Các cuộc xuống đường biểu tình đòi dân chủ của tuổi trẻ Hồng Kông đã bước sang tuần lễ thứ ba. Khởi sự các cuộc biểu tình lúc đầu chỉ là vài trăm, sau đó từng ngày qua, đã thu hút hàng trăm, hàng ngàn và có lúc lên đến hàng chục ngàn người tham gia và trở thành cao trào đấu tranh bất bạo động đòi dân chủ của tuổi trẻ Hồng Kông.
Những người biểu tình, phần lớn là sinh viên học sinh, đòi chính phủ Trung Quốc thay đổi quyết định là tất cả các ứng cử viên vào chức vụ trưởng đặc khu hành chánh Hồng Kông năm 2017 phải được Bắc Kinh chấp thuận. Nhiều người Hồng Kông xem một cuộc đầu phiếu với những điều kiện như vậy là “một cuộc bầu cử giả hiệu.” Nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc, cùng với ông Lương Chấn Anh, một người trung thành với Bắc Kinh, đã tuyên bố cuộc phản kháng là bất hợp pháp và nói rằng họ sẽ không thực hiện thêm các biện pháp cải cách. Nhiều người lo ngại thái độ cứng rắn này của Bắc Kinh có thể đưa đến một cuộc đàn áp đẫm máu như biến cố Thiên An Môn năm 1987, khiến hành ngàn sinh viên, thanh niên biểu tình đòi cải cách chính trị theo hướng dân chủ đã bị thảm sát.
Tuy nhiên, tình hình trong mấy tuần qua cho thấy sự lo ngại trên khó xẩy ra vì hoàn cảnh thực tế và tính chất các cuộc biểu tình hiện nay của tuổi trẻ Hồng Kông có khác với biến cố Thiên An Môn trước đây, nên Bắc Kinh dường như đang theo đuổi một đối sách khác hơn. Đối sách ấy có thể tạm gọi là “một đối sách câu giờ, mềm nắn, rắn buông để hạ nhiệt, triệt đầu não.”
Thật vậy, từ Bắc Kinh, đảng và nhà cầm quyền Trung Quốc chỉ đưa ra những tín hiệu từ xa cho thấy thái độ cứng rắn, trong khi chính quyền công cụ ở Hồng Kông đứng đầu là Trưởng Đặc khu Hành chánh Lương Chấn Anh chỉ có những biện pháp duy trì trật tự công cộng thông thường như hơi cay, vòi rồng, tránh đụng độ mạnh. Khi các cuộc biểu tình đến cao độ thu hút hàng chục ngàn người tham gia, chính quyền Hồng Kông liền đưa ra đề nghị đối thoại với các lãnh đạo đầu não các cuộc biểu tình để “hạ nhiệt.” Hơn một tuần trước đây tưởng rằng chính quyền thực tâm muốn giải quyết các yêu sách của những người biểu tình, nên cao trào có chiều hướng đi xuống, có lúc chỉ còn vài trăm người. Nhưng sau thấy chính quyền tìm cách thoái thác đối thoại, số lượng người tham gia biểu tình có chiều hướng gia tăng thành cao trào trở lại, chính quyền Hồng Kông liền đưa ra đề nghị đối thoại với các sinh viên. Một tuần sau khi hủy bỏ kế hoạch đàm phán với sinh viên, hôm 16/10/2014 ông Luơng Chấn Anh, lại đề nghị đối thoại.
Phát biểu với báo giới, ông Lương Chấn Anh cho biết: "Trong những ngày qua và kể cả sáng nay, thông qua các bên thứ ba, chúng tôi đã cho các sinh viên biết là chúng tôi muốn tiến hành đối thoại càng sớm càng tốt, và nếu có thể thì ngay trong tuần tới, về thể thức bầu cử phổ thông đầu phiếu." Thế nhưng Ông Lương Chấn Anh cũng khẳng định lại là Bắc Kinh không chấp nhận từ bỏ quyền kiểm soát và lựa chọn giới thiệu các ứng viên trong cuộc bầu cử lãnh đạo hành pháp Hồng Kông vào năm 2017. Như vậy là Bắc Kinh vẫn cho thấy sẽ không có sự nhượng bộ về yêu sách của tuổi trẻ Hồng Kông đòi dân chủ, vẫn giữ nguyên tắc “Bắc Kinh cử, dân Hồng Kông bầu” Điều này cho thấy Bắc Kinh vẫn chỉ giả vờ đối thoại để “hạ nhiệt” các cuộc biểu tình đang có chiều hướng lên cao trở lại, nhất là sau vụ việc một người biểu tình bị cảnh sát đánh đập dã man.
Theo tin tổng hợp giới truyền thông, trong đêm rạng sáng ngày 15/10/2014, đã xảy ra các vụ xung đột dữ dội giữa người biểu tình và cảnh sát Hồng Kông. Vào sáng sớm hôm 16/10/2014, hàng trăm cảnh sát dã chiến đã tấn công những người biểu tình cố thủ đằng sau các hàng rào mà họ vừa lập ra trên một đại lộ gần trụ sở chính quyền Hồng Kông. Đây là những vụ xung đột dữ dội nhất kể từ sau khi nổ ra các cuộc biểu tình cách nay hơn hai tuần.Tình hình đã trở nên căng thẳng sau khi đài truyền hình TVB của Hồng Kông phát hình ảnh cảnh sát đánh đập dã man một người biểu tình đã bị bắt là ông Kent Tsang. Theo thông tín viên Florence de Changy, “Hình ảnh bộ mặt và thân thể người biểu tình bị đánh sưng vù đã gây kinh hoàng. Ngay lập tức, cảnh sát lên án vụ bạo hành này và cho biết viên cảnh sát dính líu trong vụ đánh đập người biểu tình đã bị trừng phạt và thông báo thêm là trong vụ xô xát vào đêm qua, có 4 cảnh sát bị thương và 55 người biểu tình bị bắt giữ"
Phản ứng trước sự kiện này, ngày 15/10/2014, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jennifer Psaki cho biết Washington "rất quan ngại" và “khuyến khích chính quyền Hồng Kông nhanh chóng tiến hành một cuộc điều tra rõ ràng và đầy đủ về sự cố này." Đồng thời, Hoa Kỳ cũng kêu gọi chính quyền Hồng Kông có thái độ kiềm chế và đề nghị những người biểu tình nên tiếp tục bày tỏ chính kiến của mình một cách ôn hòa. Dường như để nhắc nhở Trung Quốc, chính quyền Mỹ nhân dịp này cũng đã ca ngợi truyền thống lâu đời của Hồng Kông về một Nhà nước pháp quyền và các quyền tự do cơ bản được quốc tế công nhận.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron nhấn mạnh là London luôn ủng hộ các quyền và tự do của Hồng Kông, vùng đất cựu thuộc địa của Anh Quốc đã được trao trả năm 1997 sau gần 100 năm cai trị của đế quốc Anh.
Như vậy, trước diễn biến tình hình thực tế của các cuộc biểu tình đòi dân chủ của tuổi trẻ Hồng Kông theo chiều hướng “Tăng nhiệt đến cao độ” lại được sự hỗ trợ của dư luận quốc tế, Bắc Kinh một lần nữa đang tìm cách “hạ nhiệt” để chờ cơ hội “triệt đầu não”. Hạ nhiệt bằng chiêu bài “đối thoại” làm dịu tình hình, “câu giờ” kéo dài thời gian để cao trào mất dần hậu thuẫn của đông đảo quần chúng, cho đến lúc số lượng người tham gia biểu tình suy giảm đến cực tiểu, sẽ là thời cơ thuận lợi để Bắc Kinh “triệt đầu não” một cách êm dịu.
Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.