Tái cấu trúc kinh tế là một cụm thuật ngữ được nhắc đến nhiều ở Việt Nam trong khoảng vài năm trở lại đây. Cuộc đổ vỡ trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ năm 2007 đã làm nhiều người dần dần thức tỉnh khỏi giấc mộng dài về triển vọng một sớm một chiều hóa rồng của nền kinh tế. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đánh dấu bằng sự sụp đổ của Lehman Brothers hồi tháng 10 năm 2008, và còn dai dẳng mãi tới tận ngày nay, đã nhận chìm cả thế giới vào cơn suy thoái kéo dài. Dao động cộng hưởng của cả các yếu kém nội tại lẫn môi trường quốc tế bất lợi đã khiến cỗ máy kinh tế Việt Nam liên tục trong 4 năm trải qua hết khủng hoảng này tới khủng hoảng khác.
Tại sao phải tái cấu trúc?
Việt Nam đang vấp phải những mất cân đối lớn, đặc biệt về tài chính và tiền tệ. Đang tồn tại những cặp nghịch lý như tăng trưởng thấp nhưng luôn quá nóng, tiền tệ và tín dụng bị thắt chặt nhưng lạm phát vẫn cao, phá giá liên tục tiền Đồng nhưng nhập siêu vẫn là hội chứng mãn tính và có xu hướng ngày càng nặng. Áp lực về chi phí liên tục tăng và thị trường đầu ra bị thu hẹp khiến hệ thống doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, bị ép cả từ hai phía và phần đông hầu như chỉ còn thoi thóp thở. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp nhà nước đều hoạt động không hiệu quả, thậm chí gây thua lỗ nặng nề như trường hợp Vinashin hay EVN.
Trong khi đó, đời sống của đại bộ phận dân chúng đang ngày càng trở nên vất vả hơn do sức mua bị bào mòn vì trượt giá đồng tiền. Mỗi lần lương tối thiểu được nâng lên là kéo theo lạm phát mạnh. Đến nỗi mặc cho mức lương tối thiểu được nâng từ mức 730 nghìn đồng lên mức 830 nghìn đồng hồi tháng 5 năm nay, tăng 84.44% so với mức của năm 2006 thì mức tăng này cũng không thấm tháp gì so với mức lạm phát đo bằng mức tăng CPI trong cùng thời kỳ là 97.5% (so CPI của tháng 9/2011 với tháng 1/2006). Nói cách khác, lương tối thiểu thực tế (sau khi đã điều chỉnh mức trượt giá) tại thời điểm hiện nay thấp hơn so với hồi đầu năm 2006, chỉ bằng 96.6%.
Tình trạng hiện nay đã tới mức người đứng đầu Chính phủ, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII, đã phải nêu ra một trong những mục tiêu trọng điểm của các năm tới là “đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh”.
Riêng trong năm 2012, Chính phủ coi nhiệm vụ hàng đầu là tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát động phong trào tiết kiệm trong toàn xã hội. Mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn 2012-2015 đã được giảm xuống, trung bình chỉ còn 6.5% đến 7% (thay vì mục tiêu mà Đại hội XI của Đảng đề ra là 7% đến 7,5%), trong đó riêng năm 2012 chỉ đặt mục tiêu là 6% đến 6.5% (trong đó ưu tiên cho phương án 6%).
Tái cấu trúc thế nào?
Đã có nhiều ý kiến phân tích, đánh giá, góp ý, và tư vấn về tái cấu trúc kinh tế Việt Nam. Tổng hợp lại, mục tiêu cuối cùng của mọi khuyến nghị đều hướng tới việc tăng hiệu quả (và từ đó tăng tính cạnh tranh) của nền kinh tế Việt Nam. Vấn đề được nhiều người bàn tới nhất là cắt giảm bớt đầu tư công (trên cơ sở cho rằng đầu tư công là thiếu hiệu quả), cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước (đặc biệt là các tổng công ty và các tập đoàn kinh tế), cải tổ thị trường tài chính, chuyển đổi mô hình kinh tế từ tăng trưởng dựa vào thâm dụng vốn và tài nguyên sang mô hình dựa vào tăng năng suất lao động và giá trị gia tăng, thay đổi hệ thống luật về đất đai (bao gồm cả việc nhìn nhận lại vấn đề quyền sử dụng đất), cải cách hệ thống tiền lương và thi tuyển công chức…
Một phần lớn các nội dung này đã được nhà nước nhìn nhận và đưa vào chương trình hành động. Báo cáo của Chính phủ hồi cuối tháng 10 cũng cho thấy với nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ xác định 3 khu vực trọng tâm là đầu tư công (tập trung thực hiện Nghị định 11), doanh nghiệp nhà nước (DNNN - tập trung vào các tập đoàn, tổng công ty) và hệ thống tài chính (tập trung vào ngân hàng).
Chủ trương như vậy là đúng đắn, tuy nhiên chuyện còn lại là làm như thế nào?
Động cơ và lợi ích của các bên tham gia
Một chủ trương đúng đắn không nhất thiết dẫn tới một kết quả đáng mong đợi. Những gì thể hiện ra tính tới thời điểm này vẫn là các mục tiêu hơn là một kế hoạch hành động. Ngay cả khi có một kế hoạch hành động thì vẫn không có gì bảo đảm là sẽ thành công. Thí dụ, khi đội tuyển bóng đá quốc gia tham gia giải đấu Vô địch Đông Nam Á với mục tiêu dành cúp vàng. Kế hoạch hành động trong trường hợp này là sơ đồ chiến thuật chiến lược về sử dụng các cầu thủ của huấn luyện viên trưởng.
Kinh nghiệm mà người Việt Nam thấy được ở đội tuyển bóng đá nước nhà là thua nhiều hơn thắng trong các giải này. Và vấn đề hay được nhắc tới là câu chuyện cầu thủ đá không hết mình, thậm chí bán độ.
Và ở đây chính là vấn đề mà tôi muốn nói tới. Đó là động cơ của các cầu thủ. Hay nói cách khác, lợi ích của các cầu thủ có gắn chặt với lợi ích của đội tuyển hay không? Các cầu thủ có phải có động cơ mạnh mẽ nhất, và duy nhất, là dành chiến thắng cho đội tuyển hay không? và có thể cùng gắn bó với nhau để tập trung nỗ lực vào việc bảo đảm thành công của đội bóng với tư cách là một tập thể thống nhất, thay vì thành công của từng cá nhân, hay không?
Một cơ chế cho phép thống nhất các lợi ích cá nhân và lợi ích phe nhóm với lợi ích của cả đội tuyển, hay trong trường hợp tái cơ cấu kinh tế, là lợi ích của cả quốc gia, là chìa khóa để bảo đảm đạt được các mục tiêu và kế hoạch cải tổ. Khi nói tới lợi ích, không thể duy ý chí giống như việc kêu gọi các phong trào và tinh thần tự nguyện của các bên tham gia. Để thống nhất lợi ích, cần có cơ chế nối kết. Trong trường hợp của đội tuyển bóng đá, đó là cơ chế thưởng nhiều dựa trên thành tích đạt được của cả đội, xử phạt nghiêm mọi biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, hoặc bán độ. Quan trọng không kém nữa là tạo hành lang an toàn, bí mật, và có lợi để các cầu thủ khi phát hiện đồng đội có vi phạm có thể báo cáo lên lãnh đạo đội tuyển để xử phạt.
Một trong những điểm có thể nói là thành công của Thống đốc Nguyễn Văn Bình là giữ lãi suất tiền gửi ở đúng mức trần 14%. Trước ông, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nhiều lần muốn thực hiện việc này nhưng không làm được. Hai trong những bí quyết quan trọng của Thống đốc là quyết định xử phạt thật nặng tất cả các vi phạm và tạo đường dây nóng để bất kỳ ai khi phát hiện vi phạm lãi suất tiền gửi có thể ngay lập tức phản ánh lên NHNN. Thậm chí, NHNN còn khuyến khích và bảo vệ các ngân hàng dám đứng ra “tố” ngân hàng bạn vi phạm. Thống đốc đã thành công trong việc tạo một cơ chế trong đó lợi ích của các ngân hàng thương mại gắn chặt với mục tiêu của chính sách: các ngân hàng thương mại tuân thủ quy định 14% chắc chắn không muốn các ngân hàng khác cạnh tranh bằng cách huy động trên 14%, vì thế, việc “tố” các hành vi vi phạm này là lợi ích của họ, và lợi ích này trùng khớp với lợi ích của chính sách mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra.
Bài toán thống nhất lợi ích sẽ là bài toán xuất hiện trong tất cả các mục tiêu cải tổ của chính phủ, từ việc cắt giảm đầu tư công, cải cách doanh nghiệp nhà nước, đến câu chuyện xếp sắp lại hệ thống ngân hàng. Với bất kỳ mục tiêu gì, sẽ có các nhóm lợi ích tìm cách ngăn cản không cho nó thành công. Trong trường hợp đầu tư công, nó là vấn đề lợi ích của ngành, lợi ích của địa phương, thậm chí là của các nhóm cá nhân hưởng lợi từ các dự án của nhà nước. Trong trường sắp xếp lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước, đó là sự mâu thuẫn giữa lợi ích của các bộ ngành chủ quản, của các bộ máy lãnh đạo doanh nghiệp này, thậm chí là của các cá nhân có trách nhiệm dẫn tới những sai lầm, thất thoát, thua lỗ của các doanh nghiệp này trong quá khứ. Trong trường hợp của hệ thống ngân hàng, đó là lợi ích của các ông trùm quyền lực đứng đằng sau các ngân hàng này và các doanh nghiệp mà sự sống chết của họ gắn liền với sự thành bại của các ngân hàng có chức năng bơm máu.
Và như vậy, sau khi các cơ quan lãnh đạo đã quyết định về các mục tiêu cải tổ nền kinh tế, hai vấn đề tiếp theo và quan trọng không kém là có những kế hoạch triển khai thông minh và tạo ra các cơ chế để đảm bảo sự thống nhất giữa lợi ích của các bên chịu tác động từ các chương trình cải tổ. Không có sự thống nhất này thì các nỗ lực và mục tiêu vênh nhau chắc chắn sẽ làm cho chương trình cải tổ bị
“lệch đường ray”.
* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.