Không như Granada như tôi đã thú nhận trong bài blog trước là chưa bao giờ nghe qua trước khi có dịp ghé thăm trong tuần vừa rồi, đối với cái tên Seville thì tôi lại đã nghe nhắc đến rất nhiều lần từ lúc còn đi học ở bên Anh. Vì thứ nhất là nếu so với ở Anh thì Seville nằm về phía tây nam của Tây Ban Nha gần Morocco luôn có nắng ấm chan hòa và cuộc sống sôi động. Chỉ cách nhau chưa đến 2 giờ bay mà một nơi thì lúc nào cũng thấy âm u lạnh lẽo, chưa đến 9 giờ tối mà đường phố đã vắng tanh.
Trong khi đó ngược lại ở Seville hôm chúng tôi đến và sau khi check in ở khách sạn xong bước ra đường lúc ấy đã gần 9 giờ tối nhưng trời vẫn còn sáng trưng, nhiệt độ vẫn còn lấp lửng ở con số 30 độ. Đặc biệt hơn nữa là lúc ấy vẫn chưa có nhiều người ra đường vì cho đến khi qua đây tôi mới biết là người Tây Ban Nha họ ăn tối cực kỳ…trễ!
Nếu như ở Anh, ở Mỹ hay ngay cả ở Việt Nam chúng ta thường ăn tối vào khoảng 7, 8 giờ tối thì ngược lại ở đây phần lớn dân chúng đặc biệt là giới trẻ chỉ bắt đầu ra đường tìm nhà hàng, quán ăn vào tầm khoảng 10 giờ trở đi. Và họ sẽ trò chuyện, ăn uống thoải mái cho đến khoảng 1 giờ khuya mới sửa soạn về nhà. Thế mới thích.
Ở đây càng về đêm đường phố càng đông đúc, tấp nập, già trẻ bé lớn ai cũng thức khuya ra đường dạo chơi tản bộ dọc theo hai bên bờ song, hoàn toàn khác hẳn với văn hóa và nếp sống khép kín của những người dân gốc Anglo-Saxon mà tôi đã quen từ bấy lâu nay. Nhà hàng ở đây thường chỉ mở trong giờ ăn trưa đến khoảng độ chừng 4 giờ chiều thì đóng cho đến 8, 9 giờ tối mới mở trở lại. Bởi vậy ngay cả khi nếu như bạn muốn ăn sớm, ngủ sớm thì cũng sẽ không thể nào thực hiện được ngoại trừ khi bạn sẵn sàng bước vô những tiệm ăn fast food mở cửa 24 giờ/ngày.
Cũng bởi vậy mà những quán bar, vũ trường thường chỉ bắt đầu mở cửa sau 12 giờ khuya. Kể cả những chương trình biểu diễn vũ điệu flamenco được xuất phát ngay từ mảnh đất này. Khác với Granada, Seville không có hoàng thành Alhambra tráng lệ, cũng không có nhiều đền đài, lăng tẩm như ở Madrid, nhưng ngược lại nó có những con phố nhỏ hẹp chạy loanh quanh trong khu phố cổ, một nhà thờ chính tòa được cho là lớn nhất thế giới (hơn cả tòa thánh ở Rome và cũng là nơi an nghỉ cuối cùng của nhà hàng hải lừng danh Christopher Columbus) và đặc biệt hơn hết đây là ‘nhà’ của flamenco – the home of flamenco!
Điều đáng nhắc đến là nếu bạn có dịp đến đây và muốn đi xem flamenco để cho biết với người ta thì bạn đừng dại mà bỏ tiền ra đi xem những chương trình văn nghệ trình diễn cho khách du lịch. Vì thứ nhất là nó rất mắc (khoảng 40 đô) và rất bài bản. Những người nghệ sĩ thường chỉ bước lên sân khấu làm đúng bổn phận của họ và sau đó là chấm hết.
Thứ hai quan trọng hơn là tôi được cho biết những người nghệ sĩ flamenco con nhà nghề thực thụ được huấn luyện từ nhỏ ở Seville chỉ trình diễn nếu họ cảm thấy…hứng! Vì vậy bạn sẽ không bao giờ tìm thấy họ ở những nơi phải mua vé vào xem mà phải cố lùng sục ra những quán bar mà họ thường thích đến ngồi chơi, tán gẫu với bạn bè. Nếu may mắn hôm ấy ngẫu nhiên họ cảm thấy…hứng trong lúc bạn đang có mặt thì coi như không những bạn được cho ăn bánh ngon, home-made mà còn khỏi phải trả tiền!
Và đấy cũng là điều may mắn mà tôi và nhóm bạn đã gặp được mặc dù chúng tôi chỉ có đủ thời gian ở lại Seville duy nhất một đêm.
Trong một quán bar khá nhỏ nằm khuất trong một hẻm vắng khó tìm tôi còn nhớ là lúc ấy đã gần 12 giờ khuya mà tôi và nhóm bạn vẫn chưa tìm được một quán bar nào có những người nghệ sĩ flamenco ngẫu hứng trình diễn. Bỗng nhiên ở đâu đó có tiếng đàn tây ban cầm từ xa vọng lại. Tiếng hát nỉ non gần như khóc của một thanh niên nào đó. Và tiếp nối theo sau là từng tiếng dậm chân lên bục gỗ không thể nào nhầm lẫn được của vũ điệu flamenco.
À! Thì ra nó đây rồi. Rẽ vào căn phòng thấp bé bên cạnh trước mặt chúng tôi là 3 nghệ sĩ, hai nam một nữ còn khá trẻ đang mải mê say đắm bên điệu nhạc. Một ngồi đàn với hai mắt nhắm nghiền, một ngồi hát với nét mặt và tiếng hát bi thương như thể anh vừa đánh mất một điều gì đó rất quý báu trong đời. Và người thiếu nữ duy nhất đang đứng khi quay cuồng, khi dậm chân, búng tay theo điệu nhạc.
Có đến nơi này tôi mới biết tại sao nhảy flamenco cần nhất là nguồn cảm hứng. Vì nó được xuất phát từ cuộc sống thăng trầm nay đây mai đó của giống dân gypsy. Nó không phải là những vũ điệu được sáng tạo để trình diễn cho mọi người xem mà là những gì chính những người nghệ sĩ họ đang muốn gửi cho nhau. Người mê mải đàn cho kẻ hát đang si tình người con gái đang đứng trước mặt. Tiếng đàn, tiếng hát, và tiếng dậm chân từng phút từng giây quyện vào từng ánh mắt, từng gương mặt lúc não nề, lúc giận dữ của cả ba người đang chìm đắm trong lời ca, ý nhạc.
Phải đợi cho đến khi tiếng vỗ tay của khán giả vang lên khắp cùng quán bar trong đêm hôm đó lúc ấy tôi mới chợt như bừng tỉnh và vội vỗ tay theo.
Rõ là quá…máu. Nhất là máu Tây Ban Nha!