Trong bài diễn văn của Tổng thống Barack Obama tại Quốc Hội Hoa Kỳ vào ngày 8 tháng 9 vừa rồi, có một hai câu nói tôi rất thích. Ông nhắc đến dân chúng như “những người đã cử chúng ta đến đây; những người đã thuê chúng ta làm việc cho họ” (the people who sent us here – the people who hired us to work for them). Rồi ông tự hỏi và hỏi các nghị sĩ và dân biểu: Mỹ “Dân chúng ở đất nước này làm việc vất vả để hoàn tất trách nhiệm của họ. Câu hỏi tối nay là: liệu chúng ta có hoàn tất trách nhiệm của chúng ta hay không?” (The people of this country work hard to meet their responsibilities. The question tonight is whether we’ll meet ours.)
Thực tình, tôi không quan tâm mấy đến các chính sách Obama đã đưa ra nhằm giải quyết tình trạng thất nghiệp trầm trọng cũng như cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài tại Mỹ. Đã đành kinh tế Mỹ có quan hệ mật thiết đến kinh tế toàn cầu, trong đó có Úc; tuy nhiên, từ Úc, nhìn sang Mỹ, thấy chuyện của họ xa vời quá. Tôi nghe bài diễn văn của Obama một cách khá ơ hờ. Nhưng đến mấy câu nói trích ở trên, tôi bỗng thấy thích hẳn.
Thích chủ yếu vì thấy chúng khác hẳn với những gì chúng ta thường nghe ở Việt Nam. Có lẽ ở Việt Nam chưa có lãnh tụ nào đặt vấn đề trách nhiệm với dân chúng một cách cụ thể đến như vậy. Càng chưa có ai nhìn nhận một thực tế: Họ là những người làm thuê của dân chúng. Mà không phải là những người làm thuê vĩnh viễn. Họ chỉ là những người làm thuê theo hợp đồng. Cứ bốn năm, dân chúng lại xét lại hợp đồng ấy một lần. Làm giỏi, người ta thuê tiếp. Làm kém thì xin vui lòng về… hưu.
Giới lãnh đạo Việt Nam bao giờ cũng cho những chức vụ mình đang nắm giữ như những sứ mệnh vĩ đại từ trên trời rơi xuống. Một thứ thiên mệnh. Ngay cả khi họ giả vờ nói khiêm và nói nịnh họ là “đầy tớ” của dân chúng thì người ta, tự trong vô thức, vẫn xem cái chức “đầy tớ” ấy là một thiên mệnh. Là thiên mệnh vì, thật ra, không có ai thực sự bầu cho họ cả (hiểu bầu theo nghĩa tổng tuyển cử chứ không phải bầu bán trong nội bộ đảng với nhau). Là thiên mệnh vì họ không thực sự chịu trách nhiệm trước ai cả. Đất nước lạc hậu, dân chúng nghèo khổ ư? Đó là trách nhiệm của “thằng” lịch sử hay “thằng” khách quan nào đó. Đất nước phát triển ư? Thì đó là công của họ, bất kể mồ hôi và nước mắt của mấy chục triệu người lao động quần quật trong cả nước.
Quan niệm chức vụ lãnh đạo như là thiên mệnh nên các “đầy tớ” bất cần các ông bà “chủ” có đồng ý cho họ làm việc tiếp hay không. Và cũng không cần nhớ, thậm chí, biết tất cả bổng lộc của họ là đến từ dân chúng.
Không biết như thế nên thay vì “biết ơn” những người đã hùng hục làm việc và đóng thuế để nuôi mình, người ta lại làm một chuyện oái oăm: bắt dân chúng phải biết ơn và nhớ ơn mình!
Có lẽ một trong những chiến lược tuyên truyền lớn nhất của chính quyền Việt Nam, từ khi lên nắm quyền vào năm 1945 đến nay, là nhấn mạnh vào chuyện ơn nghĩa. Hầu như toàn bộ guồng máy tuyên truyền đều tập trung vào vấn đề công ơn của đảng và của lãnh tụ. Người ta tổ chức các đợt sáng tác rầm rộ để giới cầm bút kể lể công ơn “tái sinh” của cách mạng. Ăn một bát cơm ngon cũng nhớ ơn cách mạng. Mặc bộ quần áo mới cũng nhớ ơn cách mạng.
Thời kháng chiến, trong bài “Thơ dâng Bác Hồ” sáng tác ngày 19.5.1953, Xuân Diệu viết:
Chúng con dưới vực sai lầm
Đang vươn mình được Bác cầm tay lên.
Cũng ngày 19.5.1953, Nguyễn Bính từ Nam bộ, làm bài Thư gửi về Cha:
Trước con cơ cực nhọc nhằn
Nhờ Cha nay mới nên thân nên người..
Sau năm 1954, ở miền Bắc, Xuân Diệu lại viết:
Hãy cảm ơn đảng Cộng sản, lòng ta ơi!
Hãy cảm ơn những người dựng con người,
Hãy cảm ơn Hồ Chí Minh đồng chí
Đã rèn luyện một nửa già thế kỷ
…
Xưa lệ sa, ta oán hận đất trời
Nay lệ hoà, ta lại thấy đời tươi!
Chế Lan Viên cũng có rất nhiều những bài thơ tương tự như thế. Lại Nguyên Ân có lần nhận xét về thơ Chế Lan Viên: “Thơ Chế Lan Viên có cả một loạt những bài thơ ăn năn sám hối cho sự lỡ lầm thuở trước, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn của nhà thơ với chế độ mới, lý tưởng mới – cái lý tưởng mà nhà thơ có lúc như muốn quỳ xuống bái lạy cho tỏ sự biết ơn của một tín đồ đã bỏ “đạo” cũ để từ đây theo nó đến cuối đời.” (Một thời đại văn học mới, Hà Nội, 1987, tr. 106).
Sau này, hầu như không có nhà văn hay nhà thơ nào đủ vô liêm sỉ để nịnh bợ như vậy nữa. Và nhà cầm quyền cũng không đủ vô liêm sỉ để lớn tiếng tuyên truyền như vậy nữa. Nhưng đây đó, dưới những hình thức diễn tả khác nhau, chúng ta vẫn nghe thấp thoáng những giọng kể công và đòi hỏi sự biết ơn của dân chúng đối với những người đã suốt đời hy sinh gánh chịu…bổng lộc đến hầu như vô tận!
Đương quyền, người ta muốn dân chúng biết ơn. Về hưu, người ta cũng muốn dân chúng biết ơn. Với từng cá nhân, người ta đòi hỏi sự biết ơn. Với cả đảng và chế độ, người ta cũng đòi sự biết ơn.
Người ta cố tình ngoảnh lưng lại sự thật này: Làm lãnh đạo, thực ra, là làm thuê. Lương bổng của họ là do dân chúng trả. Tất cả tiện nghi và quyền lợi mà họ có là do dân chúng cung cấp. Ở đây không có chuyện ân nghĩa. Mà chỉ có vấn đề là: làm việc có hiệu quả hay không.
Làm được việc: Xin tiếp tục.
Làm không được việc: Xin mời xuống!
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.