Đường dẫn truy cập

Các ứng cử viên tổng thống Hàn Quốc từ chối chính sách của Mỹ


Những người biểu tình Hàn Quốc phản đối chuyến thăm của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson tại Seoul, ngày 17/3/2017.
Những người biểu tình Hàn Quốc phản đối chuyến thăm của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson tại Seoul, ngày 17/3/2017.

Cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc trong vòng chưa đầy một tháng nữa có phần chắc sẽ đưa đến một sự chuyển đổi lớn trong chính sách đối ngoại mà có thể sẽ làm hạ giảm căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên nhưng lại gây ra một căng thẳng mới với đồng minh Mỹ.

Cuộc bầu cử tổng thống ngày 9/5 là cuộc bầu cử được tổ chức sớm vì lý do cựu Tổng thống Park Geun Hye bị luận tội liên quan đế một vụ bê bối tham nhũng hàng chục triệu đôla mà các tập đoàn kinh tế khổng lồ của Nam Hàn đã đóng góp vào các quỹ mờ ám để được hưởng những ưu đãi của chính phủ.

Vụ luận tội bà Park đã khiến công chúng thôi ủng hộ nhà lãnh đạo theo chủ trương bảo thủ từng một thời rất được sủng ái. Bà Park hiện bị giam giữ trong khi các công tố viên thu thập bằng chứng để truy tố bà tội hối lộ, tống tiền và lạm dụng quyền lực. Nếu bị kết tội, bà có thể bị lãnh án đến hơn 10 năm tù.

Tiếp theo sau vụ luận tội, các chính sách bảo thủ của bà Park cũng không còn được tin tưởng và đảng của bà bị chia rẽ.

Các đảng chính của Hàn Quốc đã chọn đại diện ra tranh cử tổng thống, và hai đối thủ đang dẫn đầu theo các cuộc thăm dò dư luận thuộc các đảng cấp tiến không được bầu chọn để cầm quyền kể từ năm 2008.

Ðảng Dân chủ

Ứng cử viên tổng thống của Ðảng Dân chủ là ông Moon Jae-in, người đang dẫn đầu cuộc đua với tỉ lệ ủng hộ là 41% trong cuộc thăm dò mới nhất của Realmeter. Là một luật sư nhân quyền, ông Moon từng ra tranh cử vào năm 2012 nhưng đã thua bà Park bởi vì vào lúc đó ông được xem là người quá thiên vể chủ trương hòa giải với Bắc Hàn.

Tuy nhiên chính sách cứng rắn của bà Park sau đó đã bị nhiều chỉ trích khi căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên tăng cao vì lý do chính phủ của lãnh tụ Kim Jong Un đẩy nhanh nỗ lực phát triển khả năng vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Ông Moon nói cách tiếp cận duy nhất bằng trừng phạt của tổng thống bị luận tội Park chỉ nhắm vào việc cắt đứt các mối quan hệ và tập trung vào các biện pháp chế tài để buộc Bình Nhưỡng chấm dứt chương trình hạt nhân của họ đã thất bại.

Nếu được bầu làm tổng thống, nhà lãnh đạo của Ðảng Dân chủ nói rằng ông mong muốn khôi phục lại phiên bản hạn chế của Chính sách Ánh dương hồi đầu thập niên 2000 với mục tiêu xây dựng lòng tin với Bắc Hàn thông qua các chương trình viện trợ, trao đổi và đầu tư, trong khi vẫn duy trì răn đe mạnh và chế tài quốc tế nghiêm khắc.

Ông Moon nói:

“Chúng tôi có hai kênh biện pháp ở đây. Chúng ta cần phải có khả năng tăng áp lực và cưỡng chế đối với Bắc Hàn, nhưng đồng thời chúng ta cũng phải bắt đầu thảo luận và đối thoại với Bắc Hàn.”

Ông Moon hứa sẽ ủng hộ một số phương án nhằm tạm ngưng chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên và có thể dẫn tới khả năng tái tục vòng đàm phán giải trừ vũ khí. Chủ trương ủng đối thoại liên Triều của ông Moon có thể đẩy nhà lãnh đạo Hàn Quốc vào thế bất đồng với Washington. Chính quyền của Tổng thống Trump trước đó đã bác bỏ một kế hoạch tương tự nhằm tạm ngưng chương trình hạt nhân của Bắc Hàn do giới lãnh đạo ở Bắc Kinh đề nghị.

Mặc dù mạnh mẽ lên tiếng ủng hộ đồng minh Hoa Kỳ, ông Moon cũng nói rằng nước ông cần phải học cách nói “không” với người Mỹ. Ông không trực tiếp chống đối kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ đang được xúc tiến ở Nam Hàn, nhưng ông nói rằng kế hoạch này nên đình hoãn lại cho đến sau bầu cử để tân tổng thống có cơ hội đánh giá kỹ hơn những rủi ro ngoại giao với những lợi ích an ninh, đồng thời hạ giảm lo ngại về Trung Quốc.

Chính phủ bảo thủ lâm thời ở Seoul quả quyết rằng hệ thống lá chắn tên lửa THAAD là cần thiết để phòng thủ cho Nam Hàn trước mối đe dọa hạt nhân và tên lửa ngày càng tăng từ Bắc Hàn. Nhưng Bắc Kinh cực lực phản đối THAAD và cho rằng đó là một hành động leo thang khiêu khích quân sự không cần thiết trong khu vực và nêu lên lo ngại rằng hệ thống ra đa cực mạnh của THAAD có thể được sử dụng để theo dõi Trung Quốc và các nước khác trong vùng.

Đảng Nhân dân

Chính trị gia có quan điểm trung dung hơn, ông Ahn Cheol-soo hồi đầu tuần này đã giành được quyền đại diện ra tranh cử tổng thống cho Đảng Nhân dân. Ông hiện xếp thứ nhì với 34% số ủng hộ trong cuộc thăm dò của Realmeter, nhưng ông đã thu dần khoảng cách biệt với ông Moon trong mấy tuần gần đây. Nhà kinh doanh lớn trong ngành phần mềm điện toán này đã rút khỏi cuộc tranh cử tổng thống năm 2012 để quay sang ủng hộ ông Moon, nhưng lần này ông quyết tranh cuộc đua cho tới cùng và hy vọng sẽ thắng.

Vế vấn đề an ninh quốc gia, ông Ahn trong một chừng mực nào đó có quan điểm cứng rắn hơn ông Moon. Ông Ahn ủng hộ hệ thống tên lửa THAAD và các biện pháp chế tài quốc tế đối với Bắc Hàn vì Bình Nhưỡng vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc cấm chương trình hạt nhân. Nhưng ông Ahn nói rằng ông sẽ thúc đẩy đối thoại liên Triều ở một điểm nào đó.

Ông Ahn nói:

“Mục đích của các biện pháp chế tài Bắc Triều Tiên là gì? Là vì chúng ta muốn thuyết phục Bình Nhưỡng đến bàn thương thuyết vào thời điểm chúng ta mốn và theo những điều kiện chúng ta muốn.”

Chọn lựa hạt nhân

Đảng Saenuri bảo thủ của bà Park bị chia thành phe trung thành vẫn tự gọi là Đảng Tự do Triều Tiên, và phe của những người ủng hộ luận tội theo quan điểm bảo thủ đã rời khỏi Đảng Tự do để lập thành Đảng Bareun mới. Nhưng cả hai ứng cử viên của phe bảo thủ này đều ủng hộ các chính sách an ninh quốc gia của cựu tổng thống bị luận tội Park Geun Hye và cả hai đều không giành được hơn 10% ủng hộ trong cuộc thăm dò của Realmeter.

Ông Hong Joon-pyo, ứng cử viên đại diện Đảng Tự do Triều Tiên, là một cựu công tố viên. Ông được 9% ủng hộ trong cuộc thăm dò Realmeter. Trong phát biểu nhận đề cử của đảng, ông hứa sẽ là một “lãnh đạo kiên định” dám đương đầu với áp lực từ Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Bắc Hàn. Là một người mãnh mẽ ủng hộ THAAD, ông Hong nói nếu thắng cử, ông sẽ “ngay lập tức thảo luận với Mỹ về việc triển khai lại vũ khí hạt nhân” ở nước ông.

Hồi đầu thập niên 1900, Hoa Kỳ đã rút vũ khí hạt nhân chiến lược ra khỏi Nam Triều Tiên và những người chỉ trích nói rằng đưa vũ khí hạt nhân vào lại sẽ khiến cộng đồng quốc tế giảm ủng hộ đối với các biện pháp chế tài đối với chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Theo thỏa thuận phòng thủ hạt nhân, Hoa Kỳ hứa sẽ sử dụng kho vũ khí hạt nhân từ ngoài khơi để bảo vệ cho Nam Triều Tiên nếu bị Bắc Triều Tiên tấn công.

Ứng cử viên của đảng Bareun, ông Yoo Seong-min chỉ được 3% ủng hộ trong cuộc thăm dò của Realmeter trên toàn quốc. Trước đây từng có thời gian là trợ lý cho cựu Tổng thống Park Geun Hye. Ông Yoo đã tranh cử thành công trong tư cách là ứng cử viên độc lập vào Quốc hội, và tại đó ông đã biểu quyết ủng hộ luận tội bà Park và rồi ông quay sang thành lập đảng bảo thủ đối kháng với đảng của bà Park.

Ông Yoo cũng ủng hộ viện triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược tại Nam Hàn để răn đe việc Bắc Hàn phát triển hạt nhân. Còn về THAAD, ông Yoo nói một khẩu đổi THAAD là chưa đủ.

Ông Yoo nói:

“Điều tôi muốn tranh luận là không phải là chuyện triển khai chỉ một khẩu đội THAAD do các lực lượng của Mỹ ở Hàn Quốc sở hữu, nhưng chính Hàn Quốc phải thiết đặt 3 khẩu đội THAAD mua bằng chính ngân sách quốc phòng của chúng ta.”

Kinh tế Hàn Quốc đình trệ sẽ là một vấn đề lớn trong cuộc bầu cử sắp tới và các ứng cử viên chính có quan điểm khác nhau về việc phải hạn chế ảnh hưởng của các tập đoàn kinh tế kếch xù và thăng tiến cơ hội cho người trẻ đang khó tìm được việc làm trả lương khá.

Hiện ông Moon đang là ứng cử viên dẫn đầu trong cuộc đua, nhưng cơ hội có thể thay đổi trong những tuần lễ tới. Nhiều tình huống đang được bàn luận, trong đó có việc các ứng cử viên nhận được tỉ lệ ủng hộ kém hơn có thể xoay sang ủng hộ ông Ahn giúp ứng cử viên này vượt lên dẫn đầu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG