Một trong những vấn đề cấp bách nhất tại Hội Nghị Thường Niên lần thứ 17, gọi là COP17, là phải giải quyết thế nào khi nghị định thư Kyoto sắp hết hạn.
Đó là một thỏa thuận có tính cưỡng hành về pháp lý giữa các quốc gia ký kết nhằm giảm khí thải nhà kính, ít nhất 5% dưới những mức của năm 1990.
Thỏa ước 1997 cũng thiết lập những cơ chế cho phép các nước giàu đền bù tình trạng ô nhiễm mà họ gây ra bằng cách đầu tư vào những kỹ thuật làm sạch ô nhiễm tại các nước nghèo.
Một đề tài lớn cũng được đưa ra bàn luận tại COP17 sẽ là có nên ký kết thêm một thời kỳ thứ hai hay không.
Bà Christina Figueres, bí thư điều hành Công Ước Khung Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, cho biết các đại biểu đang tìm kiếm một lập trường trung dung. Bà nói:
“Cảm nghĩ của chúng tôi là đã có đủ nhận thức rằng năm nay phải là lúc đưa ra quyết định. Trong 6 tháng qua, nhiều chính phủ đã nhận thức được rằng vấn đề không còn là câu trả lời ‘có hay không’ nữa.”
Những chọn lựa khác để triển hạn nghị định thư Kyoto là những thỏa thuận đã được đưa ra tại 2 hội nghị trong 2 năm qua, 1 tại Copenhagen, Đan Mạch và 1 tại Cancun, Mexico.
Tại những hội nghị trên, các nước đã đồng thuận về những sách lược quảng bá năng lượng sạch, trong đó có 1 ngân khoản 100 tỉ đôla mỗi năm dành cho các quốc gia đang phát triển và những giới hạn về khí thải không có tính cưỡng hành.
Theo bà Figueres thì những biện pháp này vẫn chưa đủ. Bà nói:
“Trong lúc đó là những cố gắng đi xa hơn việc hạ giảm khí thải của nghị định thư Kyoto rất nhiều, nhưng vẫn chưa đủ. Đây mới chỉ là 60% của sự giảm thiểu khí thải cần thiết để giữ cho tình trạng tăng nhiệt toàn cầu ở mức dưới 2 độ C.”
Từ nhiều năm, các khoa học gia đã cảnh báo về những hiểm họa có thể xảy ra khi để cho nhiệt độ trung bình trên trái đất tăng thêm 2 độ trên mức độ thời tiền công nghệ. Quá mức độ này, trái đất bị những hiểm họa lớn như lụt lội, hạn hán và mất mát các hệ sinh thái nghiêm trọng.
Các khoa học gia cho rằng khí thải carbon là nguyên nhân hàng đầu của tình trạng tăng nhiệt toàn cầu do con người tạo ra. Vì vậy, không ai ngạc nhiên nếu mọi con mắt tại hội nghị COP17 đều dồn về phía Hoa Kỳ và Trung Quốc, 2 nước gây ô nhiễm lớn nhất thế giới.
Hoa Kỳ chưa bao giờ phê chuẩn nghị định thư Kyoto, và đã nhấn mạnh rằng bất kỳ hiệp định nào có tính cưỡng hành phải bao gồm tất cả các bên.
Ông Todd Sterns, trưởng phái đoàn Mỹ phủ nhận việc Mỹ và Trung Quốc đã can dự vào việc gây trì trệ để đùn cho nhau đưa ra hành động trước. Ông nói:
“Nhưng tôi cũng đã nói về một hiệp định hội đủ tính cách pháp lý trong tương lai sẽ không thể có nếu tất cả các nền kinh tế lớn không phải là một thành tố của hiệp định đó. Hiểu theo nghĩa đó chúng tôi cần thấy các quốc gia khác cũng phải hành động. Nhưng tôi không nghĩ rằng chúng tôi chờ Trung Quốc hành động, còn về phần Trung Quốc, tôi không thể biết được là Trung Quốc có chờ chúng tôi hay không, tôi chỉ có thể nói cho nước Mỹ thôi, và tôi thật sự không thấy là Hoa Kỳ muốn chờ Trung Quốc đưa ra hành động trước."
Hoa Kỳ đã ủng hộ các thỏa thuận đúc kết tại COP16 tại Cancun. Ông Stern nói, mặc dù các điều khoản tại thỏa thuận này không có tính cưỡng hành, nhưng “không ai coi nhẹ nó.”
Các chuyên viên môi trường lo ngại về những hậu quả khắp thế giới nếu như các nước không thể đạt được một thỏa thuận tại Durban.
Bà Ferrial Adam là một nhà tranh đấu về khí hậu cho tổ chức Hòa Bình Xanh châu Phi. Theo bà, Hoa Kỳ và sự chần chừ của nước này chưa chịu cam kết cắt giảm khí thải, chính là một trở ngại lớn.
“Chúng tôi gần như chắc chắn là sẽ không đạt được những thỏa thuận chính hoặc một hiệp định có tính cưỡng hành như chúng ta muốn. Và đây là điều rất đáng lo ngại bởi vì tình trạng biến đổi khí hậu không hề chờ đợi COP18 hay 19 hay 20. Những quyết định này cần được đưa ra ngay bây giờ bởi vì tác hại của thay đổi khí hậu đang phủ chụp lên chúng ta.”
Bà Adam nói thêm rằng các chính phủ cần “lắng nghe nhân dân nhiều hơn là những người gây ô nhiễm.”
Và sẽ có rất nhiều người tham dự hội nghị Durban, sẽ khai mạc vào ngày thứ Hai và kéo dài 12 ngày. Theo tin Liên Hiệp Quốc, hơn 24 ngàn người tham gia hội nghị Copenhagen hồi năm ngoái, trong số đó có hơn 3.000 người thuộc giới truyền thông.
Các nhóm môi trường và các tổ chức phi chính phủ cũng sẽ phái hàng ngàn quan sát viên đến theo dõi các cuộc thương thuyết tại Durban.
Đại diện thuộc gần 200 quốc gia đang qui tụ tại Durban, Nam Phi, dự hội nghị hàng năm của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu. Và mặc dù phần lớn các bên đều đồng ý về sự cần thiết phải đối phó với vấn đề, nhưng vẫn còn nhiều bất đồng lớn đối với các phương pháp đối phó.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1