Ban đầu, tôi cứ nghĩ chỉ riêng xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi mới có nhiều người đi lặn hải sâm ở vùng biển nước ngoài. Nhưng không, tôi đã nhầm, người lặn hải sâm ở vùng biển nước ngoài nhiều hơn tôi tưởng và hầu như làng chài nào cũng có người lặn trộm hải sâm. Chỉ khác nhau là cách chia tỉ lệ đi lặn hải sâm và đánh bắt của mỗi chủ tàu, mỗi làng chài khác nhau. Nhưng hầu hết đều dùng tỉ lệ 10 – 5 – 3 – 1, đây là tỉ lệ vàng của người bán bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam, đặc biệt, tỉ lệ này do công ty AIA, thuộc tập đoàn AIG, Mỹ, đề xướng, tư vấn cho đại lý của họ. Nhưng tại sao các ngư dân lại dùng tỉ lệ này khi đi đánh bắt trộm hải sâm? Và tỉ lệ này có ý nghĩa gì?
10 – 5 – 3 – 1
Một ngư dân tên Hùng, ở làng chài Bình Châu, từng bị bắt tại vùng biển Solomon vì tội đánh bắt trộm hải sâm, cho biết: “Cái tỉ lệ này ban đầu ít ngư dân biết lắm. Nhưng sau này thì người ta để ý tới nhiều và dùng nó. Bởi hầu hết người làng chài chúng tôi cách đây chừng 10 năm làm ăn khấm khá, không như bây giờ. Hồi đó đi đánh bắt có tiền lắm. Về lại mua thêm đầm để nuôi tôm và mua bảo hiểm với tư cách chủ đầm tôm, thường thì người mua bảo hiểm cũng thành đại lý bảo hiểm, cũng đi học một khóa về bảo hiểm để đi bán trong thời gian rảnh. Hồi đó làm có tiền lắm!”.
“Ý ông nói là làm bảo hiểm có tiền hay đi đánh bắt có tiền?” chúng tôi hỏi.
“Cả hai. Tỉ lệ 30% phí đóng vào của năm đầu hợp đồng, năm sau giảm còn 25% rồi giảm dần, cứ có hợp đồng là thấy có tiền, đó là bảo hiểm, mà ngư dân mua nhiều lắm. Rồi nuôi tôm cũng có lãi, đánh bắt cũng nhiều. Nhưng năm năm sau thì mọi chuyện thay đổi đến không ngờ, có nhiều người mất trắng”.
“Mất trắng như thế nào?” chúng tôi thắc mắc.
“Thì trước đó mình đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa chưa bị Trung Quốc rượt dữ dội, càng về sau họ càng rượt dữ dội, thậm chí bắt, đánh đập, cướp, đủ các thủ đoạn, mình co cụm lại, đâu có dám ra đó đánh bắt. Mình đi đánh bắt trên ngư trường của mình mà phải đi đánh bắt trộm. Còn bảo hiểm thì công ty AIA họ không chăm sóc khách hàng nữa, họ bán khách cho công ty khác, hầu như toàn bộ hợp đồng của ngư dân đều bị mất trắng vì không biết liên lạc ai để đóng phí và sau hai năm không đóng phí thì hợp đồng mất hiệu lực, phải xin phục hồi hợp đồng rồi đóng lại từ đầu. Mình lúc đó đánh bắt không ra chi, nuôi tôm cũng lỗ, thôi thì bỏ luôn chứ đóng làm chi nữa. Xem như mất cả chì lẫn chài!”.
“Vậy tỉ lệ 10 – 5 – 3 – 1 có liên quan gì đến bắt trộm hải sâm?”
“Nói về đánh bắt thì thực tâm mà nói, hiện nay vùng biển Việt Nam khan hiếm cá vô cùng, một phần do cách đánh bắt của ngư dân Việt Nam, phần khác do biển nhiễm độc nên cũng chẳng còn tôm cá gì nữa đâu. Nói về cách đánh bắt, ngư dân Việt Nam hay đánh bắt bằng mìn, cứ thấy có luồng cá là chơi một quả mìn cho cả một đàn cá chết nổi lềnh bềnh và vây lưới bắt. Cách này hoàn toàn khác với ngư dân Nhật hay các nước tiến bộ, người ta chỉ đánh con lớn bằng lưới, chừa con nhỏ để sau này nó sinh sôi. Mình thì không, cứ nện một quả là hốt cả đàn. Hầu hết ngư dân đều đánh như vậy thì biển sao còn cá. Sau này cộng thêm Formosa xả độc, rồi hầu hết các ống xả của các khu công nghiệp đều nhắm ra biển, chuyện đi đánh bắt nhìn thấy cá chết là chuyện xảy ra cũng đã lâu, chỉ sau này người ta làm mạnh vụ Formosa vì nó chết quá khiếp thì ngư dân mới hiểu ra rằng biển đã nhiễm độc. Còn cái tỉ lệ kia là như thế này, cứ mười tàu thì sẽ có năm tàu đi đánh bắt vùng biển xa được, và năm tàu đó thì có ba tàu từng đi bắt trộm ở vùng biển nước ngoài, ba tàu đi bắt trộm thì có một tàu từng bị hải cảnh người ta rượt đuổi. Chuyện bị bắt hay chạy thoát chỉ là hên xui may rủi thôi. Biển ít cá quá, người ta đánh bắt cầm cự thôi. Bởi nếu có nhiều cá đi nữa mà đánh bắt về bán với giá thấp lè tè vì người dân không dám dùng hải sản, xuất khẩu thì khó vô cùng, các cơ sở chế biến hải sản rủ nhau đóng cửa vì thua lỗ. Thử nghĩ tình trạng này ngư dân sống sao nổi? Vậy thì phải liều mình sang đánh trộm hải sâm rồi bắt trộm cá ở vùng biển nước khác để mà bù vốn chứ. Thằng nào chẳng nợ ngân hàng để đóng tàu. Nợ chồng nợ, lãi chồng lãi, không đi ăn trộm thì mất tàu, mất nhà sao! Mà bây giờ muốn bán tàu cũng khó vô cùng, bán còn 30% giá chưa chắc ai đã thèm mua vì không ai dại mà lao vào về đánh bắt! Chính vì vậy cứ mười chuyến đi biển, chắc chắn có một chuyến ra nước ngoài đánh bắt để gở vốn, thậm chí có tàu thì đi năm chuyến bắt trộm trên mười chuyến, hoặc ba chuyến, tàu nào tệ nhất cũng đi chừng một chuyến. Có như vậy mới gỡ được vốn!”
Làng hải sâm Bình Châu
Nói về làng Bình Châu, có ba đặc điểm dễ nhận biết nhất: nghèo, liều mạng, hiu quạnh. Một người dân trong làng chia sẻ mỗi chuyến đi lặn hải sâm về, nếu trúng mánh, mỗi ngư dân kiếm được vài trăm triệu đồng, tệ lắm thì cũng kiếm được vài chục triệu đồng. Một chuyến đi vài tháng mà dư ra vài chục triệu đến vài trăm triệu thì đó là thu nhập rất cao so với người lao động tại Việt Nam. Nghĩa là mức thu nhập trung bình của họ thấp nhất cũng được 20 triệu đồng một tháng, cao thì cả trăm triệu đồng và hơn thế.
Nhưng khi vào thăm làng chài Bình Châu, nhà cửa cũng chỉ lụp xụp. Những gia đình lặn biển lâu năm thì có khấm khá, nhà bê tông, nhà lầu. Nhưng cho dù có nhà lầu đi nữa thì vẫn thấy có cái gì đó tạm bợ, khó tả. Đặc biệt là đường vào làng hải sâm Bình Châu là đường đất. Nghĩa là làng này thuộc vào nhóm “di sản văn hóa nông nghiệp” của Việt Nam. Hiện nay, hầu hết các con đường làng tại Việt Nam đều được lót bê tông. Làng nào mà chính quyền không đủ khả năng làm thì họ tìm cách xin các nhà tài trợ, con cháu trong làng làm ăn xa hoặc ở nước ngoài góp tiền giúp đỡ, nên hầu hết đều có bê tông. Làng hải sâm Bình Châu còn là đường đất.
Lang thang cả ngày trong làng, chúng tôi hỏi thăm hết nhà này đến nhà khác, hầu hết người dân trong làng đều tiếp chuyện vui vẻ, nhã nhặn. Nhưng khi nhắc đến hải sâm thì họ lờ đi, tìm cách đá sang chuyện khác. Và cứ như vậy, chừng mười nhà thì hầu hết cả làng đều biết có người đang đi tìm hiểu về hải sâm. Có nhà còn gọi công an xã tới hỏi chuyện chúng tôi. Có một thuyền trưởng tên Quang, hiện có tàu bị bắt tại Papua New Guinea, đã tránh khi chúng tôi liên lạc gặp để hỏi chuyện. Sau đó, khi chúng tôi về khách sạn thì ông hẹn sáng mai tới ủy ban xã Bình Châu hoặc ủy ban tỉnh để ông ta nói chuyện. Cách nói chuyện của ông nghe có gì đó đầy ác ý và cài bẫy. Đương nhiên là chúng tôi chủ động tránh luôn ông này.
Cũng may là trước khi liên lạc với ông Quang, chúng tôi đã đến thăm gia đình ngư dân Trương Danh, người nghe nói bị bắn chết, và ông Bùi Tấn Sĩ, Bùi Tấn Quang, những người từng bị bắt nhốt tù ở Papua New Guinea. Hầu hết họ đều sẵn sàng bộc bạch, chia sẻ với VOA về kinh nghiệm đánh bắt trộm hải sâm và bị nhốt tù. Riêng ông Bùi Tấn Quang chia sẻ thêm về lựa chọn đánh bắt hải sâm ở vùng biển nước ngoài.
Ông Quang nói: “Đánh bắt ở bên đó ít nguy hiểm, không chết người, cùng lắm là bị nhốt tù. Vùng biển có hải sâm, vú nàng của nước ngoài không sâu như vùng biển có hải sâm, vú nàng của Việt nam. Biển Việt Nam cạn hải sâm rồi, mà phải lặn 60 mét, thậm chí 80 mét thì mới có loại này. Ở độ sâu này sốc áp suất hoặc bị sự cố bình hơi, chết người là chuyện bình thường. Ở làng này người chết vì lặn hải sâm có ngót nghét chục người, người bị tai nạn vì lặn hải sâm thì vài chục. Mà toàn là bị ở biển Đông thôi, chứ chưa có ai bị ở biển nước ngoài. Theo chỗ tôi biết là vậy. Do đó mà dân ở đây đi qua lặn trộm bên họ nhiều lắm, lặn có sáu, bảy mét là thấy hải sâm rồi. Hơn nữa, bị các nước khác bắt cũng dễ chịu hơn bị Trung Quốc bắt”.
“Vì sao biết bị bắt, biết nhà nước cấm mà các anh em vẫn cứ đi lặn?” chúng tôi gạn hỏi.
“Cái này thành truyền thống rồi. Không phải là truyền thống ăn trộm đâu, trước đây mình đâu có qua bên họ để lặn trộm, vài năm, chừng năm năm trở lại đây thôi. Vì dân Bình Châu thuộc diện nghèo nhất nước, đâu có ai đủ tiền mà đóng tàu đi đánh bắt cá. Mà nhiều nhà từng vay tiền nhà nước đi đánh bắt Trường Sa, Hoàng Sa, bị tơi bời, nát đời. Nên sau này anh em chuyển sang lặn hải sâm ngoài biển Đông, nhất là khu vực đảo Cồn Cỏ. Giờ lặn không được nữa, lặn xuống là nguy hiểm lắm, gặp bọn người nhái Trung Quốc thì coi như xong đời. Hết đất sống thì phải đi ăn trộm thôi. Ban đầu mình cứ nghĩ chim trời cá biển, thôi thì kệ làm một chuyến rồi về bỏ nghề đi làm việc khác. Nhưng rồi xăng tăng giá, cứ chuyến nào mình nói là chuyến cuối thì cũng xảy ra sự cố, nó cuốn mình theo cứ như có ma vậy đó, khó nói lắm!”
Ông Quang ngưng lời, ngồi uống trà rồi nhìn vào khoảng không phía trước như chúng tôi không hề có mặt bên cạnh ông. Ngồi một lát, chúng tôi đứng dậy tạm biệt ông. Chúng tôi sang thắp nhang chồng chị Thúy (người bị chết vì lặn hải sâm ngoài Cồn Cỏ), thắp nhang ông Trương Danh, người bị bắn chết trên vùng biển nước ngoài năm ngoái mà đến đây vẫn chưa có giấy chứng tử bởi vì chính quyền địa phương chưa cho chứng tử.
Trời xế chiều, chúng tôi rong ruổi xe trên đường ra lại cảng Sa Kỳ, một con đường đất ngoằn ngoèo cho cảm giác như đang đi lạc trong một thế kỉ nào đó, xa thật xa, xưa thật xưa, mọi thứ trôi chậm và buồn…