Đường dẫn truy cập

Giới hoạt động cho dân chủ ở Hong Kong dự định trưng cầu ý kiến


Người biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong đứng dưới mưa trong khi chận một con đường chính trong khu Mong Kok, 22/10/14
Người biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong đứng dưới mưa trong khi chận một con đường chính trong khu Mong Kok, 22/10/14

Người biểu tình ở Hong Kong cho biết họ sẽ mở một cuộc trưng cầu ý kiến giữa họ với nhau vào ngày chủ nhật để quyết định về hướng đi tương lai trong cuộc vận động bất tuân dân sự của họ nhằm đạt được dân chủ đầy đủ tại thành phố bán tự trị này của Trung Quốc. Thông tín viên Ivan Broadhaed tường trình từ Hong Kong, nơi cuộc vận động đòi phổ thông đầu phiếu vào năm 2017 nhận được sự hỗ trợ trong tuần này của Uỷ ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Những người lãnh đạo biểu tình cam kết bao gồm càng nhiều người biểu tình càng tốt trong cuộc biểu quyết ngày chủ nhật tới.

Anh Alex Chow, tổng thư ký Liên đoàn Sinh viên, nói cuộc biểu quyết là cần thiết sau khi học sinh sinh viên không đạt được sự nhượng bộ chắc chắn nào về cải tổ hiến pháp trong các cuộc đàm phán với chính quyền hôm thứ ba.

“Các giới chức chính quyền nói cương lĩnh sẽ chỉ có tác dụng cải tổ hiến pháp sau năm 2017. Điều đó không thực sự giúp giải quyết vấn đề hiện tại.”

Cuộc biểu quyết có phần chắc sẽ chứa 2 nghị quyết: một về việc liệu phong trào chiếm đóng có nên tiếp tục hay không, và một là liệu có chấp nhận đề nghị của chính quyền thảo luận về cải tổ hiến pháp kịp thời cho cuộc bầu cử năm 2022 hay không.

Có một số vấn đề hậu cần trong việc thực thi cuộc biểu quyết trong giới biểu tình, với con số có thể lên đến hàng chục ngàn và rải rác khắp nhiều địa điểm. Nhưng anh Chow nói điều quan trọng là xúc tiến cuộc biểu quyết.

“Chính quyền nói rằng Liên đoàn không đại diện cho dân chúng. Vì thế cuộc biểu quyết nhằm gây thêm áp lực chính trị lên chính quyền và khiến họ phải có phản ứng đáp lại các yêu cầu của chúng ta.”

Bà Priscilla Lau là một đại biểu của Hong Kong tại Quốc hội Trung Quốc, Ban thường vụ quốc hội đã thông qua quyết định ngày 31 tháng 8 áp đặt thủ tục kiểm tra các ứng cử viên ra tranh chức hành chánh trưởng quan năm 2017.

Bà lập luận rằng sinh viên tổ chức cuộc biểu quyết là quá sớm, và chính quyền nên cứu xét đàm phán thêm với giới hoạt động.

“Tôi đề nghị rằng với sự bảo đảm của chính quyền, họ vẫn đang tiếp tục thảo luận với sinh viên – hứa hẹn làm như thế. Sau đó sinh viên nên trở lại trường họ, trở về nhà. Chúng ta phải làm cho Hong Kong trở lại sinh hoạt bình thường, kế đó chúng ta có thể thảo luận thêm về cải cách chính trị.”

Tại một cuộc họp ở Geneva hôm thứ năm, Uỷ ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng thêm cùng với những người kêu gọi phổ thông đầu phiếu ở Hong Kong.

Uỷ ban với 18 chuyên gia độc lập nhấn mạnh đến quan điểm của họ rằng theo Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị, phổ thông đầu phiếu có nghĩa là quyền được bầu cho một ứng cử viên, nhưng cũng còn là quyền được ra tranh cử mà không bị kiểm soát hay gây trở ngại.

Phát biểu từ cuộc họp, đại biểu và là nhà lập pháp Hong Kong Emily Lau nói với đài VOA rằng uỷ ban sẽ gửi một bức thư về việc này cho chính phủ Trung Quốc:

“Bắc Kinh hứa Hong Kong có thể bầu ra một hành chánh trưởng quan theo thể thức phổ thông đầu phiếu vào năm 2017. Nhưng nay UNHCR đã lên tiếng và họ coi quyết định của Bắc Kinh không phải là phổ thông đầu phiếu thực sự. Phổ thông đầu phiếu có nghĩa là quyền được bỏ phiếu và ra tranh cử. Vì thế tôi hy vọng Bắc Kinh sẽ cứu xét bức thư và duyệt lại quyết định của mình.”

Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ sáu đáp lại bằng cách nói với các phóng viên rằng Trung Quốc chưa phê chuẩn Công ước về Quyền Dân sự và Chính trị, gợi ý rằng hệ thống chính trị của Hong Kong nằm bên ngoài thẩm quyền của Uỷ ban Liên Hiệp Quốc.

Tuy nhiên, công ước đã có hiệu lực ở Hong Kong vào năm 1976. Khi cựu thuộc địa Anh được giao hoàn cho Trung Quốc vào năm 1997, Bắc Kinh đồng ý rằng hiệp định sẽ tiếp tục áp dụng trong luật lệ địa phương.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG