Đường dẫn truy cập

Giọng nói mầu nhiệm của mẹ


Hình minh họa.
Hình minh họa.

Giọng của một người, đặc biệt một người thân, không thể nào phai nhòa trong tâm trí chúng ta, dù người đó đã lìa đời bao nhiêu năm về trước.

Ba tôi vĩnh viễn ra đi cách đây gần 23 năm. Trong suốt cuộc đời ông viết rất nhiều thư từ cho con cái và người thân. Ông không bày tỏ tình cảm nhiều bằng lời nói. Nhưng bằng thư từ. Thư ông viết cho các con và cho má tôi thì vô số. Hình ảnh của ông cũng rất nhiều trong bộ ảnh của gia đình. Phim ảnh cũng nhiều. Tuy thế, mỗi lần được nghe lại giọng của ông, những cảm xúc thương nhớ khó tả chợt ùa về. Giống như khi xa cách ông nhiều năm khi ông còn sống. Tôi còn nhớ lúc anh chị em chúng tôi đã qua được Úc, chỉ còn lại mỗi mình ba và anh cả tôi tại Việt Nam. Thời đó gọi điện thoại nhau còn rất khó, phải hẹn hò trước rất lâu. Đến mãi bây giờ mỗi lần nghe được giọng của ông, bao nhiêu kỷ niệm cuồn cuộn quay về. Và tôi tin, đều thế, trong anh chị tôi.

Giọng nói của người thân, hay bất cứ người nào, là nét đặc thù riêng biệt của người đó, giống như dấu tay, hay con ngươi, vân vân… của mỗi người vậy. Cho nên chúng ta sẽ nhận diện được ngay. Giọng của người mà chúng ta thương yêu là vô giá. Chúng là một liều thuốc bổ tâm lý sâu sắc, như một số nhà khoa học xã hội đã chứng minh. Một cuộc thí nghiệm về các sinh viên đang làm bài thi căng thẳng cho biết những bạn được cơ hội nói chuyện với mẹ mình, thì qua thử nghiệm máu, cho thấy mức độ hormone căng thẳng thấp hơn nhiều và mức độ oxytocin làm dịu tinh thần lại cao hơn đối với các bạn nghe được giọng mẹ. Còn những bạn cũng liên lạc với mẹ nhưng qua dạng tin nhắn (text) thì không cho thấy thay đổi gì về sinh hóa máu.

Một cuộc nghiên cứu khác gần đây cho hay giọng nói của mẹ có một ảnh hưởng nhiệm màu đối với các em bé sơ sinh. Trước đây sinh em bé trước 35 tuần là rất nguy hiểm, thì bây giờ nhờ các kỹ thuật hiện đại em bé 24 tuần sơ sinh lại trở nên bình thường. Kỹ thuật hiện đại đã cứu sống được các em, nhưng giấc ngủ và sự phát triển lại phụ thuộc rất nhiều vào người mẹ, tiếng mẹ. Bình thường thì các thai nhi trong bụng mẹ được nghe tiếng mẹ suốt ngày, và sau khi sinh tiếp tục được nghe tiếng mẹ và những người thương yêu của mình. Nhưng trong các Khu Chăm sóc Đặc biệt Trẻ Sơ sinh (Neonatal Intensive Care Unit) tại các bệnh viện, nơi được xem là ồn ào náo nhiệt nhất vì tiếng ồn đến từ khắp nơi, thì lại thiếu vắng mẹ. Gần đây có sáng kiến là nên sử dụng tiếng mẹ để giúp các sơ sinh trong môi trường ồn ào này. Cuộc thử nghiệm với 47 em bé từ độ tuổi 33 tuần hoặc hơn, được nghe giọng đọc của mẹ chúng thâu lại trong máy dài 6 tiếng đồng hồ, cho thấy nó giúp các em ngủ ngon hơn mặc dầu vẫn còn đầy tiếng ồn chung quanh. Khi các bé gần đủ tháng, tức 35 tuần trở lên, khi được nghe tiếng mẹ mình các em trở nên cảnh giác nhạy cảm (alert) hơn.

Cho nên đừng bao giờ nghĩ rằng em bé sơ sinh, hay thai nhi trong bụng mẹ, không biết gì. Các em biết phân biệt giọng mẹ, giọng cha, cũng như những người thương chung quanh em.

Trong suốt quãng đời của một người, chẳng hạn của tôi, thì giọng mẹ từ lúc tôi còn bé cho đến bây giờ vẫn là thuốc an thần. Mẹ là suối mát, là trăng sao, là dịu hiền, sưởi ấm tâm hồn anh chị em tôi. Giọng mẹ ru tôi vào giấc ngủ khi còn bé và xoa dịu những vết thương lòng khi tôi lớn lên. Sau này mẹ và anh chị tôi kể rằng khi không có mẹ bên cạnh, tôi phải nghe máy nhạc hoặc radio thì mới chịu ngủ.

Cách đây mấy hôm mẹ gọi tôi. Giọng mẹ tôi vẫn ấm áp đầy tình thương và mầu nhiệm như ngày nào. Cũng gần hai tháng qua chưa được gặp mẹ, vì sự an toàn do chính sách giãn cách xã hội trong thời đại dịch Covid-19. Các anh chị tôi gọi mẹ tôi mỗi ngày. Riêng tôi thì suốt ngày lo chuyện xã hội nên thật là bất hiếu, để mẹ phải gọi mình vì lo lắng không biết con mình ra sao.

Hôm nay là Ngày Mẹ. Có lẽ trong lịch sử nhân loại chưa có khi nào Ngày Mẹ lại phải bị cách ly đến mức độ này, không loại trừ ai. Thế Chiến I, II, Chiến tranh Lạnh, nội chiến v.v… thì vẫn có thể về gặp mẹ, gần bên mẹ, nếu có phương tiện. Còn bây giờ? Tại nhiều nơi, ngay cả khi ở gần bên cạnh mẹ và có đủ phương tiện, chúng ta vẫn không thể thăm mẹ vào lúc này, cho đến khi các giới hạn về cách ly này bị gỡ bỏ một phần hay hoàn toàn.

Chúng ta ăn mừng tổ chức Ngày Mẹ như thế nào trong hoàn cảnh này, mặc dầu mỗi ngày nên là ngày mẹ mà?

Có vô số sáng kiến về tổ chức Ngày Mẹ năm nay. Trên hết, nếu không gặp được mẹ lúc này, chúng ta vẫn may mắn có thể liên lạc với mẹ qua điện thoại hoặc mạng internet. Viết tin nhắn (text) cũng tốt, nhưng hãy gọi để nghe tiếng mẹ hiền. Hãy thâu âm thanh giọng nói của mẹ. Một ngày kia khi mẹ không còn, anh chị em trong gia đình và các con cháu mình vẫn biết được mẹ, bà ngoại, bà nội… đã nói gì, và nói ra sao, vào một thời điểm khá bất thường trong lịch sử nhân loại.

Giọng nói của người thân, nhất là của mẹ, là liều thuốc nhiệm màu mà một số cuộc thử nghiệm khoa học chứng minh.

Xin chúc mừng Ngày Mẹ đến tất cả những ai đã và đang là mẹ. Không có biểu tượng nào cao quý hơn, hy sinh hơn, và đẹp đẽ hơn, người mẹ trong cuộc sống đời thường này.

  • 16x9 Image

    Phạm Phú Khải

    Từ nhỏ, gia đình bảo giỏi toán. Lớn lên, quyết định học kỹ sư, tưởng sở trường của mình.

    Về sau, thích hoạt động xã hội, đam mê tìm hiểu các hành vi con người và chính trị được định hình bởi các yếu tố nào.

    Gần đây, càng làm việc liên quan đến con người, và càng nghiên cứu nhiều hơn, tôi tìm thấy khoa học hành vi và khoa học xã hội (Behavioural Science and Social Science), trong đó tâm lý, nhất là địa hạt khoa học thần kinh (neuroscience), giải thích được rất nhiều về cách suy nghĩ và hành xử của con người.

    Tôi hy vọng có dịp chia sẻ với bạn đọc về những vấn đề cùng quan tâm, và mong được học hỏi từ mọi người qua trang blog này.

    Các bài viết của Phạm Phú Khải là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG