Đường dẫn truy cập

Doanh nghiệp FDI - vốn đầu tư thật, ảo


Doanh nghiệp FDI - vốn đầu tư thật, ảo
Doanh nghiệp FDI - vốn đầu tư thật, ảo

Doanh nghiệp FDI (DNFDI) là doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, gọi là chủ đầu tư hay công ty mẹ. Cơ sở kinh doanh-sản xuất của DNFDI trong nước sở tại - công ty con - nằm dưới quyền quản trị toàn bộ ( tài sản, sản xuất, kỹ thuật, xuất nhập khẩu, sử dụng lao động …) của chủ đầu tư, nhưng phải tuân thủ những điều kiện đã thoả thuận và ký kết với những cơ quan quyền lực của nước sở tại tiếp nhận đầu tư.

DNFDI thường là những doanh nghiệp đa quốc gia, vốn lớn, có kỹ thuật hiện đại, có hệ thống phân phối và thị trường. Tại sao họ mang vốn ra đầu tư ở một quốc gia đang phát triển? Động cơ chủ yếu là khả năng tạo lợi nhuận, dĩ nhiên. Nhưng còn có những động cơ khác, như tìm cơ hội và thị trường mới, săn lùng tài nguyên…Khả năng tạo lợi nhuận có vì:

1) hiệu suất cận biên (marginal return) của vốn ở nơi nhận đầu tư cao hơn;

2) chi phí cho lao động thường rẻ hơn; 3) hệ thống luật lệ tài chính và thuế khóa áp dụng cho những DNFDI tạo một số đặc lợi.. Ngoài những nhân tố vừa kể, DNFDI thường giảm rủi ro bằng cách chọn lựa đầu tư ở những quốc gia có ổn định chính trị, có chính sách kinh tế vĩ mô thông thoáng minh bạch, và ưu tiên nơi lực lượng lao động có trình độ và có cơ sở hạ tầng thuận lợi ( giao thông vận tải, viễn thông…).

Về phần các nước đang phát triển tiếp nhận đầu tư nước ngoài, những nhân tố tích cực của FDI là

1) thúc đẩy phát triển trong một nền kinh tế tương đối thiếu vốn;
2) tăng mức sử dụng lao động nội địa cũng như đào tạo lao động có tay nghề;
3) cơ hội tiếp cận và học hỏi những kỹ thuật sản xuất tiên tiến và kỹ thuật quản lý kinh doanh;
4) tiếp cận với thị trường ngoại trong việc hội nhập vào thế giới;
5) thêm một nguồn thu ngân sách và
6) phát triển xuất-nhập khẩu trong thương mại.

Khế ước thỏa thuận giữa các DNFDI và nước tiếp nhận đầu tư thường nhiều chi tiết khá phức tạp. Dăm nét chính xin kể ra:

1) hình thức và tính pháp nhân (có thể là hợp doanh với doanh nghiệp nước sở tại);
2) thời hạn hoạt động và vốn đầu tư đăng ký;
3) tiến độ giải ngân của DNFDI;
4) tiến độ bảo đảm cơ sở hạ tầng, sử dụng lao động của nước sở tại…

Thời gian 1900-2000, DNFDI còn ít, nhưng trong thập niên vừa qua, đầu tư nước ngoài rất khởi sắc. Theo CIA factbook , mặc dầu chỉ cao hơn Philippines trong những nước ASEAN, thu hút dòng vốn FDI ở Việt Nam tổng cộng là trên 51 tỉ USD cho đến cuối năm 2009, xếp vào hạng 51 trong số 87 nước có thống kê.

Những số liệu thống kê dưới đây cho phép đáng giá một cách tổng quan về vai trò tích cực của những DNFDI: a) trong thời đoạn 2000-2007, đóng góp của DNFDI vào GDP tăng từ 13.28% lên 18.68% và b) trong khi tổng cán cân mậu dịch thâm hụt ở Việt Nam chủ yếu vì DNNN nhập siêu, khu vực DNFDI xuất siêu, cán cân thặng dư ở mức 2,3 tỉ USD năm 2000 vọt lên mức 6 tỉ USD năm 2007.

Đây là những số liệu có thể khiến ta lạc quan về vai trò của DNFDI và xu hướng hội nhập của nền kinh tế Việt Nam vào thế giới. Tuy nhiên, một số vấn đề có tính cơ cấu ở thời điểm gần đây khiến chúng ta buộc phải cảnh giác. Đặc biệt, trong một loạt 3 bài ” Những đại dự án FDI: vốn ảo” trên http://www.tienphong.vn/Thoi-Su/508375/, những sự kiện thực tế được phơi bày khá rõ nét. Xin lưu ý những bất cập sau:

Vốn đầu tư

Nhìn sâu vào những DNFDI, phải phân biệt vốn đăng ký (registered capital) một dự án, vốn thực hiện (implemented capital), vốn FDI chuyển trong thực tế và vốn phụ trội bổ sung bởi nguồn vốn trong nước.

Biểu đồ 1 cho thấy phân bố vốn FDI tổng cộng 10 năm (1998-2008) theo vùng: vốn thực hiện FDI cao nhất là 39.5% vốn đăng ký ở Thừa Thiên-Quảng Ngãi, 30.2 % ở TP HCM, 26,8% ở Hà Nội…và thấp nhất là 6.1% ở Thanh Hóa. DNFDI tập trung ở 2 thành phố lớn và vùng phụ cận, những nơi hạ tầng cơ sở tương đối phát triển. Theo Bộ Kế Hoạch -Đầu Tư trong báo cáo trình lên thường trực Chính phủ trong phiên họp tháng 8 năm nay, nhiều chỉ tiêu quan trọng có thể không đạt như kỳ vọng. Số vốn FDI thực hiện năm 2010 ước tính có thể là 11 tỷ USD, tuy nhiên ở con số quan trọng nhất, vốn FDI chuyển thực tế qua cán cân thanh toán chỉ vào khoảng 8 tỷ USD.

Phải chú ý là khoảng cách giữa vốn FDI thực hiện và vốn chuyển thực tế có vẻ ngày càng nới rộng: năm 2008 là 2,3 tỷ USD (vốn thực hiện là 11,5 tỷ USD), năm 2009 là 2,7 tỷ USD (vốn thực hiện 10 tỷ USD), và năm nay ước tính là 3 tỷ USD. Phần chênh lệch này thường là do vốn trong nước tham gia vào các dự án FDI (xem biểu đồ 1). Như vậy, rút ra một hệ luận: Các dự án FDI hiện nay ngày càng “tận dụng” nhiều hơn nguồn tài chính trong nước và giảm phần đầu tư thực tế.

Biểu đồ 1

Doanh nghiệp FDI - vốn đầu tư thật, ảo
Doanh nghiệp FDI - vốn đầu tư thật, ảo

Hiện nay, có hiện tượng một số doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam theo hình thức vốn ”mồi”. Sau khi có được giấy phép làm dự án, họ tiến hành vay vốn trong nước. Chuyện kinh doanh vay vốn là bình thường nhưng đi đầu tư trực tiếp vào nước người ta mà lại vay vốn từ trong chính nước đó để làm thì đây là chuyện ngược đời. Doanh nghiệp FDI thế chấp thế nào để vay được tiền thì là việc của giữa họ và những ngân hàng quốc tế. Nhưng về mặt nguyên tắc, là doanh nghiệp FDI thì phải mang vốn vào, và họ vay vốn ở đâu không cần biết, nhưng nếu là vốn ngân hàng Việt Nam thì quả là một nghịch lý.

Cũng nên rà soát lại những qui định các dự án FDI để thu hẹp sự sai biệt giữa vốn đăng ký và vốn thực hiện trong một thời gian hợp lý. Có trường hợp thiếu giám sát khiến cả 10 năm mà sự sai biệt đó vẫn tồn tại mà không có can thiệp của những cơ quan nhà nước.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG