Hoa Kỳ đang theo dõi chặt chẽ sự hợp tác ngày càng tăng giữa Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực và một số hoạt động hợp tác quân sự gần đây của họ trong khu vực này đã gửi đi “tín hiệu đáng lo ngại”, đại sứ Hoa Kỳ về Bắc Cực nói.
Nga và Trung Quốc đã tăng cường hợp tác quân sự ở Bắc Cực trong khi làm sâu sắc thêm mối quan hệ chung trong những năm gần đây, bao gồm cả việc Trung Quốc cung cấp cho Moscow các mặt hàng sử dụng kép bất chấp các chế tài của phương Tây đối với Nga về cuộc chiến ở Ukraine.
Nga và Hoa Kỳ nằm trong số tám quốc gia có lãnh thổ ở Bắc Cực giàu tài nguyên. Trung Quốc tự gọi mình là một quốc gia “gần Bắc Cực” và muốn tạo ra “Con đường tơ lụa Bắc Cực” ở Bắc Cực, một tuyến đường vận chuyển mới khi lớp băng ở Bắc Cực tan dần do nhiệt độ tăng cao.
Ông Michael Sfraga, đại sứ lưu động đầu tiên của Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề Bắc Cực, nói “tần suất và tính phức tạp” của hợp tác quân sự gần đây giữa Moscow và Bắc Kinh trong khu vực đã gửi đi “tín hiệu đáng lo ngại”.
“Chuyện họ đang hợp tác với nhau ở Bắc Cực đã thu hút sự chú ý của chúng tôi”, ông Sfraga, người đã tuyên thệ nhậm chức vào tháng trước, nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ Alaska. “Chúng tôi đang cảnh giác và chú ý nhiều về vấn đề này. Chúng tôi đang theo dõi rất chặt chẽ sự phát triển hoạt động của họ”.
“Điều này làm tăng sự theo dõi của chúng tôi, theo nghĩa đen và nghĩa bóng”, ông nói thêm.
Ông Sfraga đã trích dẫn một hoạt động chung của máy bay ném bom Nga và Trung Quốc ngoài khơi bờ biển Alaska vào tháng 7 và các tàu tuần duyên Trung Quốc và Nga cùng nhau đi qua Eo biển Bering vào tháng 10.
Ông cho biết những hoạt động này đã được tiến hành ở vùng biển quốc tế, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhưng thực tế là máy bay ném bom bay ngoài khơi bờ biển Alaska đã làm dấy lên mối lo ngại về an ninh của Hoa Kỳ.
“Chúng ta cần phải nghĩ về an ninh, tăng cường liên minh của chính mình, phòng thủ chung của chính mình”, ông Sfraga nói. “Alaska, Bắc Cực Bắc Mỹ, là sườn phía tây của NATO và vì vậy chúng ta cần phải nghĩ về Bắc Cực theo cách đó”.
Hoạt động này cũng là mối quan ngại đối với các đồng minh của Hoa Kỳ vì Eo biển Bering và Biển Bering cho phép tiếp cận Bắc Thái Bình Dương và Nam Thái Bình Dương, ông nói.
Ngũ Giác Đài cho biết trong một báo cáo được công bố vào tháng 7 rằng sự liên kết ngày càng tăng giữa Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực là “một mối quan ngại”.
Trung Quốc và Nga đang cố gắng phát triển các tuyến vận chuyển Bắc Cực khi Moscow tìm cách cung cấp nhiều dầu và khí đốt hơn cho Trung Quốc trong bối cảnh các chế tài của phương Tây. Bắc Kinh đang tìm kiếm một tuyến vận chuyển thay thế để giảm sự phụ thuộc vào Eo biển Malacca.
Bắc Cực cũng có nhiên liệu hóa thạch và khoáng sản bên dưới đất liền và dưới đáy biển vốn có thể trở nên dễ tiếp cận hơn do tình trạng tăng nhiệt toàn cầu.
Diễn đàn