Những người biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông làm ngơ trước yêu cầu của cảnh sát đòi họ rời khỏi khu trung tâm tài chánh, trong lúc cuộc phản kháng của sinh viên bước sang tuần lễ thứ nhì. Số người tham gia biểu tình dự kiến sẽ tăng mạnh trong vài ngày sắp tới giữa lúc dân chúng Trung Quốc nghỉ lễ nhân ngày Quốc Khánh thứ 65. Mời quí thính giả theo dõi thêm chi tiết qua bài tường thuật của thông tín viên VOA Zlatica Hoke.
Hàng vạn người biểu tình ngăn chận những con đường chính ở Hồng Kông sáng sớm hôm nay để đòi chính quyền thực hiện phổ thông đầu phiếu trong cuộc bầu cử trưởng quan hành chánh vào năm 2017. Những người biểu tình, đa số là sinh viên, cũng đòi nhà lãnh đạo Hồng Kông Lương Chấn Anh từ chức sau khi Trung Quốc loan báo hồi cuối tháng 8 là chỉ có những người trung thành với Bắc Kinh mới có thể ứng cử cho chức vụ trưởng quan hành chánh Hồng Kông.
Một sinh viên tên Marco cho biết như về đòi hỏi của người biểu tình.
"Chúng tôi có một thông điệp đơn giản: đó là chúng tôi chỉ muốn dân chủ và một cuộc bầu cử công bằng để chọn trưởng quan hành chánh Hồng Kông. Chỉ đơn giản như vậy, chứ không có thứ gì khác."
Cảnh sát cho biết họ đã bắn 87 quả lựu đạn cay hôm chủ nhật trong hành động mà họ gọi là sự ứng phó có kiềm chế đối với việc những người biểu tình tìm cách xông qua các rào cản an ninh. Sau đó, những người biểu tình đã dùng mặt nạ bảo hộ, kính che mắt và dù để chống đỡ với việc bị xịt hơi cay và lựu đạn cay.
Bà Robyn Mak, phóng viên của hãng thông tấn Reuters, cho biết số người biểu tình dự kiến sẽ tăng mạnh trong những ngày lễ.
"Thứ tư và thứ năm đều là ngày lễ ở Hồng Kông, và có lẽ là vì phản ứng của cảnh sát, cho nên sẽ có rất nhiều người tham gia cuộc biểu tình phản kháng này."
Đây là vụ rối loạn tệ hại nhất ở Hồng Kông kể từ khi cựu thuộc địa Anh này được giao hoàn cho Trung Quốc vào năm 1997.
Các nhà lãnh đạo Cộng Sản e rằng đòi hỏi dân chủ ở Hồng Kông có thể lan tới Hoa Lục và họ đã tuyên bố cuộc phản kháng này là bất hợp pháp. Một số người e rằng Bắc Kinh có thể sử dụng sức mạnh thái quá để chống lại các sinh viên như họ đã làm cách nay 25 năm tại Quảng trường Thiên an môn ở Bắc Kinh. Hàng trăm người biểu tình bị giết, hàng ngàn người bị thương và nhiều người bị bỏ tù. Giới hữu trách nói rằng điều này sẽ không xảy ra. Phó Giám đốc cảnh sát Hồng Kông Trương Đắc Cường phát biểu như sau.
"Chúng tôi có những luật lệ, qui định nghiêm khắc về việc sử dụng sức mạnh. Cho nên tất cả đều tùy thuộc vào tình hình. Đó chính là lý do tại sao chúng tôi yêu cầu công chúng, những người tham gia một sự kiện có liên hệ tới trật tự công cộng, không được vượt qua rào cản của cảnh sát. Cảnh sát sẽ đánh giá tình hình và sẽ xác định mức độ nào là thích đáng."
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng tình hình có thể trở nên tệ hại hơn. Ông David Zweig, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc của Đại học Hồng Kông, cho biết các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh và Hồng Kông có thể quyết định hủy bỏ những lễ hội mừng quốc khánh. Ông cho biết thêm như sau.
"Tôi e rằng tối nay hoặc tối mai sẽ xảy ra một vụ đụng độ, và có thể có một nỗ lực lớn để xua đuổi sinh viên ra khỏi đường phố và khu Trung Hoàn ở trung tâm thành phố. Và điều đó có thể gây ra bạo động. Tôi rất lo ngại về việc đó."
Những diễn tiến ở Hồng Kông đang được theo dõi sát ở Đài Loan, một đảo quốc tự trị mà Trung Quốc nói là một tỉnh bất phục tòng. Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu đã lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh lắng nghe tiếng nói của dân chúng Hồng Kông.
"Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc Đại Lục lắng nghe những đòi hỏi của dân chúng Hồng Kông và xử lý tình hình này với một thái độ ôn hòa và thận trọng."
Tại Washington, Tòa Bạch Ốc bày tỏ ủng hộ cho nguyện vọng của người dân Hồng Kông và quyền tự trị cao độ của vùng lãnh thổ này.