Cuộc thảo luận 2 giờ đồng hồ hồi tối thứ ba giữa các giới chức chính phủ Hồng Kông với những người tranh đấu cho dân chủ đã kết thúc mà không đạt được tiến bộ nào. Nhiều sinh viên học sinh tiếp tục ở lại trên các đường phố và đang xem xét tới việc có nên tiếp tục cuộc đàm phán hay không. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết qua bài tường thuật của thông tín viên Richard Green của đài VOA.
Cuộc thảo luận được truyền hình trực tiếp là một diễn đàn để những người tổ chức cuộc biểu tình phản kháng trình bày lý do tại sao họ thực hiện cuộc xuống đường kéo dài hơn 3 tuần nay để đòi Bắc Kinh để cho Hồng Kông có thêm quyền tự trị chính trị.
Bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga), Trưởng ti Chính vụ Hồng Kông, là người đại diện cho chính quyền tại cuộc đàm phán. Bà nói rằng những đòi hỏi của sinh viên là không khả thi về mặt pháp lý.
"Về lập trường của các lãnh tụ sinh viên, tôi e rằng chúng tôi chỉ có thể đồng ý với nhau là chúng tôi không đồng ý, bởi vì lập trường kiên quyết của chúng tôi là việc chọn lựa một vị trưởng quan hành chánh thông qua phổ thông đầu phiếu vào năm 2017 phải được thực hiện theo khuôn khổ pháp lý đã được ấn định bởi Uûy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc ngày 31 tháng 8. Nếu các sinh viên không thể chấp nhận lập trường này thì tôi e rằng chúng tôi sẽ tiếp tục có những quan điểm khác nhau."
Trong phát biểu mở đầu cuộc đàm phán, bà Carrie Lam, nhân vật đứng hàng thứ nhì trong chính phủ Hồng Kông, đã yêu cầu các sinh viên chấm dứt cuộc phản kháng kéo dài hơn 3 tuần nay. Bà nói rằng đó là một hành động gây chia rẽ và là một chướng ngại cho cuộc đối thoại.
Các sinh viên cho biết nếu đòi hỏi cải cách chính trị của họ không được thỏa mãn, những cuộc biểu tình phản kháng qui mô lớn sẽ tiếp diễn. Anh Alex Chow, Tổng thư ký Liên đoàn Sinh viên Học sinh Hồng Kông, phát biểu như sau.
"Bà Trưởng ti Chính vụ và các quan chức khác mới đây tuyên bố chính phủ đang đối mặt với một vụ khủng hoảng nghiêm trọng về sự hợp pháp. Hàng trăm ngàn người đã xuống đường. Họ không muốn về nhà. Họ không muốn giải tán. Làm thế nào chính phủ có thể tiếp tục cai trị Hồng Kông? Nếu chế độ dân chủ vẫn chỉ là sửa đổi việc bầu cử trong một nhóm nhỏ thì quí vị sẽ thấy những sự việc như thế này xảy ra mỗi lúc một nhiều."
Cuộc thảo luận tối thứ ba được truyền hình trực tiếp, theo đòi hỏi của những người biểu tình, và được chiếu trên những màn hình lớn tại các địa điểm biểu tình. Một sinh viên họ Đàm tham gia cuộc biểu tình cho biết ý kiến như sau.
"Bà Carrie Lam nói có thể có cơ hội thay đổi trong tương lai, nhưng bà không nói là khi nào mà cũng không đưa ra một lộ đồ. Đó là một câu trả lời không có ý nghĩa gì cả."
Giới hữu trách Hồng Kông và Bắc Kinh tuyên bố những cuộc biểu tình, được đặt tên là Phong Trào Chiếm Trung, là bất hợp pháp. Mặc dù vậy, họ vẫn để cho người biểu tình chiếm cứ các đường phố, tuy đã xảy ra một số vụ trấn áp trong vài ngày qua.
Vụ bạo động mới nhất đã xảy ra hôm chủ nhật, khi cảnh sát Hồng Kông đụng độ với những người biểu tình trong lúc tìm cách dẹp bỏ những rào cản trên đường phố.