Việc Bắc Triều Tiên cấm người nước ngoài tham gia cuộc chạy đua marathon ở Bình Nhưỡng là thí dụ mới nhất cho thấy sự hạn chế thái quá để đáp lại mối đe doạ của dịch Ebola đang gây phương hại cho những lợi ích kinh tế của nước họ. Theo tường thuật của thông tín viên Brian Padden của đài VOA ở Seoul, một số nhà phân tích cho rằng những hạn chế của Bắc Triều Tiên nhắm tới những mục tiêu chính trị.
Tuy không có ca bệnh Ebola nào được ghi nhận ở Á Châu, Bắc Triều Tiên đã đóng cửa biên giới đối với du khách nước ngoài hồi tháng 10 để ngăn ngừa dịch bệnh. Họ cũng áp dụng biện pháp cách ly kiểm dịch 21 ngày đối với những nhân viên cứu trợ người nước ngoài và các nhà ngoại giao nhập cảnh vào nước họ.
Giờ đây các công ty lữ hành nói rằng giới hữu trách cũng quyết định không cho người nước ngoài tham gia cuộc chạy đua marathon sắp tới ở Bình Nhưỡng, một trong những sự kiện thu hút nhiều du khách nước ngoài nhất. Năm ngoái là lần đầu tiên vận động viên nước ngoài được phép tham gia cuộc tranh tài marathon ở Bắc Triều Tiên.
Trước khi quyết định được loan báo, nhiều công ty lữ hành đã lên kế hoạch để chào bán những tour du lịch đến Bắc Triều Tiên nhân dịp marathon Bình Nhưỡng cùng với những lễ hội văn hoá và nghệ thuật vào trung tuần tháng tư để kỷ niệm ngày sinh của ông Kim Il Sung, người sáng lập Bắc Triều Tiên.
Nhưng không phải chỉ có ngành du lịch mới bị thiệt hại. Ông Andray Abrahamian, giám đốc của tổ chức Giao lưu Triều Tiên, chuyên cung cấp các khoá huấn luyện về kinh tế và kinh doanh cho người Bắc Triều Tiên, đã bị mất những khoản tài trợ và hợp đồng trị giá hàng vạn đô la vì những hạn chế du hành.
"Họ nói với chúng tôi nếu ông không thể bảo đảm là chương trình này sẽ bắt đầu trước cuối tháng 3 thì chúng tôi sẽ phải tìm nơi khác. Điều không may là chúng tôi không thể bảo đảm như thế, cho nên chúng tôi đã mất một số tiền tài trợ."
Ông Ibrahamian cho biết chính phủ của ông Kim Jong Un đã ra sức khuyến khích việc thành lập các doanh nghiệp mới và thu hút đầu tư nước ngoài, mặc dù đã có những sự kiểm soát nghiêm nhặt và sự tiếp cận bị hạn chế đối với internet và các phương tiện truyền thông khác.
Ông nói rằng những hạn chế mới về du hành gây phương hại cho những nỗ lực đó của chính phủ.
"Vụ việc liên quan tới Ebola cho thấy sự căng thẳng giữa một số mục tiêu đối chọi nhau của những người làm ra quyết định tại các cấp cao hơn.
Đây không phải là lần đầu tiên Bình Nhưỡng siết chặt các biện pháp kiểm soát biên giới để ngăn chận dịch bệnh. Bắc Triều Tiên đã đóng cửa biên giới trong thời gian xảy ra đại dịch SARS năm 2003, nhưng đó là chứng bệnh xảy ra khá nhiều ở Á Châu, đặc biệt là ở lân bang Trung Quốc."
Ông Ahn Chan Il, một người Bắc Triều Tiên đào tị và là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bắc Triều Tiên Thế giới, nói rằng hành động của Bình Nhưỡng lần này là một phản ứng thái quá đối với một mối rủi ro có thật của dịch bệnh.
Ông Ahn nói rằng các giới chức Bắc Triều Tiên e rằng nước họ thiếu khả năng ứng phó và không có đủ các biện pháp để khống chế dịch Ebola một khi dịch bệnh tràn vào nước họ.
Nhưng ông Ahn cũng tin rằng chế độ độc tài ở Bình Nhưỡng đã cố ý thổi phồng mối rủi ro của Ebola để đạt được những lợi ích về mặt chính trị.
Ông Ahn cho biết Bắc Triều Tiên cảnh báo dân chúng về mối nguy rất đáng sợ của bệnh Ebola và lợi dụng điều này để tạo ra một bầu không khí thuận lợi cho việc duy trì sự ổn định của chế độ Kim Jong Un.
Truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên nói rằng Ebola do quân đội Mỹ tạo ra để làm vũ khí sinh học.
Chế độ Kim Jong Un đang bị cô lập mỗi ngày một nhiều vì áp lực của Liên hiệp quốc đối với thành tích nhân quyền của Bình Nhưỡng. Quốc gia Cộng Sản này mới đây cũng bị Hoa Kỳ áp đặt thêm các biện pháp chế tài vì vụ tấn công mạng nhắm vào hãng phim Sony hồi tháng 12.