Trung Quốc từ lâu là đồng minh quan trọng của chính phủ Miến Điện và, theo như những ước lượng chính thức, Trung Quốc đã bơm ít nhất 15 tỉ đô la tiền đầu tư vào Miến Điện.
Tuy nhiên vào lúc Miến Điện bắt đầu ban hành những cải cách trong năm qua, như trả tự do cho hàng trăm tù chính trị, mở những cuộc thảo luận với phiến quân sắc tộc thiểu số, và giảm bớt kiểm duyệt, Miến Điện cũng dường như đang nỗ lực làm giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nền kinh tế Miến Điện.
Ông Bower giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược tại Washington nói:
“Mối quan hệ với Trung Quốc rõ ràng là một yếu tố trong quyết định của chính phủ quân sự tiến về phía dân chủ, nhưng với bà Aung San Suu Kyi và một nhóm đối lập trong Quốc hội, tôi nghi là sẽ có nhiều cuộc thảo luận hơn về những vấn đề như vậy. Chúng tôi biết được từ những cuộc phỏng vấn với các nhà lãnh đạo Miến Điện và cộng đồng doanh thương là có một cảm giác ngột ngạt trong nước liên quan đến sự thống trị của Trung Quốc.”
Các nhà phân tách nói quyết định năm ngoái của Tổng thống Thein Sein hủy bỏ việc xây dựng một dự án thủy điện quan trọng của Trung Quốc tại miền bắc Miến Điện vì sự chống đối của địa phương là một phần trong ví dụ về sự mong muốn giảm nhẹ ảnh hưởng của Trung Quốc.
Lúc đầu tiên Đập Myitsone được dự trù hoàn tất vào năm 2017 và sẽ cung cấp cho những thành phố của Trung Quốc đang khát năng lượng số điện năng để đáp ứng với những nhu cầu ngày càng tăng của những thành phố này, Hiện nay, số phận của dự án này vẫn chưa chắc chắn.
Ông David Steinberg, một chuyên viên về Miến Điện tại trường đại học Georgetown, nói ông dự kiến Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Miến Điện, nhưng quyết định của Tổng thống Miến Điện về con đập Myitsone cho thấy có những giới hạn.
Ông Steinberg nói: “Tôi nghĩ vì lợi ích của họ, Trung Quốc cần phải chơi những con bài rất cẩn thận. Họ đã không làm như vậy đối với Đập Myitsone nhưng có thể họ đã học được bài học. Trung Quốc không thực sự tin là công luận có thể làm thay đổi chính phủ tại Miến Điện, hay lập trường của chính phủ. Và họ khám phá là trên thực tế việc này thực sự xảy ra.”
Ông Steinberg nói thêm Trung Quốc cũng nên quan tâm đến ảnh hưởng của việc đầu tư quá nhiều tại Miến Điện có thể có đối với tình cảm quốc gia của người dân Miến Điện. Ông nói trong quá khứ đã có những vụ bạo loạn chống Trung Quốc, và việc kiểm soát của nước ngoài đối với nền kinh tế từ lâu là một vấn đề nhạy cảm tại nước này.
Ông Steinberg nhận định: “Nếu người dân Miến Điện cảm thấy nền kinh tế một lần nữa dưới sự kiểm soát của Trung Quốc, thì sẽ có những phản ứng có tính cách dân tộc. Đã có những tình cảm chống Trung Quốc ngày càng tăng tại Miến Điện, và Trung Quốc thấy được vấn đề này và cần phải thận trọng.”
Trong khí đó, Miến Điện đang tìm đầu tư ở các nơi khác. Trong những tuần lễ gần đây, Miến Điện đã tiến nhiều bước để nới rộng những thể lệ đầu tư của nước ngoài vào Miến Điện. Ông Bower nói việc này không những chỉ làm tăng những cơ hội đầu tư, nhưng sẽ cho Miến Điện nhiều lựa chọn.
Ông Bower nói: “Rõ ràng một trong những mục tiêu của chính phủ trong việc mở cửa là ban hành những cải cách kinh tế tiếp theo bằng việc cởi mở chính trị để những quốc gia có thể mang công nghệ mới và vốn vào nước này.”
Các nhà phân tách cho rằng Miến Điện rất quan tâm đến việc đảm bảo là Hoa Kỳ và châu Âu can dự vào tiến trình này và sự tham dự của các nước ASEAN, Nhật Bản và châu Âu cũng được mở rộng. Tuy nhiên có được đầu tư của Hoa Kỳ vào Miến Điện cũng như của các nước khác vẫn còn là vấn đề rắc rối vì những chế tài hiện hữu.
Tân quốc hội Miến Điện sẽ xem xét kỹ vai trò của TQ đối với kinh tế đất nước
- William Ide
Liên đoàn Toàn quốc Đấu tranh vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi thắng áp đảo trong cuộc bầu cử mới đây, và đảng đối lập sẽ ra mắt tại Quốc hội trong hai tuần nữa. Giữa những vấn đề mà kết quả cuộc bầu cử nêu lên là ảnh hưởng có thể có của cuộc bầu cử đối với nhà đầu tư lớn nhất của nước này là Trung Quốc
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1