Gần đây, đọc một số tờ báo mạng chính thống trong nước, phần Thế giới, tôi thấy có một đặc điểm nổi bật: khá nhiều tin tức liên quan đến Trung Quốc.
Ví dụ trên tờ Vnexpress, ngày 29/8, có tin về chuyến bay thử lần thứ 27 của phi cơ tiêm kích tàng hình J-20; ngày 30/8, lại có thêm tin tức và hình ảnh về loại phi cơ mới này; rồi ngày 31/8, lại có bản tin về các loại phi cơ tối tân khác, như máy bay chiến đấu FC-1 Kiêu Long và J-10A; và mới nhất, ngày 1/9, lại có bản tin về lời tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cho hay là tàu sân bay đầu tiên của họ đã “đạt được mục tiêu đề ra”.
Các bản tin tương tự cũng được đăng tải trên tờ báo mạng Dân Trí. Thứ Hai, 29/8: “Báo chí Trung Quốc tiếp tục đăng tải những hình ảnh mới về chiếc chiến đấu cơ tàng hình J-20 trong quá trình bay thử nghiệm”. Thứ Tư, 31/8: “Trung Quốc liên tục thử nghiệm 3 máy bay chiến đấu mới”, gồm J-20, J-10A và FC-1 Xiaolong. Cùng ngày, lại có thêm bản tin khác: “Trung Quốc thử nghiệm thành công tàu sân bay đầu tiên.” Cũng cùng ngày: “Không quân Trung Quốc sẽ cho ra mắt hai đội máy bay biểu diễn trong tuần này - quan chức lực lượng này tuyên bố, trong khi dư luận cho đây là một phần trong chiến lược của Bắc Kinh để thế giới “làm quen dần” với một cường quốc quân sự đang lên.” Lại cũng cùng ngày: “Hải quân Trung Quốc hôm qua đã trình làng thế hệ tàu cao tốc mới có khả tàng hình và được trang bị tên lửa.” Thứ Năm, 01/09: “Ba đội bay biểu diễn của Không quân Trung Quốc hôm nay đã có những màn trình diễn ấn tượng trên bầu trời thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc.”
Xin lưu ý: tất cả các bản tin trên đều được in kèm với rất nhiều hình ảnh về các loại máy bay và tàu sân bay tối tân của Trung Quốc.
Chúng ta không thể không tự hỏi: Tại sao báo chí Việt Nam lại đăng tải dồn dập các bản tin liên quan đến sự phát triển và sức mạnh về quân sự của Trung Quốc như vậy? Có hậu ý gì đằng sau các bản tin ấy hay không?
Thật ra, ở các nước Tây phương, trên báo chí, người ta cũng thấy những bản tin tương tự. Tuy nhiên, thứ nhất, số lượng ít hơn hẳn; thứ hai, mục tiêu của chúng rất rõ: đưa ra một lời cảnh báo về sức mạnh quân sự, và sau đó, những tham vọng bá quyền của Trung Quốc. Hầu như, trên khắp thế giới, ai cũng thấy ba điều: một, Trung Quốc đầu tư rất nhiều tiền bạc cho quốc phòng, trong đó, ưu tiên nhất là phát triển các kỹ thuật quân sự; hai, tất cả các việc đầu tư ấy đều vượt ra ngoài nhu cầu “phòng vệ” thông thường, ngược lại, chúng nhằm mục đích tấn công và bành trướng; và ba, giới hạn của các cuộc tấn công và bành trướng ấy vẫn còn nằm trong phạm vi khu vực Á châu. Người ta biết là Trung Quốc muốn cạnh tranh với Mỹ. Nhưng chưa ai lo lắng là Trung Quốc sẽ tấn công Mỹ hay các đồng minh của Mỹ; thậm chí, cạnh tranh với Mỹ ở phạm vi thế giới. Chuyện đó, nếu xảy ra, có lẽ còn lâu lắm, ít nhất vài ba thập niên nữa. Người ta hầu như tin chắc chắn là với sự tập trung ưu tiên vào các loại máy bay mới, tàu ngầm và tàu sân bay như hiện nay, Trung Quốc chỉ nhắm vào châu Á; và ở châu Á, mục tiêu đầu tiên là Nam Hải, tức Biển Đông theo cách gọi của người Việt Nam.
Như vậy, ngoài Đài Loan, một trong vài nước chịu sức ép nặng nhất trong chiến lược thống lĩnh vùng biển của Trung Quốc chính là Việt Nam.
Thế nhưng, điều rất lạ là trên báo chí chính thống trong nước, rất hiếm khi người ta thấy những sự phân tích về hiểm họa ấy.
Tại sao?
Nhà cầm quyền Việt Nam giải thích: để giữ hòa khí giữa hai nước. Trong tất cả các cuộc họp của giới quân sự cao cấp giữa hai nước, người ta đều “nhất trí” về điều đó: không khích động thù hận trong nhân dân. Dĩ nhiên, việc thực hiện những lời cam kết ấy rất thiên lệch: trong khi ở Trung Quốc, người ta tha hồ chửi bới Việt Nam thì ở Việt Nam, ngược lại, nhà cầm quyền và các cơ quan truyền thông chính thống đều rất hòa hoãn, tuyệt đối né tránh những gì có thể làm Trung Quốc phật ý, kể cả các cuộc biểu tình chống Trung Quốc được gọi là “tự phát” của dân chúng.
Thái độ nhịn nhục có phần quá đáng ấy, dù sao cũng có thể giải thích được. Ngày xưa, cha ông chúng ta cũng đã từng nhiều lần làm như vậy. Cũng nhịn, thậm chí, chịu nhục trước và ngay cả sau khi đã đánh Tàu tan tác.
Có thể hiểu được sự nhịn nhục của Việt Nam trước những uy hiếp của Trung Quốc. Nhưng phải giải thích sao đây sự kiện Việt Nam quá nhiệt tình trong việc ca tụng sức mạnh quân sự của Trung Quốc? Nịnh ư? Nhưng tại sao không nịnh ở các lãnh vực khác? Về kinh tế? Về xã hội? Về văn hóa? Tại sao lại phải nịnh trong lãnh vực quân sự?
Tại sao?
Tôi nghĩ chỉ có một lời giải thích: Dùng sức mạnh quân sự của Trung Quốc để hù dọa dân chúng Việt Nam. Đại khái kiểu: Trung Quốc bây giờ giỏi lắm; vũ khí của họ tối tân lắm; sức mạnh của họ khủng khiếp lắm: Đừng gây sự với họ!
Sực nhớ lời mắng của viên trung úy công an Nguyễn Mạnh Tường khi lao vào đánh Vũ Quốc Ngữ về “tội” dám đi biểu tình chống Trung Quốc mà tôi đã trích trong bài “Sao lại thù hận những người yêu nước như vậy?”:
“Nó tát liên tiếp lên hai mang tai và nói "Chúng mày biểu tình gây rối, kích động Trung quốc đánh Việt Nam, làm hại đến gia đình tao, vợ con tao", nói rồi nó lại đấm, lại tát.”
Thoạt đầu, đọc lời mắng chửi ấy, tôi chỉ nghĩ đó là câu nói ngu xuẩn của một tên công an hèn hạ. Nhưng bây giờ, đọc một loạt các bài báo quảng cáo giùm sức mạnh quân sự của Trung Quốc trên báo chí chính thống trong nước, tôi lại nghĩ khác: Không chừng đó là cách suy nghĩ chung của giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay.
Cầu cho tôi nghĩ sai.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.