Đường dẫn truy cập

Áp lực gia tăng, Việt Nam chật vật ngăn dân đánh cá lậu


Bức hình chụp ngày 10 tháng 6 năm 2015 được Chính phủ Palau công bố cho thấy ngư dân Việt Nam ngồi trên tàu cá của mình neo đậu ở thành phố Koror, Palau sau khi bị bắt giữ vì đánh bắt hải sâm trái phép trong vùng biển của đảo quốc nhỏ bé này.
Bức hình chụp ngày 10 tháng 6 năm 2015 được Chính phủ Palau công bố cho thấy ngư dân Việt Nam ngồi trên tàu cá của mình neo đậu ở thành phố Koror, Palau sau khi bị bắt giữ vì đánh bắt hải sâm trái phép trong vùng biển của đảo quốc nhỏ bé này.

Trong một hội nghị ngư nghiệp quốc tế diễn vào tháng 12 năm ngoái, Việt Nam gặp phải một tình thế khó xử khi đối diện những chất vấn và chỉ trích từ một số nước tham dự.

Vấn đề là những chiếc tàu có nguồn gốc từ Việt Nam thường xuyên bị những nước ở tây Thái Bình Dương bắt giữ trong những năm gần đây vì xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế để đánh bắt hải sâm, và tình trạng này vẫn tiếp diễn không có dấu hiệu suy giảm.

Liên bang Micronesia hỏi Việt Nam đã có hành động gì đối với những tàu vi phạm trong tư cách một quốc gia có tàu treo cờ, lưu ý rằng một số tàu vẫn tiếp tục quay trở lại vùng biển của đảo quốc này hai hoặc ba lần, dù trước đó từng bị bắt giữ.

Việt Nam trả lời rằng năm 2015 đã gửi một quan chức sang Liên bang Micronesia tham dự những cuộc gặp gỡ cao cấp và thiết lập đường dây nóng với chính phủ Liên bang Micronesia, và rằng Việt Nam đang trong quá trình sửa đổi luật để phạt nặng những công dân tham gia hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Nhưng khi trả lời câu hỏi của báo giới, Việt Nam tỏ ra hoài nghi về nguồn gốc của những chiếc tàu này. “Chúng tôi được một số nước thông báo rằng tàu Việt Nam tới Palau và Micronesia để đánh bắt trộm, chúng tôi không chắc lắm những tàu đó là tàu Việt Nam hoặc treo cờ Việt Nam,” Vũ Duyên Hải, trưởng phái đoàn Việt Nam dự hội nghị thường niên lần thứ 13 của Ủy ban Ngư nghiệp Tây và Trung Thái Bình Dương (WCPFC) ở Fiji, phát biểu.

Một số đại biểu xem đó tiếp tục là nỗ lực phủ nhận trách nhiệm của Việt Nam, và điều này đã thôi thúc những nước như Liên bang Micronesia lên tiếng ngày càng thường xuyên hơn trên những diễn đàn quốc tế.

Trong những cuộc phỏng vấn với VOA, các quan chức ngư nghiệp ở Liên bang Micronesia và những nước Thái Bình Dương khác bày tỏ sự bất mãn về điều mà họ xem là sự ứng phó thiếu thỏa đáng của Việt Nam đối với một vấn đề đang trở nên nghiêm trọng đối với khu vực, khiến Việt Nam khó xử về mặt ngoại giao và khơi lên những câu hỏi về khả năng của Việt Nam quản lý tàu và ngư dân của mình.

Trách nhiệm của Việt Nam

Khi đăng đàn phát biểu tại hội nghị WCPFC, Eugene Pangelinan, Giám đốc Điều hành Cơ quan Quản lý Tài nguyên Đại dương Quốc gia của Liên bang Micronesia, tập trung sự chú ý vào vấn nạn tàu đánh bắt trái phép từ Việt Nam trong vùng biển của nước này, liệt kê những tổn hại và chi phí mà đảo quốc nhỏ bé này phải gánh chịu từ hoạt động này.

Một điểm chính mà Liên bang Micronesia nhấn mạnh là trách nhiệm của Việt Nam trong tư cách một quốc gia có tàu treo cờ theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà Việt Nam là một thành viên.

Tàu cá của ngư dân Việt Nam bị lực lượng vũ trang của New Caledonia truy đuổi trong một hoạt động chống đánh bắt trái phép trong vùng biển của lãnh thổ hải ngoại thuộc Pháp, ngày 8 tháng 2, 2017.
Tàu cá của ngư dân Việt Nam bị lực lượng vũ trang của New Caledonia truy đuổi trong một hoạt động chống đánh bắt trái phép trong vùng biển của lãnh thổ hải ngoại thuộc Pháp, ngày 8 tháng 2, 2017.

Điều 94 của UNCLOS quy định rằng mỗi quốc gia có tàu treo cờ phải thực thi quyền tài phán và quyền kiểm soát của mình trong những vấn đề hành chính, kỹ thuật và xã hội đối với những tàu treo cờ của quốc gia đó.

“Rõ ràng, trách nhiệm đó không được thực thi ở đây,” ông Pangelinan nói với chủ tọa hội nghị.

Ông cho biết Liên bang Micronesia đã vài lần gặp gỡ các giới chức của Việt Nam nhưng Việt Nam “vẫn chưa cho thấy rõ những biện pháp cụ thể để giải quyết những vấn đề đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định do những tàu đánh bắt của nước này gây ra.”

Phản hồi 'nực cười'

Giữa tháng 6 năm ngoái, Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Việt Nam kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, thực hiện một chuyến thăm cao cấp tới Liên bang Micronesia nhằm tăng cường hợp tác thủy sản.

Việt Nam tiếp tục thúc đẩy ý tưởng sử dụng đường dây nóng để giúp “ngăn chặn, xử lý kịp thời, hiệu quả các vụ việc phát sinh trong hoạt động nghề cá liên quan giữa hai nước,” theo một bản tin của Tổng cục Thủy sản.

Đến cuối tháng 6, hai tàu từ Quảng Ngãi bị Liên bang Micronesia bắt giữ vì đánh bắt hải sâm trái phép. Trong số 33 ngư dân bị câu lưu có bảy người trước đây từng bị nước này bắt giữ vào năm 2015, theo Bộ Tư pháp.

Eugene Pangelinan, Giám đốc Điều hành Cơ quan Quản lý Tài nguyên Đại dương Quốc gia Liên bang Micronesia, trong văn phòng làm việc, ngày 26 tháng 4, 2017.
Eugene Pangelinan, Giám đốc Điều hành Cơ quan Quản lý Tài nguyên Đại dương Quốc gia Liên bang Micronesia, trong văn phòng làm việc, ngày 26 tháng 4, 2017.

“Một phản hồi nực cười mà tôi nhận được là thiết lập đường dây nóng,” ông Pangelinan kể với VOA về một lần trao đổi giữa ông với đại diện Việt Nam. “Khi tôi hỏi ông ấy mục đích của đường dây nóng là gì, câu trả lời là chúng tôi sẽ gọi điện thoại cho họ và báo một chiếc tàu nữa vừa bị bắt. Rồi tôi nói, ‘Ông sẽ làm gì?’ Câu trả lời tôi nhận được là, ‘Chúng tôi sẽ yêu cầu các ông chăm lo cho họ theo luật pháp quốc tế và trả họ về Việt Nam.’”

“Tôi thấy chuyện đó thật ngớ ngẩn,” ông Pangelinan nói.

Nhưng đó là điều mà Liên bang Micronesia buộc phải làm với hơn 110 ngư dân Việt Nam bị câu lưu ở đây vào năm 2015.

Bộ Tư pháp Liên bang Micronesia, trong một bản báo cáo tóm tắt về những tàu Việt Nam bị phát hiện ở nước này từ năm 2015, nói rằng chính phủ Việt Nam chưa bao giờ hỗ trợ chính phủ Liên bang Micronesia về mặt tài chính để chu cấp cho những nhu cầu cơ bản của những ngư dân này và để đưa họ về nước.

Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho biết họ cung cấp quần áo sạch, thức ăn và đồ dùng vệ sinh cá nhân cho những công dân Việt Nam trong những ngày trước khi họ được hồi hương. Úc cũng hỗ trợ IOM với một khoản quyên góp để thuê máy bay chở họ về Việt Nam.

“Khi mọi chuyện giải quyết xong xuôi, [Việt Nam] gửi tặng chúng tôi hai bức tranh thêu đang treo đâu đó trong văn phòng như một lời cảm ơn,” Craig Reffner, trợ lý công tố viên liên bang Bộ Tư pháp Liên bang Micronesia, nói trong một chuyến thăm của VOA tới văn phòng của Bộ ở thủ đô Palikir.

Ông cho VOA xem một trong hai bức tranh đó. Khung tranh bị vỡ và được dán lại tạm bằng giấy. Bên dưới hình ảnh Chùa Một Cột mang tính biểu tượng là dòng chữ viết tay bằng tiếng Anh, “Quà tặng từ Cục trưởng Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao Việt Nam.”

Không đồng nhất

Liên bang Micronesia không phải là nước duy nhất nhận được phản hồi như vậy từ Việt Nam. Palau, một đảo quốc nhỏ bé khác nằm về phía tây Liên bang Micronesia và phía đông Philippines, nói họ cũng không nhận được sự hồi đáp tích cực từ Việt Nam về những vụ việc liên quan tới tàu đánh bắt trái phép từ Việt Nam bị Palau bắt giữ.

Keobel Sakuma, Giám đốc điều hành Khu bảo tồn Hải dương Quốc gia Palau, nói rằng từ năm 2014 Palau đã bắt giữ 14 tàu đánh bắt trái phép của Việt Nam và đã đốt cháy 5 tàu như một biện pháp cảnh cáo.

“Những vụ việc đầu tiên chúng tôi có liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và về cơ bản họ nói rằng họ không thể làm được gì cả, đó là hoạt động tư nhân,” ông Sakuma nói. “Chính phủ họ mà nhận trách nhiệm thì là điều rất khó.”

Ông Sakuma xác nhận với VOA rằng Palau có liên lạc với Đại sứ Việt Nam ở Philippines nhưng không được đề nghị cung cấp bất kỳ sự trợ giúp nào trong việc hồi hương công dân hay ngăn chặn những vụ việc như vậy tiếp diễn. Ông nói Palau phải bỏ tiền ra để trả những công dân này về Việt Nam.

Palau đốt tàu cá Việt Nam đánh bắt trái phép
please wait

No media source currently available

0:00 0:00:58 0:00

Bộ Ngoại giao Việt Nam không hồi đáp câu hỏi của VOA về những vụ việc ở Palau và Liên bang Micronesia.

“Phản hồi của Việt Nam tới nay khá thú vị,” James Movick, Tổng giám đốc Cơ quan Ngư nghiệp Diễn đàn Đảo quốc Thái Bình Dương (FFA), nhận định. Ông Movick đầu tháng 5 đã chủ trì một hội thảo chuyên sâu về tình trạng tàu Việt Nam đánh bắt trái phép trong khu vực tây Thái Bình Dương, trong đó các nước thành viên chia sẻ hiểu biết và kinh nghiệm của họ về mọi khía cạnh liên quan tới vấn đề này.

Trong cuộc họp báo sau hội thảo, ông cho biết ông nhận thấy phản hồi của Việt Nam đối với các nước bị ảnh hưởng là không đồng nhất. Ông nói với nước mà Việt Nam có quan hệ thương mại chặt chẽ như Úc thì sự giao tiếp khá cởi mở, trong khi với những đảo quốc nhỏ bé thì sự giao tiếp “khá hời hợt,” theo mô tả của một số nước.

Tổng giám đốc FFA cho biết thêm ngay cả khi các nước này cử đại diện ngoại giao và ngư nghiệp sang Việt Nam để làm việc thì phản hồi của Việt Nam vẫn “chỉ trên danh nghĩa,” chủ yếu là gợi ý thiết lập đường dây nóng.

“Những nước Thái Bình Dương vẫn chống đối ý tưởng thiết lập đường dây nóng, bởi vì không có cam kết từ nhà chức trách Việt Nam thực sự hành động nhiều nước này nói rằng, sao chúng chúng tôi phải làm điều đó?” ông nói.

Vấn nạn 'đau đầu'

Trong khi các nước Thái Bình Dương liên tục bắt giữ những chiếc tàu xanh từ Việt Nam, ở bờ bên kia đại dương cách đó hàng ngàn kilômét, giới chức ngư nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, nơi xuất bến của đại đa số những chiếc tàu này, đang chật vật tìm cách ngăn chặn ngư dân của họ khỏi những chuyến hải hành săn lùng hải sâm trái phép. Họ nhận thức rõ rằng đó là một vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng tới bang giao của Việt Nam với các nước.

Trong những cuộc phỏng vấn với VOA, các quan chức ngư nghiệp của Quảng Ngãi khẳng định Việt Nam không hề dung túng hoạt động đánh bắt phi pháp dù họ thừa nhận những yếu kém và bất cập trong công tác quản lý, giám sát tàu và ngư dân trên những vùng biển xa.

Số liệu thống kê của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi được truyền thông trong nước trích dẫn cho biết trong năm năm qua, Quảng Ngãi có 126 lượt tàu cá với hơn 1.500 ngư dân bị cơ quan chức năng các nước bắt giữ do đánh bắt trái phép. Phân tích dữ liệu những vụ bắt giữ tàu Việt Nam những năm gần đây trong khu vực tây nam Thái Bình Dương, VOA nhận thấy phần lớn những tàu này mang ký hiệu "QNg" của tỉnh Quảng Ngãi với đại đa số ngư dân đến từ xã Bình Châu ven biển.

“Đó là một cái đau đầu của địa phương chúng tôi,” ông Phùng Đình Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi, chia sẻ. “Đây là một vấn nạn mà chính quyền Quảng Ngãi đã nhiều lần tuyên truyền, giáo dục và đã xử phạt hết khung rồi đó…Nhưng nói thật với anh do lợi nhuận khai thác hải sâm bên đó cao quá cho nên dân tôi dân nghèo nữa nên họ liều mạng thôi.”

Lực lượng Hải quân Pháp xử lý những thùng phuy chứa hải sâm tìm thấy trên tàu cá Việt Nam đánh bắt trái phép trong vùng biển của lãnh thổ hải ngoại New Caledonia thuộc Pháp, ngày 6 tháng 1, 2017. (FANC)
Lực lượng Hải quân Pháp xử lý những thùng phuy chứa hải sâm tìm thấy trên tàu cá Việt Nam đánh bắt trái phép trong vùng biển của lãnh thổ hải ngoại New Caledonia thuộc Pháp, ngày 6 tháng 1, 2017. (FANC)

Các quan chức ngư nghiệp ở các nước Thái Bình Dương nói với VOA rằng ngư dân Việt Nam thường nhắm mục tiêu vào những loài hải sâm có giá trị lớn nhất. Trong một phiên tòa hồi tháng 3 xét xử những ngư dân bắt trộm hải sâm ở Papua New Guinea, nhà chức trách cho biết gần ba tấn hải sâm vú trắng được tìm thấy trên hai chiếc tàu được ước tính có giá hơn 411.000 đôla.

Nghị định của chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản quy định phạt tiền từ 50 đến 70 triệu đồng đối với chủ tàu cá hoặc thuyền trưởng có hành vi cố ý đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển của quốc gia hoặc lãnh thổ khác. Ngoài ra, người vi phạm có thể bị xử phạt bổ sung như bị tước bằng thuyền trưởng và giấy phép khai thác từ ba tới sáu tháng.

Tuy nhiên, có bất cập trong những quy định này. Ông Toàn nói mức tiền phạt như vậy là chưa đủ sức răn đe vì ngư dân có thể kiếm “mấy bạc tỉ” sau một chuyến đi đánh bắt hải sâm trót lọt, trong khi việc tước bằng thuyền trưởng không có tác dụng gì mấy vì kỹ năng lái tàu của họ vẫn còn và họ vẫn lén lút đi.

Khâu quản lý và giám sát cũng có vấn đề. Những tàu có ý định đi đánh bắt trái phép có thể xin giấy phép khai thác trong vùng biển Việt Nam khi xuất bến, nhưng một khi ra khơi rồi thì các tàu tắt thiết bị liên lạc và đi tới vùng biển nước ngoài. Các quan chức ngư nghiệp Quảng Ngãi nói nhà chức trách Việt Nam khi đó không kiểm soát được nữa và không biết những tàu này đi đâu.

Đó là thách thức về công nghệ, kỹ thuật mà Việt Nam vẫn chưa giải quyết được, theo lời ông Phan Huy Hoàng, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi.

“Ở Mỹ ngư dân đi đánh bắt quá sản lượng thì người ta có tàu ra, có máy bay ra giám sát, đi tới đâu họ biết tới đó hết. Nhưng mà Việt Nam làm gì có chuyện đó,” ông Hoàng so sánh.

“Ngư dân có một cái tàu gỗ nhỏ nhỏ. Người ta đi người ta tắt máy liên lạc, tất cả tắt hết, tắt cả đèn luôn. Người ta lầm lũi đi như vậy thôi. Không có ai kiểm soát đâu, không có phương tiện nào kiểm soát được.”

Hướng giải quyết

Đứng trước một vấn đề đang gây tổn hại đến hình ảnh quốc gia, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cuối tháng 5 ra công điện chỉ đạo giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, một diễn biến cho thấy giới lãnh đạo cao nhất đã nhận thức rõ tính nghiêm trọng của vấn đề.

Công điện nêu ra hàng loạt những biện pháp cụ thể cho các bộ, ngành từ trung ương đến phương thực hiện, chẳng hạn như "rà soát, sửa đổi các chính sách hiện hành, các quy định để siết chặt công tác quản lý; bổ sung các chế tài để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với chủ tàu, thuyền trưởng và tổ chức, cá nhân môi giới," theo website của Thủ tướng.

Ngư dân ăn trên tàu trước khi xuất bến trên đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, ngày 1 tháng 7, 2014.
Ngư dân ăn trên tàu trước khi xuất bến trên đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, ngày 1 tháng 7, 2014.

Hợp tác quốc tế có thể là một nỗ lực mà Việt Nam đang xúc tiến. Trước đó vào đầu tháng 4, Cơ quan Quản lý Ngư nghiệp Úc đã cử một phái đoàn đến Quảng Ngãi để tìm hiểu thực tế. Là một trong những điểm đến hàng đầu của những tàu Việt Nam đánh bắt hải sâm trái phép, Úc cho biết họ đang hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để xúc tiến một chiến dịch giáo dục ngư dân giống như nỗ lực mà họ nói từng thực hiện khá thành công ở Indonesia 10 năm trước.

“Chuyến đi này chủ yếu là làm việc với nhau để xác định chính xác thông điệp gì mà chúng tôi nên cung cấp cho ngư dân và cơ chế nào là tốt nhất để truyền tải những thông điệp đó và phương thức truyền thông nào nên được áp dụng,” Peter Venslovas, Tổng giám đốc đặc trách Nhánh Hoạt động Ngư nghiệp của Cơ quan Quản lý Ngư nghiệp Úc nói với VOA.

Ông Venslovas cho biết nỗ lực này vẫn còn trong giai đoạn phát triển và chưa có gì được chung quyết. Ông cũng nói phái đoàn của ông nhận được sự hợp tác tích cực từ nhà chức trách Việt Nam.

Ông Phan Huy Hoàng cho biết ông là người trực tiếp dẫn những viên chức của Úc xuống tàu xem ngư dân đi đánh bắt về và cũng trao đổi với họ về tình hình thực tế ở đây. “Nói chung họ trao đổi mình cũng nói thật như thế thôi, người ta sẽ có hướng để giúp mình tuyên truyền giáo dục,” ông chia sẻ với VOA.

Một biện pháp giải quyết khác là hỗ trợ ngư dân chuyển đổi sinh kế từ nghề lặn sang những nghề đánh bắt các dòng cá khác vẫn còn dồi dào trong vùng biển của Việt Nam. Ông Phùng Đình Toàn cho biết chính phủ Việt Nam có những chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu mới, mua ngư cụ mới để chuyển nghề, tuy nhiên số người chuyển nghề chưa nhiều vì họ đã quen với nghề lặn và chuyển sang nghề khác còn nhiều lúng túng.

Nhưng nguyên nhân căn cơ, theo ông Toàn, vẫn là lợi nhuận. Và đó cũng là lý do vì sao đây vẫn là một vấn đề nan giải đối với nhà chức trách Việt Nam.

“Lợi nhuận 300 lần thì người ta cũng sẵn sàng lên giá treo cổ,” ông Hoàng nói. “Giống như buôn bán ma túy, heroin vậy thôi.”

XS
SM
MD
LG