Tuần này, Hoa Kỳ đã bãi bỏ các lệnh cấm du hành đối với một số giới chức cấp cao của Miến Điện và nới lỏng các hạn chế đối với một số dịch vụ đầu tư và tài chính của Hoa Kỳ.
Các động thái này được sự hoan nghênh của trưởng ban quản trị công ty đầu tư Leopard Capital, ông Douglas Clayton. Ông Clayton nói:
“Chúng tôi rất lấy làm lạc quan về diễn biến này và chúng tôi tin rằng đây là bước đầu trong công cuộc chuyển biến của Miến Điện, hay Myanmar, thành một nền kinh tế hiện đại và sẽ có một vai trò dành cho giới đầu tư nước ngoài ở đó. Các biện pháp chế tài trước đây cần phải được bãi bỏ bởi vì các lý do chế tài phần lớn đã được thỏa mãn.”
Mặc dầu Hoa Kỳ từng cho biết đang chuẩn bị bổ nhiệm một vị đại sứ đến Miến Điện, Ngoại trưởng Hillary Clinton nói con đường của tiến trình cải cách còn dài.
Lập trường đó vẫn bất đồng với các lân quốc của Miến Điện trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, vẫn kêu gọi chấm dứt tất cả các biện pháp chế tài.
Mặc dầu có sự bầy tỏ ủng hộ từ phía ASEAN, không phải mọi thành viên khối này đều đồng ý.
Các chính trị gia của ASEAN trong tiểu ban liên quốc hội về Myanmar nói việc bãi bỏ tất cả các biện pháp chế tài có thể là quá sớm, gây bất ổn trong nước.
Ông Kraisak Choonhavan, đại diện của Thái Lan trong tiểu ban này, nói rằng chấm dứt giao tranh trong các khu vực sắc tộc thiểu số phải chiếm hàng ưu tiên trước khi bãi bỏ hoàn toàn việc chế tài. Ông nhận định:
“Các áp lực đòi nới lỏng chế tài này rất mạnh, và còn mạnh hơn nữa vì nó được đại diện bởi lời kêu gọi của ASEAN đòi bãi bỏ các biện pháp chế tài để làm hài lòng chế độ – một chế độ vẫn còn xấu xa và không biết sợ hãi là gì, và muốn duy trì quyền lực tuyệt đối ở các bang Shan, Karen, Kachin và Mon.”
Chính phủ Miến Điện đã mở các cuộc đàm phán về ngưng bắn với Kachin và Karen trong mấy ngày vừa qua. Các tổ chức nhân quyền nói các hoạt đôïng quân sự đang tiếp diễn đã dẫn tới những vụ vi phạm nhân quyền và tấn công vào thường dân tại bang Kachin trong mấy tháng vừa qua.
Ông Kraisak lo ngại rằng đảng đối lập chính của Miến Điện là NLD, sau khi chiếm được các ghế tại Quốc hội trong cuộc bầu cử bổ túc, có thể quay lưng lại trước các mối quan tâm của các cộng đồng sắc tộc thiểu số.
Các nhóm ủng hộ dân chủ khác nói rằng chỉ nên bãi bỏ các biện pháp chế tài sau khi tất cả các tù nhân chính trị được phóng thích. Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị AAPP nói vẫn còn 900 tù nhân chính trị đang bị tù.
Trong một thông cáo, tổ chức Human Rights Watch kêu gọi phải thận trọng trong bất kỳ việc nới lỏng chế tài nào, và nói rằng tuy các bước tích cực của chính phủ Miến Điện cần được Liên hiệp châu Âu đáp lại, không nên “rút lại toàn bộ các biện pháp chế tài.”
Tổ chức tranh đấu cho nhân quyền này nói một sự nới lỏng thêm các lệnh cấm cấp thị thực và gia tăng viện trợ phát triển và nhân đạo phải được các vị ngoại trưởng của Liên hiệp châu Âu cứu xét.
Trong khi các biện pháp chế tài có thể vẫn còn hiệu lực trong lúc này, đã có một sự tăng vọt trong ngành du lịch vì người nước ngoài nóng lòng tận mắt nhìn thấy đất nước này.
Ông Sean Turnell, một giáo sư kinh tế tại trường Đại học Macquarie của Australia, nói rằng các nhà đầu tư Á châu đã tìm cách tận dụng sự quan tâm của nước ngoài này. Ông nói:
“Lẽ dĩ nhiên các nhà đầu tư Á châu đã luôn luôn có mặt ở đó. Nhưng có một số tỏ ra phấn khởi về sự quan tâm có thể có từ phía Tây phương ở điểm là nếu họ thấy một số đông du khách Tây phương vào nước, thì tôi nghĩ sẽ có nhiều nhà đầu tư Á châu chú ý đến các khách sạn và cơ sở hạ tầng du lịch.”
Nền kinh tế Miến Điện đã lớn lên cùng với các biện pháp chế tài, gây thiệt hại cho một số công nghiệp, nhưng lại giúp ích cho một số công nghiệp khác.
Giới học thuật và tranh đấu cho nhân quyền đã lập luận rằng các biện pháp chế tài thương mại và tài chính tác động tới công nhân trong các công nghiệp thiên về xuất khẩu như dệt may, buộc nhiều người thích làm các công việc nhà máy phải chuyển qua các khu vực không chính thức như công nghiệp giải trí và mua bán tình dục.
Ông Aung Zaw, chủ biên tạp chí tin tức Irrawaddy nói có nhiều nhà kinh doanh và các công ty quốc doanh đã được hưởng lợi vì cạnh tranh kinh tế bị hạn chế do các biện pháp chế tài của nước ngoài. Ông cho biết:
“Có một số nhà tài phiệt, các vị bộ trưởng mà công cuộc kinh doanh không bị cạnh tranh; nhất là các nhà tỷ phú trong nước. Họ không có đủ tính cạnh tranh và không muốn thấy các biện pháp chế tài bị bãi bỏ bởi vì họ được hưởng lợi quá nhiều nhờ tình trạng độc quyền – họ độc quyền mọi thứ.”
Nhưng tất cả các phân tích gia đều đồng ý rằng Miến Điện đang đứng trước các thách thức và cơ hội to lớn trong khi tìm cách tái thiết một nền kinh tế từ lâu đã bị quản lý sai trái sau 5 thập niên đặt dưới chế độ quân trị.
Kinh tế Miến Điện sẽ được kiểm tra vào lúc biện pháp chế tài được nới lỏng
Thành công bầu cử của phe đối lập tại Miến Điện đã đưa tới việc nới lỏng một số biện pháp chế tài do Hoa Kỳ áp đặt và gây áp lực từ các nước láng giềng đòi bãi bỏ toàn bộ các biện pháp đó. Mặc dầu sự quan tâm đối với nền kinh tế Miến Điện tăng vọt trong giới đầu tư nước ngoài, các chuyên gia phân tích cảnh báo rằng vẫn còn các thách thức lớn về kinh tế và chính trị.