Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản mới đây đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc giải thích lý do tại sao họ lại cần có một chiếc hàng không mẫu hạm, sau khi Bắc Kinh cho chạy thử chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên và chưa có tên gọi chính thức. Yêu cầu của Bộ trưởng Toshimi Kitazawa được đưa ra hôm thứ 6 (12 tháng 8, 2011), hai ngày sau khi chiếc tàu Varyag mà Trung Quốc mua lại của Ukraina rời cảng Đại Liên ở đông bắc để thực hiện chuyến chạy thử lần thứ nhất.
Báo chí trích lời ông Kitazawa nói rằng Tokyo muốn Trung Quốc giải thích lý do tại sao họ cần có một chiếc tàu có khả năng thao tác cao và có tính chất tấn công như vậy. Người đứng đầu công tác quốc phòng Nhật nói thêm rằng diễn tiến này rõ ràng sẽ có một tác động lớn đối với khu vực.
Hôm thứ tư tại Washington, Phát ngôn viên Victoria Nuland của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đưa ra một yêu cầu tương tự và một lần nữa bày tỏ sự lo ngại của Mỹ và nhiều nước khác đối với tính chất thiếu minh bạch của Bắc Kinh trong các hoạt động quân sự và chính sách quốc phòng.
Vài tuần trước đó, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh xác nhận Trung Quốc đang tiến hành kế hoạch xây dựng vài chiếc hàng không mẫu hạm.
Ông cũng không quên nhắc lại tuyên bố mà Bắc Kinh vẫn thường đưa ra trong vài năm qua về chủ trương "phát triển trong hòa bình", một chủ trương đã bị nhiều nước công khai tỏ ý hoài nghi hồi gần đây vì những hành động hung hãn của Bắc Kinh trong những vụ tranh chấp biển đảo với các nước Nhật Bản, Việt Nam và Philippines:
Trung quốc sẽ theo đuổi con đường phát triển hòa bình và một chính sách độc lập tự chủ về ngoại giao và quốc phòng. Chúng tôi có một bờ biển dài và những vùng biển rộng lớn nằm dưới quyền quản hạt của mình. Các lực lượng vũ trang Trung Quốc có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh hải và các quyền lợi hải dương của Trung Quốc.
Ông Cảnh Nhạn Sinh cho biết thêm rằng tàu sân bay Varyag sẽ được sử dụng cho việc nghiên cứu và huấn luyện.
Ông Ralph Cossa, người đứng đầu một tổ chức nghiên cứu an ninh ở Hawaii có tên là Diễn đàn Thái bình dương (Pacific Forum), cho biết rằng ông không nghi ngờ gì về phát biểu vừa kể của người phát ngôn bộ quốc phòng Trung Quốc.
Ông nói rằng chiếc tàu sân bay này hiện giờ chỉ có thể dùng cho mục đích nghiên cứu và huấn luyện chứ chưa có khả năng tác chiến:
Chiếc hàng không mẫu hạm này chủ yếu là dùng để nghiên cứu và huấn luyện. Nói một cách khác, là để học cách vận hành tàu sân bay, học cách sử dụng phi cơ trên tàu sân bay. Vì vậy có thể nói đây là một bước đi rất nhỏ đầu tiên để tiến tới chỗ có sức mạnh hải quân viễn dương với các hàng không mẫu hạm.
Tuy nhiên, ông Cossa cũng cho rằng việc hạ thủy chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc có một ý nghĩa lớn về mặt chính trị:
Tàu này tạo ra một bóng mờ rất lớn, tuy phải mất nhiều năm nữa nó mới có thể vận hành một cách bình thường; và rõ ràng là tàu này không thể nào sánh được với các nhóm chiến đấu lấy hàng không mẫu hạm làm trung tâm mà Hoa Kỳ đang bố trí trên biển. Nhưng xét về khía cạnh tâm lý thì đây là một chiếc tàu lớn mang cờ Trung Quốc nên các nước láng giềng của Trung Quốc dĩ nhiên là cảm thấy lo âu vì không biết rõ ý đồ của hải quân Trung Quốc là gì.
Bà Bonnie Glaser, một chuyên gia về chính trị và an ninh Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cũng có một nhận định tương tự. Bà nói rằng diễn tiến này khiến cho các nước Á châu cảm thấy lo âu, tuy họ không ngạc nhiên về việc Trung Quốc phát triển hàng không mẫu hạm. Bà nói thêm như sau:
Theo tôi thì rõ ràng là ảnh hưởng chính trị của diễn tiến này lớn hơn rất nhiều so với ảnh hưởng quân sự. Vấn đề ở đây là trong tương lai Trung Quốc sẽ bố trí chiếc tàu này ở nơi nào. Nếu họ dùng hàng không mẫu hạm này để hoạt động trong khu vực biển Nam Trung Hoa thì các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, như Việt Nam và Philippines, sẽ cảm thấy vô cùng bất an. Nó cũng sẽ làm cho các nước trong khu vực khó lòng tin rằng Trung Quốc không muốn tạo tranh chấp hay gây căng thẳng.
Ông Dean Cheng, một nhà nghiên cứu các vấn đề Á châu của Quĩ Heritage ở Washington, tán đồng nhận định vừa kể.
Ông cho rằng “qua việc hạ thủy tàu Varyag, Bắc Kinh gởi đi một thông điệp cho các nước Đông Á là Trung Quốc đã có một lực lượng hải quân biển cả; Trung Quốc có thể gây áp lực với Nhật Bản, Nam Triều Tiên và Đài Loan trong các lãnh vực hàng hải và truyền tin; đồng thời điều này cũng chứng tỏ cho các nước ASEAN biết rằng Trung Quốc có năng lực quân sự để khẳng định đòi hỏi chủ quyền trong vùng biển bên trong đường 9 chín đoạn đứt khúc.”
Dư luận Nam Triều Tiên trong vài ngày qua cũng xôn xao về chuyến chạy thử của hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc.
Các tờ báo lớn ở đây, như Chosun Ilbo và Donga Ilbo, trích lời các chuyên gia quân sự nói rằng sự bố trí hàng không mẫu hạm của Trung Quốc ở Hoàng Hải, vùng biển mà Nam Triều Tiên gọi là Biển Tây, sẽ gây khó khăn cho các hoạt động của chiến hạm Nam Triều Tiên trong khu vực, giữa lúc Bắc Kinh tiếp tục hỗ trợ cho Bắc Triều Tiên trong vụ giằng co quân sự với miền nam.
Các chuyên gia quốc phòng ở Seoul cho biết toàn bộ không phận Nam Triều Tiên sẽ nằm trong tầm hoạt động của các phi cơ Trung Quốc trên tàu Varyag. Họ cũng cho biết rằng có phần chắc là Bắc Kinh sẽ bố trí trên tàu này loại phản lực cơ J-15, có bán kính chiến đấu 800 kilo mét, mà Trung Quốc mô phỏng theo chiến đấu cơ SU-33 của Nga.
Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc hôm thứ 5 vừa qua lại một lần nữa tìm cách trấn an các nước Ðông Nam Á với việc tổ chức lễ công bố sách trắng ngoại giao năm 2011 tại thành phố Nam Ninh của tỉnh Quảng Tây, nơi được xem là cửa ngõ thông thương với khối ASEAN.
Phát biểu tại buổi lễ có sự tham dự của các nhà ngoại giao 10 nước ASEAN, ông Thích Chấn Hồng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng “nguyện vọng chân thành của Trung Quốc là tiếp tục những nỗ lực kết nối và gia tăng hợp tác cùng có lợi với các nước xung quanh.” Ông Thích nói thêm rằng vấn đề Biển Ðông mà Trung Quốc gọi là Nam Hải có thể được giải quyết thông qua đối thoại và thương lượng.”