Đường dẫn truy cập

EU: Bắt bà Phạm Đoan Trang ‘gây nghi vấn về cam kết của Việt Nam’


Ký giả tự do Phạm Đoan Trang. Trong lá thư trước khi bị bắt, bà viết: "Nếu có thể, xin vận động để tôi được nhận cây đàn guitar của tôi..."
Ký giả tự do Phạm Đoan Trang. Trong lá thư trước khi bị bắt, bà viết: "Nếu có thể, xin vận động để tôi được nhận cây đàn guitar của tôi..."

Phát ngôn viên của Liên minh châu Âu (EU) mới nói với VOA Việt Ngữ rằng vụ bắt giữ ký giả tự do Phạm Đoan Trang “gây nghi vấn về cam kết bảo vệ quyền bày tỏ quan điểm và biểu đạt, cả trên mạng lẫn đời thực, của chính quyền Việt Nam”.

Bà Nabila Massrali, phát ngôn viên của Liên minh châu Âu về Quan hệ Đối ngoại và Chính sách An ninh, nói thêm rằng quyền tự do ngôn luận là “điều sống còn nhằm bảo đảm sự minh bạch, công bằng xã hội cũng như sự thịnh vượng và phát triển toàn diện và bền vững”.

Tác giả của nhiều sách, trong đó có cuốn “Phản kháng phi bạo lực” và “Cẩm nang nuôi tù”, bị bắt hôm 6/10 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” và “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước”.

“Quyền tự do ngôn luận ôn hòa được bảo vệ bởi Hiến pháp của Việt Nam, Tuyên bố Nhân quyền Phổ quát và các công ước quốc tế mà bản thân Việt Nam ký kết, trong đó có Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Chúng tôi kêu gọi chính quyền [Việt Nam] duy trì các cam kết đó”, Phát ngôn viên Massrali nói.

“Liên minh châu Âu sẽ tiếp tục theo dõi và làm việc với các bên liên quan để cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam, vốn là điều cũng quan trọng trong bối cảnh Thỏa thuận Thương mại Tự do EU – Việt Nam đạt được gần đây”.

Mới đây, hôm 5/11, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, ông Giorgio Aliberti, cho biết trên Twitter rằng ông cùng với đại sứ các nước thành viên EU khác đã nêu vụ bắt giữ bà Trang với Bộ Công an Việt Nam.

Trước Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, một đối tác thương mại quan trọng khác của Việt Nam, đã bày tỏ “quan ngại” về vụ bắt ký giả tự do từng có thời gian học tập tại Mỹ.

Trên Twitter, ông Robert A. Destro, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, “kêu gọi chính phủ Việt Nam ngay lập tức thả bà và hủy bỏ mọi cáo buộc”.

Hôm 15/10, tờ Công an Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Bộ Công an Việt Nam, đăng bài viết với tựa đề “Sự thật đằng sau những lời kêu gọi trả tự do cho Phạm Đoan Trang”, trong đó chỉ trích các tổ chức nhân quyền quốc tế, và tuyên bố rằng “hoàn toàn không có chuyện bắt, xử lý những đối tượng vi phạm pháp luật lại bị coi là đàn áp người ‘bất đồng chính kiến’, ‘người hoạt động nhân quyền’”.

Cùng khoảng thời gian đó, một nhóm các nhà lập pháp Hoa Kỳ gửi thư tới Ngoại trưởng Mike Pompeo, trong đó bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về vụ Việt Nam bắt bà Trang, đồng thời kêu gọi nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ thúc đẩy việc phóng thích ký giả tự do này.

12 nhà lập pháp của Mỹ viết rằng “bà Phạm Đoan Trang không vi phạm pháp luật và chỉ thể hiện các quyền tự do cơ bản của mình, được bảo đảm trong hiến pháp Việt Nam” và rằng “bà ấy phải được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện”.

Trong chuyến thăm được coi là “bất ngờ” tới Việt Nam cuối tháng trước, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã trao đổi với quan chức Việt Nam, trong đó có cuộc gặp riêng với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Hiện chưa rõ nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ có lên tiếng về vụ bà Phạm Đoan Trang hay không.

Trước khi Việt Nam và Hoa Kỳ công bố thông tin về chuyến công du của ông Pompeo tới Hà Nội, VOA Việt Ngữ hôm 27/10 liên hệ với cơ quan chuyên trách về dân chủ, nhân quyền và lao động của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để hỏi xem liệu phía Mỹ có nêu vụ bắt giữ bà Trang bên lề Diễn đàn Kinh doanh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà Hoa Kỳ và Việt Nam phối hợp tổ chức, nhưng tới hôm 12/11 vẫn chưa nhận được câu trả lời.

VOA Express

XS
SM
MD
LG