Đường dẫn truy cập

Biểu tình không cần giấy phép


Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội ngày 7/8/2011
Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội ngày 7/8/2011

Ngày 25 tháng 11 vừa qua, Quốc Hội đã đưa Dự án Luật biểu tình vào chương trình chuẩn bị để thể chế hóa điều 69 của Hiến pháp năm 1992. Quyết định này được đưa ra sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công khai ủng hộ việc xây dựng luật này. Quyết định này đi ngược lại với một số tiếng nói phản đối trong Quốc Hội – mà tiêu biểu của nhóm là ông Hoàng Hữu Phước.

Trước đó, ông Phước đã cho rằng “điều nhất thiết phải khẳng định ở đây là ngay từ khởi thủy và cho tới tận ngày nay biểu tình là để chống lại Chính phủ nước mình hoặc chống lại một chủ trương của Chính phủ nước mình”. Vì thế, ông Phước không ủng hộ quyền này. Ông lý luận “Liệu cái gọi là quyền biểu tình ấy có lớn hơn quyền được kiếm sống của người dân, quyền được ra đời của con cái người dân, quyền được sử dụng công lộ của người dân, quyền được mưu cầu hạnh phúc của người dân?”

Ông Phước cũng cho rằng dân trí ở Việt Nam chưa đủ để có những cuộc biểu tình văn minh. Ông nói: “có ý nói rằng ở nước ngoài người ta biểu tình đàng hoàng nên ở Việt Nam cũng sẽ làm được. Ở Việt Nam hiện nay đã 100% đội mũ bảo hiểm khi đi bằng xe máy chưa, có chấm dứt chen lấn ở nơi công cộng chưa, có tham gia giao thông đúng luật chưa… Cuộc biểu tình chiếm phố Wall suốt 2 tháng nay tại NewYork và hơn 20 thành phố lớn ở Mỹ vừa bị cảnh sát ra tay dẹp do tình trạng bẩn thỉu, mất vệ sinh, ẩu đả, trộm cắp và hiếp dâm xảy ra tại các nơi biểu tình làm ô danh nước Mỹ. Việt Nam chưa phải là siêu cường kinh tế để có thể đài thọ cho một sự ô danh!”

Sai lầm lớn nhất trong phát biểu – giờ đã thành tai tiếng – của ông Phước là ông cho rằng Luật Biểu Tình mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất đưa vào chương trình chuẩn bị của Quốc Hội là để công nhận quyền được biểu tình của người dân.

Trên thực tế thì không có Luật Biểu Tình người dân đã có quyền này. Nó được ghi nhận trong Hiến Pháp 1992 của Việt Nam. Điều 69, Chương V của Hiến Pháp hiện hành quy định “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.” Luật Biểu Tình – nếu có – chỉ là nhằm đưa ra một cơ chế minh bạch hơn để người dân thực hiện quyền biểu tình của mình, và cũng để Nhà nước tiện quản lý các hoạt động biểu tình của công chúng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong phần trả lời Quốc Hội tuần vừa qua cũng khẳng định lại điều này. Ông cho rằng: “Thứ nhất là thực hiện theo Hiến pháp, với quy định công dân dược biểu tình theo pháp luật, ta chưa có luật thì nên xây dựng luật. Thứ hai, thực tế có nhiều cuộc tụ tập của đồng bào để bày tỏ ý kiến nguyện vọng với chính quyền, nhưng chúng ta chưa có luật để quản lý vấn đề này, nên khó cho dân và khó cho cả chính quyền, nảy sinh lúng túng trong quản lý, và từ đó xuất hiện biểu hiện lợi dụng kích động xuyên tạc gây phương hại cho xã hội.”

Hiện nay, do không có Luật Biểu Tình, việc quản lý các hoạt động biểu tình (như chuỗi sự kiện biểu tình phản đối chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông trong mùa hè 2011 vừa qua) của Nhà nước tỏ ra rất lúng túng, và phải dựa vào Nghị định 38/2005/CP ngày 18-3-2005 của Chính phủ về việc quy định một số biện pháp bảo vệ trật tự công cộng. Tuy nhiên, Nghị định này không được chuẩn bị để quản lý các hoạt động biểu tình, vì thế, việc áp dụng nó để quản lý biểu tình cũng vừa khó khăn vừa dễ rơi vào tình trạng tùy tiện.

Vì thế, Nhà nước cần Luật Biểu Tình để quản lý hoạt động biểu tình, hướng hoạt động biểu tình sao cho vừa có ích cho đất nước, vừa đảm bảo được quyền của công dân. Người muốn tham gia biểu tình cũng cần Luật Biểu Tình để thực hiện quyền công dân của mình, có căn cứ pháp luật để đấu tranh, và tránh tình trạng bị xử lý tùy tiện, không đúng pháp luật.

Vấn đề tiếp theo là Luật Biểu Tình sẽ bao gồm những điều khoản, quy định gì và chế tài gì? Hiện nay Thủ tướng đang giao Bộ Công An chuẩn bị các nội dung này.

Dù như thế nào, có lẽ một trong những điều khoản quan trọng nhất của Luật Biểu Tình là đưa ra các trường hợp theo đó người dân có quyền biểu tình mà không cần phải xin cấp phép. Vì biểu tình là quyền pháp định của người dân, sẽ rất mâu thuẫn nếu mỗi lần người dân thực hiện quyền này lại phải đi xin phép các cơ quan chính quyền.

Trừ các trường hợp rất đặc biệt, thí dụ biểu tình quá đông người, có khả năng gây tắc nghẽn giao thông hoặc hoạt động kinh doanh hay sinh hoạt bình thường của người dân trong một địa bàn nào đó, hoặc ở các địa bàn nhạy cảm như trước cửa tòa nhà quốc hội hoặc các cơ quan đầu não của nhà nước… người dân phải được thực hiện quyền biểu tình của mình một cách tự do không cần xin phép.

Nếu mất đi yếu tố này, thì quyền biểu tình sẽ không thực sự là quyền biểu tình theo đúng nghĩa. Mà trở thành quyền được xin Nhà nước cho biểu tình (nhưng không nhất thiết được Nhà nước cho) của người dân.

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG