Trung Quốc không bao giờ có hành vi xâm lược hoặc bành trướng và không bao giờ mưu tìm bá quyền. Đó là câu đầu của bản tin hôm thứ Ba ngày 6 tháng 9, 2011 của Tân Hoa Xã, nói về cuốn bạch thư mà giới lãnh đạo ở Trung Nam Hải công bố trong cùng ngày về “Sự Phát triển Hòa bình” của Trung Quốc. Đây là lần thứ nhì Trung Quốc công bố sách trắng về chủ đề phát triển hòa bình kể từ khi đưa ra cuốn đầu tiên vào tháng 12 năm 2005 để khẳng định rằng duy trì hòa bình và thúc đẩy cho sự phát triển chung của thế giới là tôn chỉ của chính sách ngoại giao của Trung Quốc.
Phát biểu trong cuộc họp báo hôm thứ Tư tại trụ sở Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cục trưởng Cục Nghiên cứu Chính sách của Ủy ban Đối ngoại Trung ương Lưu Á Quân nói rằng phát triển hòa bình đã được nâng cấp thành ý chí quốc gia và điều này cho thấy chính phủ Trung Quốc kiên quyết đi theo con đường phát triển trong hòa bình. Ông Lưu cho biết bạch thư công bố lần này trong lúc thế giới bước vào thập niên thứ nhì của thế kỷ 21 có mục đích trấn an các nước trên thế giới là “Trung Quốc sẽ không đi theo lối mòn của xâm lược, bành trướng hoặc chiến tranh.” Ông nói thêm rằng “Trung Quốc sẽ không tấn công nước khác trừ phi bị tấn công.”
Ông Michael Mazza, một chuyên gia về quốc phòng Trung Quốc của Viện Xí nghiệp Hoa Kỳ (American Enterprise Institute for Pulic Policy Research), cho rằng sách trắng mà Trung Quốc vừa công bố chỉ có tính chất tuyên truyền và sẽ không làm giảm đi mối lo ngại của nhiều nước trên thế giới về ý đồ thật sự của những nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự của giới hữu trách ở Bắc Kinh.
Ông Mazza nói: "Theo tôi, phần lớn nội dung của bạch thư này, ít ra là phần liên quan tới vấn đề an ninh, là không đúng sự thật, không phù hợp với những hành vi của Trung Quốc. Lời lẽ là quan trọng, nhưng hành động còn quan trọng hơn. Tôi thật tình không tin là những tuyên bố như vậy sẽ làm cho bất cứ một ai cảm thấy an tâm hơn."
Bạch thư phát triển hòa bình năm 2011 của Trung Quốc lần đầu tiên đề cập một cách rõ ràng tới 6 lợi ích cốt lõi mà họ cho là cần phải bảo vệ. Đó là chủ quyền quốc gia, an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất quốc gia, chế độ chính trị do hiến pháp xác lập, và những bảo đảm cơ bản cho sự phát triển kinh tế, xã hội lâu bền. Văn kiện này cũng nói rằng con đường phát triển hòa bình là con đường phát triển kiểu mới mà Trung Quốc đã tìm ra, phá vỡ mô thức phát triển truyền thống là nước lớn sẽ theo đuổi bá quyền mỗi khi trỗi dậy.
Ông Michael Mazza cho rằng Trung Quốc đã có lúc thuyết phục được các nước, đặc biệt là những nước láng giềng ở Đông Nam Á, rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là mang tính chất hòa bình và không đe dọa tới an ninh của khu vực hay của thế giới. Nhưng ông nói rằng điều này đã thay đổi trong vài năm gần đây.
Ông Mazza nói tiếp: "Trong thập niên trước Trung Quốc đã có những hoạt động ngoại giao mang lại hiệu quả. Họ làm cho các nước láng giềng tin rằng họ sẽ phát triển trong hòa bình -- hay trỗi dậy trong hòa bình, như cách nói trước đây. Nhưng những hành động của họ hai năm qua quả thật đã làm thay đổi cái nhìn của những nước trong khu vực đối với họ. So với những năm trước, các nước trên thế giới hiện nay cảm thấy lo ngại nhiều hơn về những hành động của Trung Quốc và về đường hướng phát triển của họ. Thí dụ rõ ràng nhất là những hành động của Trung Quốc ở biển Nam Trung Hoa."
Trong cùng ngày Bắc Kinh công bố bạch thư phát triển hòa bình, ông Đái Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc Vụ Viện Trung Quốc, tuyên bố tại Hà Nội rằng quan hệ Việt-Trung nên được phát triển dựa trên cơ sở bình đẳng, tương kính và cùng nhau phát triển. Người đứng đầu công tác ngoại giao Trung Quốc phát biểu như vậy không bao lâu sau khi các trí thức Việt Nam trong và ngoài nước lên tiếng yêu cầu nhà đương cuộc Hà Nội thực thi dân chủ để gia tăng sức mạnh dân tộc nhằm ứng phó với điều mà họ gọi là hiểm họa xâm lăng của Trung Quốc.
Ngày 2 tháng 9, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, người xướng xuất phong trào đòi dân chủ ở Việt Nam vào năm 1990 có tên Cao Trào Nhân Bản và đang bị giam lỏng ở Sài Gòn, đã đưa ra một tuyên bố nhân dịp kỷ niệm ngày Việt Nam tuyên bố độc lập thoát ách thực dân Pháp để đòi chính phủ ở Hà Nội tiến hành cải cách dân chủ nhằm thoát khỏi bế tắc ngõ hầu có thể đương đầu với mối đe dọa mà ông cho là “họa mất nước”. Trước đó vài ngày nhiều nhà trí thức Việt Nam ở nước ngoài cũng đưa ra một kiến nghị để kêu gọi giới lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam đẩy mạnh quá trình dân chủ hóa và thật tâm thực hiện đại đoàn kết dân tộc để đối phó với Trung Quốc – một nước là họ tin là lúc nào cũng xem “Việt Nam là một đối tượng quan trọng cần khuất phục và thôn tính.”
Tiến sĩ Stein Tonnesson, một nhà sử học thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo ở Na Uy, cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc ảnh hưởng lớn tới cuộc diện chính trị ở Việt Nam.
Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho đài VOA, ông Tonnesson cho biết: "Điều này có ảnh hưởng rất lớn và có lẽ là sẽ mỗi ngày một lớn hơn. Việc xử lý mối quan hệ với Trung Quốc là một hành động giữ cân bằng rất khó khăn mà Việt Nam cần phải thực hiện. Điều này có thể tạo ra chia rẽ ở Việt Nam. Trước hết là bên trong đảng Cộng Sản và sau đó là trong mối quan hệ giữa hàng ngũ lãnh đạo đảng với những người bất đồng chính kiến và với những đối thủ ôn hòa cũng như những đối thủ quá khích của đảng và với cộng đồng người Việt hải ngoại."
Tiến sĩ Tonnesson, người chuyên nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam và những vụ tranh chấp ở Biển Đông, cho biết thêm như sau về dư luận Việt Nam hồi gần đây liên quan tới vấn đề Trung Quốc.
Ông Tonnesson nói: "Trong thời gian gần đây chúng tôi đã thấy những thỉnh nguyện thư được ký bởi những người trí thức yêu nước. Họ nhắc nhở cho đảng Cộng Sản biết rằng các ông chỉ là một đảng và vì các ông không cho phép các đảng khác tồn tại nên các ông phải bảo vệ quyền lợi của đất nước thì mới duy trì được sự cai trị hợp pháp. Đây chính là áp lực của tinh thần yêu nước của công chúng mà giới lãnh đạo ở Hà Nội phải đối mặt trong lúc họ hiểu rõ là Việt Nam không có một đồng minh nào để nhờ cậy trong trường hợp xảy ra một vụ xung đột mới với Trung Quốc."
Mặt khác, các nhà lãnh đạo của tân chính phủ Nhật Bản mới đây cũng đã lên tiếng bày tỏ quan tâm về những tác động tiêu cực của sự trỗi dậy của Trung Quốc. Phát biểu với báo chí hôm thứ hai (ngày 5 tháng 9) tại Tokyo, tân Ngoại trưởng Koichiro Genba nói rằng Trung Quốc đã qua mặt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn hàng thứ nhì thế giới và sự tự tin của họ đang tăng cao. Ông nói thêm rằng để tránh tình trạng Trung Quốc trở thành một mối đe dọa, Nhật Bản và các nước còn lại trên thế giới phải làm thế nào để Trung Quốc hành xử một cách công bằng dựa trên những luật lệ và nguyên tắc chung của thế giới.
Hôm thứ Ba ngày 6/9/2011, trong lúc người đứng đầu chính sách đối ngoại của Trung Quốc tuyên bố tại Hà Nội rằng quan hệ Việt-Trung nên được phát triển dựa trên cơ sở bình đẳng, tương kính và cùng nhau phát triển, Quốc Vụ Viện Trung Quốc đã công bố một bạch thư có tên là “Sự Phát triển Hòa bình của Trung Quốc,” nhằm mục đích trấn an thế giới là Trung Quốc sẽ không đi theo lối mòn của xâm lược, bành trướng hoặc chiến tranh. Một số các nhà quan sát cho rằng những lời lẽ của Bắc Kinh không phù hợp với hành động của họ trong vài năm qua, đặc biệt là trong những vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo với các nước láng giềng ở Á châu. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết trong tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái phụ trách sau đây.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1