Hôm thứ tư (21 tháng 9) vừa qua, chính phủ Mỹ của Tổng thống Barack Obama đã thông báo cho Quốc hội kế hoạch bán cho Đài Loan một số lượng vũ khí trị giá 5,8 tỉ đô la, bao gồm chương trình nâng cấp gần 150 chiếc chiến đấu cơ F-16 loại A/B mà Đài Loan đang có. Kế hoạch này đã gặp phải chỉ trích mạnh mẽ của một số nhà lập pháp Hoa Kỳ vì họ cho rằng chính phủ Mỹ trên thực tế đã bác bỏ yêu cầu mà Đài Loan đưa ra vào năm 2006 để mua 66 chiếc chiến đấu cơ tiên tiến, loại F-16 C/D.
Thượng nghị sĩ John Cornyn, thuộc đảng Cộng Hòa, nói rằng sự từ khước này là "một cái tát vào mặt của một nước đồng minh thân thiết và là một nước bạn lâu năm". Dân biểu Howard Berman, thuộc đảng Dân Chủ, gọi kế hoạch nâng cấp là một "hành động nửa vời" trong nỗ lực hiện đại hóa kho vũ khí của Đài Loan. Nhân vật đứng hàng thứ nhì trong Tiểu ban Đối ngoại Hạ viện nói trong một thông cáo rằng "Mọi người, kể cả chính phủ này, đều thừa nhận cán cân quân sự ở eo biển Đài Loan đã nghiêng quá nhiều về phía Trung Quốc;" và "Đài Loan cần có chiến đấu cơ tiên tiến hơn để có thể tự vệ trước mối đe dọa quân sự đang tiếp diễn và mỗi ngày một tăng của Trung Quốc."
Các giới chức hành pháp Mỹ đã nhanh chóng lên tiếng bênh vực cho quyết định của Tổng thống Obama. Ông Kurt Campbell, Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Đông Á Thái Bình Dương nói rằng kế hoạch này giúp Đài Loan tăng cường khả năng bảo vệ không phận trong thời bình cũng như trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.
Ông nói: "Thương vụ này sẽ có đóng góp đáng kể cho khả năng phòng không của Đài Loan vì nó nâng cấp khả năng của lực lượng trụ cột của không quân Đài Loan. Chương trình tân trang này sẽ gia tăng đáng kể khả năng sống còn, mức độ đáng tin cậy và khả năng tác chiến nói chung của 145 chiếc chiến đấu cơ F-16 A/B của Đài Loan."
Ông Campbell nói thêm rằng nếu tính cả thương vụ mới được loan báo này thì trong vòng chưa tới 2 năm chính phủ Obama đã bán cho Đài Loan một số lượng vũ khí trị giá hơn 12 tỉ đô la; và con số đó hoặc tương đương hoặc lớn hơn con số của bất kỳ thời kỳ nào của mối quan hệ không chính thức giữa Hoa Kỳ với Đài Loan. Ông Campbell cho biết thêm như sau:
"Chúng tôi thực hiện những bước tiến này theo đúng qui định của Đạo luật về Quan hệ với Đài Loan và qua sự tham khảo ý kiến chặt chẽ với Quốc hội. Chúng tôi tin tưởng một cách mạnh mẽ là những chương trình bán vũ khí của chúng tôi cho Đài Loan đã góp phần cho việc duy trì hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan."
Các giới chức chính phủ ở Đài Bắc cũng có chung một nhận định như vây. Trong cuộc họp báo hôm thứ năm, Bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan Cao Hoa Trụ phát biểu như sau"
"Kế hoạch tân trang chiến đấu cơ mới đây đã được giới hữu trách hành pháp Hoa Kỳ nộp cho quốc hội để hoàn tất những thủ tục cuối cùng. Một khi được đúc kết xong xuôi, kế hoạch mua bán vũ khí này sẽ là một sự đột phá quan trọng cho quân đội của đất nước chúng ta."
Ngoại trưởng Đài Loan Dương Tấn Thêm cũng nói rằng chương trình này bao gồm nhiều hệ thống vũ khí tiên tiến mà Đài Loan muốn có.
Mặc dù có những đánh giá tích cực như vậy, nhiều nhà phân tích ở Mỹ và Đài Loan cho rằng giới hữu trách Đài Bắc thật ra đã cảm thấy thất vọng trước hành động của chính quyền Obama mà họ cho là nhượng bộ trước áp lực của Trung Quốc.
Tuy nhiên, cũng có một số nhà quan sát cho rằng cho dù Đài Loan được Hoa Kỳ cung cấp 66 chiếc F-16 đời mới đi nữa thì điều đó cũng không giúp ích gì nhiều cho việc lập lại cán cân lực lượng ở hai bờ eo biển Đài Loan. Về việc này, giáo sư Mohan Malik của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Á châu Thái bình dương ở Hawaii cho biết như sau:
"Sự cân bằng sức mạnh ở eo biển Đài Loan đã chuyển dịch một cách nhanh chóng theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Trung Quốc biết rõ điều này. Đài Loan biết rõ điều này. Và những gì mà Hoa Kỳ đang thực hiện chỉ là những bước nhỏ để bảo đảm là Đài Loan có thể kháng cự đôi chút trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công một cách bất ngờ. Nhưng có một điều rất hiển nhiên là cho dù Hoa Kỳ có bán cho Đài Loan chiến đấu cơ F16 đời mới đi nữa thì điều đó cũng không tạo ra một sự khác biệt nào đáng kể trong cán cân sức mạnh quân sự đang nghiêng hẳn về phía Trung Quốc."
Tiến sĩ Bruce Jacobs, một chuyên gia về Trung Quốc của Đại học Monash ở Australia, tán đồng nhận định vừa kể. Ông giải thích như sau trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho đài VOA:
"Trung Quốc hiện có 1500 phi đạn nhắm vào Đài Loan. Họ đang nâng cấp lực lượng không quân. Họ đang nâng cấp lực lượng hải quân. Đài Loan trên cơ bản chỉ có 2 chiếc tàu ngầm thời thập niên 1960 mua từ Hà Lan cách nay nhiều năm. Họ còn có 2 chiếc tàu ngầm thời thế chiến thứ hai nhưng trên cơ bản thì đây là những thứ nên được đưa vào bảo tàng viện. Vì vậy có thể nói Đài Loan không có hạm đội tiềm thủy đĩnh. Còn không quân Đài Loan thì như chúng ta đã thấy là rất hạn chế. Đài Loan là một quốc gia bậc trung. Họ có cơ sở kỹ thuật và công nghiệp để phát triển vũ khí mới nhưng vì là một quốc gia hạng trung, khả năng của họ bị hạn chế rất nhiều."
Cũng giống như những lần trước, kế hoạch bán vũ khí cho Đài Loan lần này đã gặp phải sự phản đối kịch liệt của chính phủ Trung Quốc. Phát ngôn viên Hồng Lỗi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ 5 nói rằng kế hoạch của Washington sẽ gây thương tổn cho mối bang giao Mỹ-Trung và sự hợp tác giữa đôi bên trong lãnh vực quân sự và an ninh.
Năm ngoái, Bắc Kinh đã đình chỉ mọi hoạt động trao đổi quân sự với Hoa Kỳ sau khi Washington phê chuẩn kế hoạch bán 6,4 tỉ đô la vũ khí cho Đài Loan. Các mối liên hệ quân sự Mỹ-Trung chỉ được nối lại hồi đầu năm nay sau khi Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đến thăm Hoa Kỳ.
Mặc dù vậy, nhiều nhà quan sát cho rằng phản ứng của Trung Quốc lần này sẽ không kịch liệt như trước đây và có phần chắc là mối liên hệ quân sự sẽ không bị cắt đứt. Tờ Wall Street Journal trích lời giáo sư Giả Khánh Quốc của Đại học Bắc Kinh nói rằng “Trung Quốc sẽ phản đối vì họ xem việc bán vũ khí là vi phạm chủ quyền của họ. Nhưng Trung Quốc cũng nhận thức được rằng việc này là một phần của hiện thực.” Ông Giả nói thêm rằng đôi bên đang học cách để xử lý thỏa đáng vấn đề thay vì để cho nó gây đổ vỡ mối quan hệ tổng thể giữa hai nước.
Thứ tư vừa qua (21-9-2011), Hoa Kỳ chính thức bác bỏ yêu cầu của Đài Loan muốn mua 66 chiếc phản lực cơ chiến đấu tiên tiến, loại F-16 C/D, mặc dù cán cân sức mạnh quân sự đã nghiêng hẳn về phía Trung Quốc trong những năm vừa qua. Các nhà phân tích nói rằng cho dù Washington có thỏa mãn yêu cầu của Đài Bắc đi nữa, quân đội Đài Loan vẫn thua sút rất nhiều so với Giải phóng quân của Trung Quốc, là nước mà sức mạnh kinh tế và quân sự đã gia tăng với tốc độ chóng mặt trong hơn hai thập niên. Mời quí thính giả nghe Duy Ái trình bày thêm chi tiết trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây.