng hạn như mở lại hoạt động của khu công nghiệp liên doanh Kaesong với Bắc Triều Tiên. Liên doanh này đã bị ngưng hoạt động kể từ khi Bình Nhưỡng thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư hồi năm ngoái.
Nhật báo Rodong của đảng cầm quyền ở Bắc Triều Tiên ủng hộ lối tiếp cận cấp tiến trong một bài bình luận số ra hôm thứ Hai, nói rằng “mâu thuẫn giữa hai miền Triều Tiên do những người bảo thủ Nam Triều Tiên cầm đầu phải nên chấm dứt, và một chương mới của thống nhất nên được mở ra trong sự hợp tác giữa hai nước.”
Những người bảo thủ duy trì quan điểm cho rằng trợ giúp và giao tiếp với Bắc Triều Tiên như trong các chính quyền cấp tiến trước đây từng làm đã không thuyết phục được Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân của họ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đòi Nam Triều Tiên phải trả một tỉ đôla cho chi phí triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD trên Bán đảo Triều Tiên, và ông gọi hiệp ước thương mại tự do Mỹ-Hàn là một thỏa thuận “tồi” và cần được đàm phán lại. Điều đó cũng làm nản lòng các cử tri Hàn Quốc theo đường lối bảo thủ trong khi lại tạo thêm phấn khởi cho những người theo chủ trương cấp tiến mong muốn tổng thống kế tiếp của họ phải đứng lên đối phó với áp lực của Mỹ.
Tuy nhiên ông Moon nói rằng quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn là thiết yếu cho an ninh quốc gia.