Lời cảnh báo đưa ra vào lúc Philippines và Thái Lan đang tìm cách khắc phục hậu quả thiên tai mới đây.
Tại quận Muang Ake, bên ngoài thành phố Bangkok, các xe xúc đất tiếp tục di chuyển những đống rác để lại sau trận lũ vừa qua.
Quận này bị ảnh hưởng nặng, nước lụt cao đến 2 mét và đọng lại đó trên 6 tuần.
Hôm thứ Bảy, Tỉnh trưởng Sukhumbhand Paribatra của tỉnh Pathum Thani, là tỉnh có quận này, chính thức tuyên bố nước đã rút đi hết.
Nhưng theo lời ông Charun Likitrattanaporn, hiệu trưởng trường Nông nghiệp thuộc Trường đại học Công nghệ Rajamangala nằm trong tỉnh này, đối với quận Muang Ake, phục hồi sinh hoạt lại như cũ cho quận này vẫn là một công việc gian nan. Ông nói tối thiểu phải hai năm nữa may ra mới phục hồi. Một số cửa hàng chưa mở lại được vì chủ chưa mua đủ bàn ghế, thiết bị. Một số cửa hàng đóng cửa vĩnh viễn.
Tại Philippines, Liên Hiệp Quốc nói hớn 300.000 người mất nhà cửa đang trông chờ giúp đỡ khẩn cấp của bên ngoài.
Liên Hiệp Quốc nói 5 tháng ngập lụt tại Thái Lan, Kampuchia và Việt Nam ảnh hưởng đến khoảng 20 triệu người.
Thứ Hai là đúng 7 năm xảy ra sóng thần năm 2004, làm chết quá 230.000 người trên khắp 14 quốc gia.
Chuyên viên Bhichit Rattakul thuộc Trung tâm Đối phó Thiên tai ở Bangkok nói sau thiên tai sóng thần, khu vực vẫn chưa sẵn sàng đầy đủ để đối phó với thiên tai loại lớn.
Ngân hàng Thế giới nói châu Á Thái Bình Dương chiếm 80% số người chết vì thiên tai của thế giới và thiệt hại về kinh tế rất to lớn, vì nhiều cơ sở hạ tầng bị hư hại.
Trong phúc trình mới nhất, ngân hàng này nói rằng từ giờ đến năm 2050, hàng tỉ người ở khu vực này sẽ chịu ảnh hưởng của thiên tai, riêng Ấn Độ sẽ có khoảng 200 triệu người.
Các chuyên viên về khí hậu nói khu vực châu Á Thái Bình Dương đối mặt với chi phí ngày càng cao do thay đổi khí hậu, tạo ra những thách thức mới cho khu vực này.