Trong những năm cuối thập niên 1990, Trung Quốc đã mua lại vỏ một chiếc tàu sân bay của Ukraina. Tàu này đã được đóng tại Liên bang Sô Viết trong thập niên 1980, nhưng quyền sở hữu đã được chuyển sang Ukraina, sau khi chính quyền cộng sản liên bang Nga sụp đổ.
Kể từ đó, con tàu này đã gây nhiều đồn đoán và trở thành một đề tài thảo luận trong nội bộ các giới quân sự, trong khi thành phần nhiệt liệt ủng hộ các hoạt động quân sự tại Trung Quốc nóng lòng trông đợi.
Trong vài tuần qua, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc và các trang mạng quân sự hàng ngày vẫn theo sát tin tức về tiến trình chuẩn bị cho tàu ra khơi.
Dư luận biết rằng chuyến ra biển của tàu đã gần kề khi phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Cảnh Nhạn Sinh, lần đầu tiên công khai nhắc tới tàu này hồi cuối tháng qua.
Trong một cuộc họp báo thường lệ hàng tháng, ông Cảnh Nhạn Sinh xác nhận kế hoạch của Trung Quốc cho đóng một số ít tàu sân bay, và cùng lúc ông trấn an dư luận về mục đích hòa bình của Bắc Kinh.
Ông Cảnh Nhạn Sinh nói: “Trung Quốc sẽ theo đuổi con đường phát triển hòa bình và một chính sách ngoại giao độc lập song song với chính sách quốc phòng của Trung Quốc. Chúng tôi có một bờ biển dài và có những vùng biển rộng lớn nằm dưới quyền tài phán của chúng tôi. Trách nhiệm của các lực lượng quân sự Trung Quốc là bảo vệ lãnh hải, và duy trì chủ quyền biển và quyền hàng hải của Trung Quốc.”
Ông Cảnh cho biết Trung Quốc đang thu thập ý kiến từ nhiều nơi để tiếp tục phát triển tàu sân bay này. Ông nói tàu Varyag sẽ được sử dụng vào mục đích huấn luyện quân sự và nghiên cứu khoa học.
Một thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết tàu sân bay Varyag sẽ trở về cảng sớm để tiếp tục được tân trang và thử nghiệm.
Các giới chức Trung Quốc đã tìm cách làm giảm nhẹ tầm quan trọng của con tàu, tuy nhiên nó đã trở thành biểu tượng của sức mạnh quân sự đang tăng của Trung Quốc tại một thời điểm căng thẳng đang leo thang với một số nước láng giềng về những tranh chấp chồng chéo trên các vùng biển phía Đông và Nam Trung Quốc.
Ông Arthur Ding, một nhà phân tích về các vấn đề quân sự Trung Quốc thuộc trường đại học Chính trị Quốc gia Đài Loan, nói chuyến chạy thử lần này của con tàu chỉ là một cuộc thử nghiệm sơ khởi.
Ông Ding nói: “Tôi tin rằng cuộc thử nghiệm này là để xem cấu trúc toàn diện của tàu có tốt hay không. Đây không phải là một thử nghiệm về hoạt động của tàu, cho nên theo tôi cuộc chạy thử mang hiệu quả tâm lý nhiều hơn, và theo chúng tôi, nhắm vào đối tượng là công luận bên trong Trung Quốc.”
Trong tình hình nhiều người Trung Quốc nóng lòng trông chờ việc khánh thành chương trình tàu sân bay, ông Ding nói chuyến chạy thử lần này sẽ giúp thỏa mãn ước muốn của công chúng được chứng kiến Trung Quốc đạt được thành tích có tính bước ngoặt này.
Truyền thông Trung Quốc thường xuyên nhắc đến sự kiện Trung Quốc là thành viên duy nhất của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc không có tàu sân bay.
Ông Ding nói không có gì đáng ngạc nhiên khi các giới chức Trung Quốc tìm cách giảm nhẹ tầm quan trọng của chuyến chạy thử này, vì Bắc Kinh lo ngại sẽ gây thêm bất bình tại các nước khác trong vùng.
Ông Ding nói: “Tôi nghĩ Trung Quốc biết rằng sẽ có lợi cho họ hơn nếu không làm lớn chuyện này, do đó chúng ta cần chờ xem vụ việc được suy diễn như thế nào tại các nước láng giềng, nhưng không ai nghi ngờ gì là trong dài hạn, ai cũng biết là Trung Quốc có tham vọng trở thành một cường quốc có lực lượng hải quân hoạt động xa bờ, nhưng muốn thế còn phải mất một thời gian lâu dài nữa.”
Các nhà phân tách quân sự tại Trung Quốc nói phải mất nhiều năm nữa chiếc tàu sân bay mới có thể hoạt động về mọi mặt, và cần hai thập niên nữa Trung Quốc mới xây dựng được một chương trình tàu sân bay.
Hầu hết các nhà phân tách quân sự và các nhà bình luận tại Trung Quốc nói nước này sẽ cần ít nhất 3 tàu sân bay-một tàu luôn luôn hiện diện ngoài biển, một chiếc đậu tại cảng để sửa chữa và tàu thứ ba để dùng vào mục đích huấn luyện.
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc hôm thứ Tư đã rời cảng Đại Liên ở đông-bắc Trung Quốc, trong chuyến ra biển đầu tiên được trông đợi bấy lâu nay. Từ Bắc Kinh, thông tín viên William Ide của đài VOA tường trình rằng trong khi chuyến ra biển đầu tiên của con tàu có tên Nga là Varyag, là niềm tự hào quốc gia tại Trung Quốc, chuyến đi này cũng làm tăng mối quan ngại tại các nước láng giềng.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1