Đường dẫn truy cập

P/V Tổng thư ký ASEAN về Biển Đông, Miến Điện và Bắc Triều Tiên


Tổng thứ ký ASEAN Surin Pitsuwan
Tổng thứ ký ASEAN Surin Pitsuwan

Thủ tướng Campuchia tuyên bố các nhà lãnh đạo ASEAN chưa sẵn sàng thương thảo với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông cho tới khi họ đồng ý với nhau về một bộ qui tắc hành xử. Ông Hun Sen cho biết như thế hôm thứ 4 (04-04-2012) tại Phnom Penh trong cuộc họp báo kết thúc hội nghị thượng đỉnh ASEAN, giữa lúc có tin nói rằng hiệp hội của 10 nước Đông Nam Á bị chia rẽ về vấn đề Biển Đông. Để tìm hiểu thêm về việc này và về lập trường của ASEAN đối với các vấn đề Miến Điện và Bắc Triều Tiên, phái viên Irwin Loy của đài VOA đã hỏi chuyện Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan và được ông cho biết một số chi tiết sau đây:

VOA: Thưa ông, theo chỗ chúng tôi được biết thì ASEAN đã có một sự đồng thuận là đẩy nhanh việc soạn thảo bộ qui tắc hành xử ở Biển Đông và rõ ràng là Philippines đã vận động cả tuần nay để Trung Quốc không dính líu tới việc này cho tới khi bộ qui tắc được soạn xong. Nhưng theo lịch trình đã định, sẽ có nhiều cuộc thảo luận với Trung Quốc diễn ra trong năm nay. Ông có nghĩ rằng việc soạn thảo sẽ được hoàn tất trước các cuộc họp đó hay không?

Ông Pitsuwan:
Tôi nghĩ rằng mục tiêu là có thể giao tiếp với Trung Quốc dựa theo khung sườn của sự nối kết hiện có. Với Trung Quốc, ASEAN có hơn 100 cơ chế, và sẽ không có gì là lạ nếu đôi bên trao đổi ý kiến và quan điểm một cách không chính thức qua các kênh giao tiếp đó. Nhưng Trung Quốc rõ ràng là đang muốn tham gia quá trình này. Tôi nghĩ rằng đó là một việc đáng hoan nghênh vì nó chứng tỏ Trung Quốc muốn xem xét tới việc soạn thảo một bộ qui tắc hành xử.

Trong quá khứ, chúng tôi khó lòng có được sự chú tâm của Trung Quốc. Đó là lý do tại sao phải mất 9 năm sau Bản tuyên bố mới có được văn kiện hướng dẫn cho việc thực thi tuyên bố. Nhưng bây giờ rõ ràng là đôi bên đều có sự quan tâm và mong muốn.

Tôi nghĩ rằng cách tốt nhất là để cho sự việc diễn ra một cách tự nhiên. Rốt cuộc thì chuyện gì cũng cần có sự đồng lòng của đôi bên. Họ đang tạo thêm đà tiến dựa vào những việc trong quá khứ. Sẽ có những yếu tố của Tuyên bố về cách hành xử ở Biển Đông và Văn kiện hướng dẫn về việc thực thi tuyên bố đó. Giờ đây họ đang soạn thảo văn kiện thứ ba, có tên là Bộ Qui tắc Hành xử. Vì vậy họ sẽ phải thương thảo với nhau. Họ sẽ có dịp để trao đổi quan điểm và ý kiến về việc này.

VOA: Tất cả các nước thành viên ASEAN đều muốn có được bộ qui tắc hành xử càng sớm càng tốt. Vậy thì đã có một sự đồng thuận ở đây. Nhưng có sự bất đồng hay khác biệt nào hay không đối với cách thức để tiến tới, thưa ông?

Ông Pitsuwan: Chiều hướng của con đường tiến tới là rất rõ ràng. Chúng tôi muốn tiến tới mục tiêu cuối cùng là có được văn kiện đó càng sớm càng tốt. Nhưng trong quá trình này tôi nghĩ rằng họ sẽ phải tìm cách chiều ý nhau. Và như tôi đã nói, chuyện gì cũng cần có sự đồng lòng của đôi bên, bất kể là chúng tôi tham gia một cuộc thảo luận chính thức hay là chúng tôi trao đổi quan điểm, trao đổi thông tin, trao đổi ý kiến, trao đổi kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm trong suốt quá trình này.

Đó là những gì mà chúng tôi phải làm để có được văn bản cuối cùng đó càng sớm càng tốt. Tôi nghĩ rằng đó là vấn đề thực tế mà họ phải xử lý. Sẽ không có điều gì nghiêm trọng để làm cho toàn bộ tiến trình này bị đổ vỡ. Tiến trình này sẽ đi đúng hướng và sẽ diễn ra một cách vững chãi, từng bước một, và chúng tôi sẽ có được xung lực và rốt cuộc chúng tôi sẽ tới đích.

VOA: Các nhà lãnh đạo ASEAN đã mạnh mẽ yêu cầu hủy bỏ các biện pháp chế tài Miến Điện. Phải chăng đây là dấu hiệu chứng tỏ ASEAN cảm thấy Miến Điện đã hoàn tất kế hoạch cải cách dân chủ? Lập trường của ASEAN về việc này như thế nào, thưa ông?

Ông Pitsuwan:
Có một dấu hiệu rất rõ ràng là ASEAN tin rằng sách lược lâu nay của ASEAN về vấn đề Miến Điện – ủng hộ tiến trình, khuyến khích tiến trình, đôi khi than phiền, đôi khi khích lệ -- chiến thuật này, chiến lược này, phương pháp này đã mang lại hiệu quả. Chúng ta đã thấy cải cách, phát triển và hòa giải đang diễn ra rất nhanh chóng. Và ngay bây giờ việc hòa giải trên chính trường đang diễn ra thông qua các phương tiện dân chủ.

Theo tôi, các nhà lãnh đạo ASEAN tin rằng hủy bỏ chế tài sẽ mang lại nhiều lợi ích cho công cuộc hòa giải dân tộc, cho sự tham gia hữu hiệu hơn của Miến Điện bên trong ASEAN và với cộng đồng toàn cầu. Và điều đó sẽ có ích cho sự phát triển, tiến bộ và nâng cao mức sống của người dân Miến Điện.

Chúng ta nên thúc đẩy thêm và khích lệ tiến trình đã khởi sự và đã có được xung lực. Chúng ta đã chứng kiến sự tham gia rất năng động của Miến Điện. Khá minh bạch. Khá cởi mở. Tất cả các toán quan sát viên, không riêng gì các toán quan sát viên của ASEAN, mà các toán quan sát viên của các nước đối tác đối thoại ai nấy đều có ấn tượng tốt về cách thức cuộc bầu cử được thực hiện. Vì vậy đây chính là lúc chúng ta nên giúp Miến Điện một tay.

Tôi nghĩ rằng từ nay trở đi các nước thành viên ASEAN sẽ sử dụng mọi diễn đàn để thực hiện mục tiêu này. Cuối tháng này các vị ngoại trưởng của Liên hiệp Âu châu và ASEAN sẽ họp tại Brunei.

Cuối năm nay ASEAN sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Á-Âu. Tôi nghĩ rằng Thủ tướng Hun Sen sẽ vận động cho Miến Điện nhân dịp dự hội nghị G-20 ở Mexico vào tháng 6. Thủ tướng Najib Razak của Malaysia cho biết ông sẽ tiếp Thủ tướng Anh David Cameron vào ngày 12 tới đây và ông sẽ nhân dịp đó để nêu lên sự đoàn kết của ASEAN với Miến Điện. Tôi nghĩ rằng chúng tôi đang có đà tiến và chúng tôi không muốn để mất đà tiến này.

VOA: Phải chăng ASEAN vẫn cần lưu tâm tới một số diễn tiến ở Miến Điện để bảo đảm là cải cách dân chủ tiếp tục tiến tới? Hiện có cơ chế nào để thực hiện việc này không, thưa ông?

Ông Pitsuwan: Tôi nghĩ rằng chiến thuật của ASEAN là bảo đảm rằng mọi hành động đúng hướng của Miến Điện đều có sự ủng hộ của ASEAN, bảo đảm sẽ không có thụt lùi, bảo đảm sẽ không có đảo ngược.

Miến Điện sẽ giữ chức Chủ tịch ASEAN vào năm 2014 và đó là một trách nhiệm lớn. Việc này có dính líu rất nhiều tới quyền lợi của ASEAN. Họ phải thành công. Họ không thể chệch hướng trên con đường hòa giải và dân chủ hóa. Vì vậy tôi nghĩ rằng tất cả các nước ASEAN đều muốn đoan chắc là Miến Điện tiếp tục đi đúng hướng và muốn giao tiếp, muốn tiếp tục giúp đỡ bằng mọi cách.

Lần này ASEAN đã giúp các giới chức Miến Điện tới đây để quan sát sự vận hành của ban thư ký ASEAN. Chúng tôi sẽ làm như vậy một lần nữa vào tháng 7, khi diễn ra hội nghị ngoại trưởng. Chúng tôi sẽ làm như vậy một lần nữa khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào tháng 11. Và chúng tôi cũng sẽ làm như vậy ở Brunei.

Miến Điện đang chuẩn bị. Họ biết họ cần phải làm gì, và đó là một dấu hiệu rất tốt. Họ biết những gì họ cần phải chuẩn bị, trong đó có việc chuẩn bị vật chất như cơ sở hạ tầng, đường sá, viễn thông và việc chuẩn bị mà tôi gọi là phần mềm của việc tổ chức hộïi nghị ASEAN -- như luật pháp, qui định, qui tắc, như cách thức cấp phát thị thực vân vân ... Các ký giả ngoại quốc cần phải được tới nơi để tường thuật vì không thể không cho nhà báo nước ngoài đến làm việc trong lúc tổ chức một hội nghị quốc tế. Làm như vậy là rất khó. Điều đó rất khó được chấp nhận. Cho nên Miến Điện biết họ phải làm gì.

VOA:
Về việc Bắc Triều Tiên định phóng hỏa tiễn, nhiều nước đã đưa ra những tuyên bố rất mạnh mẽ. Nhưng tuyên bố của ASEAN chỉ kêu gọi tự chế. Tại sao không đi xa hơn thế? Tại sao không yêu cầu Bắc Triều Tiên đừng thực hiện vụ phóng, thưa ông?

Ông Pitsuwan: Bởi vì ASEAN muốn để cho một cánh cửa được mở rộng. Tất cả các nước trong cuộc đàm phán 6 bên, kể cả Bắc Triều Tiên, đều tham gia diễn đàn của chúng tôi, gọi là Diễn đàn Khu vực ASEAN. Và họ sẽ họp với nhau vào tháng 7.

Ngoại trưởng Campuchia có nói là ông ấy sẽ đến Bắc Triều Tiên trước đó, có lẽ là vào tháng 6. Vì vậy chúng tôi muốn để cho cánh được rộng mở ngõ hầu chúng tôi có thể đóng một vai trò điều giải. Chúng tôi có thể đóng góp cho tiến trình ngoại giao nhằm tìm kiếm những giải pháp cho vấn đề vô cùng nghiêm trọng này.

Tôi nghĩ rằng ASEAN cũng quan tâm rất nhiều như tất cả những nước khác. Nhưng chúng tôi muốn giúp đỡ, muốn đóng một vai trò có tính chất xây dựng trong vấn đề này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG