Đường dẫn truy cập

Thợ xăm cao 1m15 và tin vui tháng 11


Thứ trưởng Lê Đình Thọ bắt tay cảm ơn đại diện USAID đã hoàn thành xử lý dioxin sân bay Đà Nẵng giai đoạn 2 và bàn giao cho phía Việt Nam. (Ảnh: Facebook USAID)
Thứ trưởng Lê Đình Thọ bắt tay cảm ơn đại diện USAID đã hoàn thành xử lý dioxin sân bay Đà Nẵng giai đoạn 2 và bàn giao cho phía Việt Nam. (Ảnh: Facebook USAID)

Thợ xăm hình xăm nghệ thuật Dương Đắc Long ở Hà Nội chỉ cao 1m15 và anh không có vẻ gì là tự ti với chiều cao của mình. Còn tin vui trong tháng Mười Một đầy những vụ xét xử và bắt bớ ở Việt Nam chính là việc dự án tẩy chất độc dioxin trị giá 110 triệu đô la do Hoa Kỳ viện trợ không hoàn lại đã kết thúc sau sáu năm thực hiện.

Vậy anh thợ xăm có chiều cao khiêm tốn và dự án 110 triệu đô la có điểm gì chung? Cả hai đều liên quan tới chất màu da cam, vốn là chất độc dioxin thường được quân đội Hoa Kỳ đựng trong các thùng màu da cam và đem rải xuống 15% diện tích Nam Việt Nam từ 1961-1971. Cả thảy khoảng 72 triệu lít chất da cam chứa hơn 360 kg chất dioxin, sau này được chứng minh là rất độc hại, đã được dùng để khai quang rừng nhằm phá bỏ lớp nguỵ trang tự nhiên cho quân đội từ Bắc Việt Nam.

Anh Long, năm nay 22 tuổi, nói trong video được Bloomberg đưa lên Twitter hôm 2/12: “Em cao 1m15. Em bị chậm phát triển về chiều cao và cong cột sống.”

Long nằm trong số ba triệu người mà Việt Nam ước tính bị nhiễm độc dioxin trong khi số người có tiếp xúc với chất này lên tới 4,8 triệu. Long nói tiếp với Bloomberg: “Ngày xưa ông ngoại em đi chiến tranh chống Mỹ thì mẹ em bị nhiễm, xong rồi đến em bị. Em trai của em cũng bị.” Người ta cũng ước tính những người thuộc thế hệ hai như mẹ của Long hay thế hệ ba như Long bị nhiễm dioxin ở mức 300.000 người.

Các đại diện cho hàng triệu người được cho là nhiễm dioxin ở Việt Nam đã sang tận New York để kiện hơn 30 công ty hoá chất Hoa Kỳ nhưng cả toà sơ thẩm và phúc thẩm đều đã bác đơn của họ. Lý do được toà ở cả hai cấp đưa ra là chất dioxin được sử dụng để bảo vệ quân đội Hoa Kỳ khỏi bị lực lượng cộng sản tràn vào tấn công chứ không phải để tấn công dân thường. Phán quyết của toà phúc thẩm hồi năm 2008, ba năm sau kết luận của toà sơ thẩm cũng tại New York, nói: “Một chi tiết quan trọng là chính các nguyên đơn cũng không đưa ra cáo buộc rằng chính phủ Hoa Kỳ đã cố tình dùng chất da cam để hại dân thường.”

Mặc dù chấp nhận bồi thường tới 180 triệu đô la cho các cựu binh Hoa Kỳ của Cuộc chiến Việt Nam hồi năm 1984, bảy công ty hoá chất của Hoa Kỳ trong đó có Dow và Monsanto chưa bao giờ thừa nhận có liên hệ trực tiếp giữa chất dioxin với các chứng bệnh như máu trắng hay dị tật bẩm sinh. Họ cũng nói họ làm theo lệnh của chính phủ Hoa Kỳ. Khoản tiền 180 triệu đô la được chi trả cho cả thảy hơn 290.000 người bị ảnh hưởng bởi chất khai quang dioxin từ 1984-1997.

Bộ Cựu binh Sự vụ Hoa Kỳ từ lâu cũng đã trả các khoản trợ cấp cho cựu binh Cuộc chiến Việt Nam và con cái họ nếu chứng minh được họ đã từng có mặt tại các vùng bị ảnh hưởng bởi chất khai quang và họ hay con cháu mắc một trong 14 bệnh được liệt kê trên trang mạng của bộ này. Trong số các bệnh này có bệnh máu trắng, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đường hô hấp, tiểu đường và Parkinson. Việt Nam cũng trợ cấp cho khoảng hơn 300.000 nạn nhân chất độc da cam.

Hồi năm 2016, trang ProPublica cáo buộc Bộ Cựu binh Sự vụ của Hoa Kỳ đã không nghiên cứu số liệu của chính họ để tìm hiểu khả năng chất dioxin ảnh hưởng tới con cái của cựu binh Cuộc chiến Việt Nam. ProPublica nói họ đã bỏ công nghiên cứu số liệu mà Bộ Cựu binh Sự vụ cho phép ProPublica sử dụng và thấy rằng con cái của các cựu binh Cuộc chiến Việt Nam dễ bị dị tật bẩm sinh hơn mức bình thường tới trên 30%.

Việt Nam có số người được cho là bị nhiễm dioxin cao hơn nhiều so với các cựu binh Hoa Kỳ và người thân của họ nhưng cho tới nay chưa có nghiên cứu công phu nào giữa hai nước cựu thù về tác hại của chất dioxin tới sức khoẻ những người bị ảnh hưởng. Trong khi đó hai bên tập trung vào việc xử lý các điểm nóng dioxin, vốn là các nơi được dùng để chứa chất khai quang trước khi chúng được đưa lên máy bay đem đi rải.

Sau sáu năm và tiêu tốn 110 triệu đô la, gần 14 héc ta đất không còn nhiễm dioxin ở Sân bay Đà Nẵng đã được bàn giao lại cho chính quyền địa phương hồi đầu tháng 11, theo báo Lao Động. Báo này cũng nói Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ hồi đầu năm nay cũng đã ký thoả thuận tài trợ hơn 180 triệu đô la cho một dự án làm sạch dioxin khác ở Sân bay Biên Hoà. Cơ quan này cũng được Báo cáo của Quốc hội Hoa Kỳ dẫn lời nói chi phí tẩy sạch dioxin ở Sân bay Biên Hoà có thể lên tới 800 triệu đô la tuỳ phương pháp kỹ thuật.

Chất dioxin được cho là có thể tồn tại trong đất trong hàng chục năm, thậm chí cả thế kỷ. Ngay từ hồi thập niên 1990, các nhà nghiên cứu Canada đã phát hiện ra chất này trong nguồn nước và trong cá ở thung lũng A Sầu thuộc huyện A Lưới, cách Huế chừng 70 km.

A Lưới nằm trong đường mòn Hồ Chí Minh vốn được dùng để vận chuyển vũ khí, trang thiết bị và nhu yếu phẩm vào miền nam cho các lực lượng cộng sản trong thời chiến và bị rải một lượng lớn chất dioxin. Tại đây cũng có căn cứ quân sự A So, nơi bị nhiễm dioxin nặng nhất ở A Lưới. Người dân ở vùng này hiện vẫn mong có được những bộ thử dioxin để họ có thể biết được nồng độ chất độc dioxin tại nơi họ sống, nơi mà các nước công nghiệp phát triển có lẽ đã phong toả và làm sạch ngay lập tức. Cuộc chiến Việt Nam đã lùi xa hơn 40 năm nhưng đối với các cựu binh ở cả hai phía và con cái họ cũng như người dân ở những vùng như A Lưới, chất độc dioxin vẫn ở thời hiện tại và cả tương lai.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hùng

    Nguyễn Hùng bắt đầu viết báo từ năm 1995 cho tờ Vietnam Investment Review và hai năm sau được Liên Hiệp Quốc chọn là một trong một vài nhà báo châu Á xứng đáng nhận giải thưởng mang tên cố tổng thư ký Dag Hammarskjold. Nguyễn Hùng đến London năm 2000, trở thành phát thanh viên, biên tập viên và phó ban Việt ngữ BBC. Trong vài năm trước khi rời BBC hồi năm 2017 để trở thành giảng viên báo chí kỹ thuật số ở Goldsmiths, University of London, Nguyễn Hùng phụ trách mảng mạng xã hội cho Vùng Đông Á và mảng kỹ thuật số cho Vùng Nam Á của BBC World Service. Nguyễn Hùng là người đồng sáng lập chương trình Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt. Anh cũng sẽ chia sẻ blog này qua trang Facebook - https://www.facebook.com/haynhi3005/. Các bài viết của Nguyễn Hùng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG