Đường dẫn truy cập

Kinh tế Việt Nam, thành tựu và bất cập (2)


Chính vì quá hồ hởi mà những bất cập trong nền kinh tế Việt Nam ló dạng. Chúng ta thử xem lại kinh tế Việt Nam 5 năm qua. Hai sự kiện quan trọng: một là cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và hai là việc Việt Nam gia nhập WTO (2007).

Sau ba năm hội nhập WTO, cơ hội cho Việt Nam lớn, vốn đầu tư vào nhiều, thị trường rộng mở song nền kinh tế tăng trưởng giảm tốc, lạm phát tăng tạo bất ổn và trở nên nghiêm trọng hơn. Ở đây có vấn đề rất lớn là năng lực hội nhập của Việt Nam cần phải được đánh giá rất nghiêm túc. Vào WTO là chấp nhận cạnh tranh. Dường như ở điểm này, Việt Nam chứng tỏ kém năng lực. Trường hợp Vinashin rất điển hình, lấy tiếng đóng tầu nhưng thực chất đi mua tàu cũ về “tân trang” rồi “nằm bến”, ngay chỉ kinh doanh cũng đã thua lỗ chứ đừng nói đến sản xuất.

Cuộc khủng hoảng toàn cầu (2008-09) lần này có tác động tiêu cực trên lượng vốn ngoại quốc đầu tư vào Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu, độ tăng trưởng giảm đáng kể, chỉ đạt 5.3% năm 2009. Một nghịch lý là dường như Việt Nam dẫu tăng trưởng nhanh hơn nhiều nước trên thế giới, nhưng lại tụt hậu, kể cả về thu nhập tính theo đầu người.

Chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng có vấn đề. Việt Nam được coi là địa chỉ tốt nhất thế giới, và những nhà đầu tư nước ngoài từng gọi Việt Nam là thiên đường. Những doanh nghiệp FDI tận dụng công nhân lương còn rẻ, tập trung sản xuất trong công nghiệp chế biến sơ cấp, đóng góp nhiều trong kim ngạch xuất khẩu. Tuy thế, có tới 60-80% nhà đầu tư vẫn kêu lỗ triền miên, trong khi Việt Nam không kiểm tra, giám sát, để thất thoát không ít thuế lợi nhuận doanh nghiệp. Lẽ ra, những doanh nghiệp này phải có vai trò chuyển cấp sản xuất và chuyển nhượng kỹ thuật, hai yếu tố tối cần cho một nền kinh tế đang phát triển mà chính sách Việt Nam còn lơ là buồng lỏng!

Chắc không cần nhấn mạnh, Việt Nam nhập siêu, dự toán năm nay sẽ thâm hụt trên 14.5 tỉ USD trong đó 80-90% là với Trung Quốc. Mặt khác, ngân sách Nhà nước bội chi, hiện thâm hụt 2 tỉ trong 8 tháng đầu năm nay, và dự trữ ngoại hối xuống đến nay chỉ còn đâu gần 14 tỉ USD, đủ chi trả nhập khẩu trong 6-7 tuần. Công ty thẩm định thị trường thế giới Fitch Rating hạ điểm từ BB- xuống B+ vốn vay dài hạn ở Việt Nam, đánh giá rằng độ rủi ro tăng (tham khảo Mức độ rủi ro của tín dụng ở Việt Nam). Mới đây, họ lại hạ điểm 2 ngân hàng ACB và VCB vì thâm dụng vốn trong một nền kinh tế hiệu xuất đầu tư đo bằng chỉ số ICOR tương đối kém khiến nợ có khả năng là nợ xấu không bồi hoàn được. Nợ công của Việt Nam được Nhà nước thông báo chính thức là 39% GDP, nhưng nhiều nguồn tin cho rằng số nợ đó có thể lên đến xấp xỉ 60% GDP nếu tính số nợ “chui” của Trung Quốc và nợ của các doanh nghiệp nhà nước. Ở mức này, nợ công có thể là vượt ngưỡng an toàn. Đồng thời, khi hạ điểm Việt Nam, Fitch cho rằng chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam không nhất quán, mang tính đối phó ngắn hạn và “cà giựt” (stop-and-go). Mới đây, quyết định phá giá tiền đồng và giảm lãi suất ngân hàng cũng gây tranh cãi (tham khảo Tiền đồng đi về đâu?). Tờ The Economist quan ngại những chính sách “tay trắng-tay đen” (flip-flop policy) thay đổi tùy tiện bất thường, rất khó cho giới đầu tư tính toán may rủi. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng lên tiếng phê phán những chính sách kinh tế Việt Nam là bất nhất, trái ngược, thiếu minh bạch và làm tổn hại lòng tin thị trường (tham khảo Việt Nam bác bỏ chỉ trích của Quĩ Tiền tệ quốc tế).

Những điều vừa kể cho thấy kinh tế Việt Nam đang có những khó khăn đáng ngại. Hiệu năng kinh tế của khu vực kinh tế nhà nước thấp, nhiều tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước nợ nần, lỗ lã, kết toán mù mờ, giám sát kiểm toán lơ ngơ. Quản lý khâu đầu tư vốn nước ngoài chưa minh bạch, để thất thoát thuế doanh lợi, và không có cơ chế thúc đẩy chuyển nhượng kỹ thuật và chuyển cấp sản xuất. Phải nói thêm, thâm hụt ngân sách nhà nước khá lớn, cán cân thương mại mất quân bình, nợ công chưa rõ ràng, dự trữ ngoại hối thấp khiến độ rủi ro vĩ mô tăng. Và chính sách tiền tệ - tín dụng không nhất quán trước nguy cơ lạm phát trên 2 số, gần như chỉ là phản ứng cấp thời mà không có tầm nhìn xa khiến cộng đồng quốc tế không còn lạc quan như trước về Việt Nam.

Dẫu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói chính phủ ông du nhập mô hình chaebol của Nam Triều Tiên, sự thật thì cách tổ chức quản trị cũng như chính sách đặt trọng tâm trên xuất khẩu đều xuất phát từ mô hình kinh tế Trung Quốc. Nhưng tác động của mô hình này trên kinh tế Việt Nam rất khác. Nhìn kết quả 5 năm vừa qua, có thể nói rằng chỉ thấy những bất cập.

Bất cập lớn nhất, theo thiển ý, là qua những con số tăng trưởng, chúng ta chỉ biết phần định lượng ở mặt rộng và chưa nắm bắt phần định tính của công cuộc phát triển mà ngày nay đòi hỏi cơ bản là phải có chiều sâu và tính bền vững. Và bất cập thứ nhì, đối với một nước đang phát triển hiện nhập siêu ở mức độ có khả năng sẽ gây khủng hoảng, Việt Nam nên xét lại việc có nên tiếp tục rập khuôn mô hình Trung Quốc hay không. Cứ bắt chước Trung Quốc đặt trọng tâm sản xuất nhằm xuất khẩu, hay Việt Nam phải khéo léo bổ sung bằng một chính sách “thay hàng nhập” (import substitution) với mục tiêu từng bước cân bằng cán cân thương mại? Dĩ nhiên là rồi phải thế, nhưng ta hy vọng rằng các vị lãnh đạo và tập đoàn chuyên gia kỹ trị nghĩ lại kịp thời!

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG