Đường dẫn truy cập

Đổ vỡ của hệ thống tín dụng 'ngoài luồng'


Đổ vỡ của hệ thống tín dụng 'ngoài luồng'
Đổ vỡ của hệ thống tín dụng 'ngoài luồng'

Tín dụng “ngoài luồng” (còn gọi là tín dụng “đen” hay tín dụng “phi chính thức”) từng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống kinh tế của xã hội Việt Nam. Sở dĩ như vậy vì hệ thống tín dụng chính thức (các tổ chức có chức năng nhận tiền gửi và cho vay) không đủ mạnh. Nhiều nhu cầu vay mượn của doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ) và của các hộ gia đình không được hệ thống tín dụng chính thức đáp ứng.

Đặc điểm chính của tín dụng “ngoài luồng” là tính rủi ro cao hơn do không dựa trên các tài sản thế chấp mà chủ yếu dựa vào tín chấp. Vì lẽ này mà lãi suất cho vay thường cao hơn nhiều so với lãi suất vay từ các ngân hàng. Lãi suất huy động vì thế cũng cao hơn nhiều. Trong điều kiện thị trường ổn định, việc lãi suất huy động cao luôn là sức hấp dẫn lớn khiến nhiều người có tiền sẵn sàng chấp nhận các rủi ro này để kiếm lời.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, hệ thống tín dụng chính thức của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ và vai trò của tín dụng “ngoài luồng” đã giảm đi nhiều. Tuy nhiên, quy mô thực sự của nó cũng như tầm quan trọng của nó đối với xã hội thì vẫn chưa được xác định một cách cụ thể.

Trong khoảng nửa năm trở lại đây, cuộc khủng hoảng kéo dài ở Việt Nam, đặc biệt là khủng hoảng trên các thị trường đầu cơ tài sản như chứng khoán và bất động sản, đã đẩy hệ thống tín dụng “ngoài luồng” vào chỗ chết. Số vụ vỡ nợ trong hệ thống này được báo chí đăng tải ngày càng nhiều, và quy mô đổ vỡ có vẻ như ngày càng lớn.

Điểm qua các báo, chỉ trong tháng 9 và tháng 10 vừa qua đã có tới gần chục vụ vỡ nợ lớn được phanh phui. Ngày 2/11, báo Dân Trí đưa tin Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam có thời hạn 4 tháng đối với bị can Lê Thị Tương vì nghi án lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.

Trước đó vài ngày, trong tuần cuối cùng của tháng 10, một con nợ khác là bà Nguyễn Thị H, trú tại phường Sao Đỏ (Hải Dương) cũng bị khởi tố vì có dấu hiệu vỡ nợ số tiền lên đến gần trăm tỷ đồng̣. Theo thông tin từ cơ quan công an, điều tra ban đầu cho thấy số nợ của cặp vợ chồng H lên đến khoảng 60 tỷ đồng. Cũng trong tuần này, một con nợ khác là bà Nguyễn Thùy Hương ở Hải Châu (Đà Nẵng) cũng bị tố cáo vì vay nợ trên 20 tỉ đồng của 18 nạn nhân và đã tuyên bố vỡ nợ.

Hồi đầu tháng 10, có 3 vụ vỡ nợ khác rất lớn là trường hợp của bà Nguyễn Thị Minh Tâm ở Bắc Ninh. Theo báo Công An Nhân Dân, thì vào thời điểm cao trào, vợ chồng Tâm - Việt đã vay nợ với tổng dư nợ lên tới hơn 500 tỷ đồng. Bước đầu, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV, Công an tỉnh Bắc Ninh đã chứng minh được Nguyễn Thị Minh Tâm và Nguyễn Chí Việt lừa đảo 3 người, chiếm đoạt hơn 16 tỷ đồng, và đang tiếp tục điều tra, làm rõ các trường hợp khác. Hiện, đã có hàng chục nạn nhân tố cáo đến cơ quan công an bị vợ chồng Tâm - Việt lừa đảo với số tiền hàng trăm tỷ đồng.

Cũng trong tháng 10 và không kém trường hợp của bà Nguyễn Thị Minh Tâm, là bà Nguyễn Thị Cúc (Hà Nội) với tổng số tiền gốc đã vay không còn khả năng chi trả lên tới gần 230 tỷ đồng, trong đó có 614 cây vàng SJC và bà Phạm Thị Chinh (Hà Nội) vỡ nợ với số tiền được trình báo tính tới thời điểm đầu tháng 10 là trên 25,4 tỷ đồng, 99,5 cây vàng, 151.600 USD, và 6.000 EUR.

Trước đó không lâu, hồi tháng 9 cũng xảy ra một số vụ vỡ nợ khá lớn. Bà Nguyễn Thị Dậu tuyên bố vỡ nợ vào ngày 22 tháng 9 kéo theo 40 người dân cùng ký tên vào một lá đơn gửi công an phường Quang Trung (quận Hà Đông) tố cáo bà này đã vay của họ tổng số tiền lên tới trên 100 tỉ đồng và không có khả năng thanh toán. Một vụ việc khác là hai vợ chồng Tạ Việt Quang - Bùi Thị Quyên. Theo thông tin báo chí đăng tải, tổng số nợ mà hai người này không có khả năng chi trả có thể lên tới xấp xỉ 500 tỷ đồng.

Theo nhiều chuyên gia, hiện tượng đổ vỡ tín dụng ngoài luồng chắc chắn sẽ còn tiếp tục xảy ra theo diện rộng trong thời gian tới.

Điểm đặc biệt của các vụ vỡ nợ này là các đối tượng nêu trên không phải là các tổ chức tín dụng “ngoài luồng”. Họ là các cá nhân vay mượn để đầu cơ hoặc đầu tư, chứ không phải để cho vay lại. Và với đặc điểm này, theo Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát Phòng chống tội phạm, Bộ Công an, thiệt hại trong các vụ vỡ nợ vừa qua rất lớn, nhưng cơ quan điều tra vẫn khó xử lý hình sự.

Theo Thiếu tướng Tuyến, hiện nay, theo quy định của luật hình sự, chỉ có thể xử lý những trường hợp huy động vốn với lãi suất gấp 10 lần lãi suất trần của Ngân hàng nhà nước (14%), còn dưới mức này chỉ có những quy định xử lý hành chính. Thực tế, những vụ đưa ra xử lý được là những vụ vận dụng vào điều về lừa đảo, chiếm dụng tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Thiếu tướng Tuyến cho rằng ban đầu nó là quan hệ dân sự, nhưng khi vỡ nợ rồi thì một số hành vi đã chuyển thành hình sự. Vì khi vỡ nợ rồi, họ lại tiếp tục đi vay để trang trải, trả nợ cho những khoản khác. Lúc ấy, về ý thức họ đã biết mình không còn khả năng trả nợ nữa. Nếu làm rõ ý thức chủ quan, thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm.

*Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG