Những người biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông hôm nay tiếp tục xuống đường chống lại Trung Quốc, bất chấp những lời yêu cầu đòi họ giải tán. Hàng ngàn người đã chiếm những con đường vốn rất tấp nập của trung tâm tài chánh Á Châu và chính phủ Trung Quốc lên tiếng cảnh báo về sự can dự của nước ngoài. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Bill Ide của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.
Giới hữu trách Hồng Kông đã có hành động phô trương sức mạnh hiếm có trong ngày chủ nhật và tảng sáng thứ hai trong lúc họ tìm cách giải tán những người biểu tình đòi dân chủ. Hình ảnh chiếu trực tiếp trên internet cho thấy những cảnh tượng hỗn loạn và những vụ xô xát với khói bốc bên từ những quả lựu đạn cay.
Tuy nhiên, sáng nay cảnh sát chống bạo động đã rút lui và tình hình tạm lắng dịu.
Chính phủ Hồng Kông không ngớt hối thúc người biểu tình rút lui trong hòa bình, nhưng cuộc biểu tình chống lại quyết định mới đây của Bắc Kinh về cải cách bầu cử không có dấu hiệu xuống thang.
Chiến dịch “Occupy Central” hay “Chiếm Trung”, tên tắt của “Chiếm cứ khu Trung Hoàn”, đang là một đề tài được nói tới nhiều nhất trên trang mạng xã hội Twitter. Một bức hình cho thấy những người biểu tình ngồi lỳ chia nhau những món quà vặt và những người khác cầm những cành hoa như một biểu tượng của hòa bình.
Một số người bình luận trên internet bắt đầu gọi phong trào dân chủ này là “Cuộc Cách mạng Dù” vì nhiều người biểu tình đã dùng dù để che chắn khi cảnh sát dùng bình xịt hơi cay để xịt vào họ.
Hiện chưa rõ người biểu tình có thể ở lại bao lâu tại khu trung tâm thành phố và cảnh sát có tìm cách gia tăng áp lực hay không. Nhưng trong lúc cuộc biểu tình tiếp diễn, nhiều người Hồng Kông đã ra sức giúp đỡ cho những người tham gia cuộc biểu tình ngồi lỳ.
"Những người biểu tình đói bụng đã vỗ tay hoan hô khi thức ăn được mang tới cho họ và hình ảnh trên mạng cho thấy cư dân quyên tặng rất nhiều nước uống cho người biểu tình."
Cô Milky, một nhân viên văn phòng, đã mang các phẩm vật đến cho những người biểu tình để bày tỏ sự ủng hộ. Cô nói rằng nỗ lực này là tự phát chứ không có ai đứng ra tổ chức.
"Họ phổ biến tin tức trên Facebook, Twitter và nhiều trang mạng xã hội khác để cho những người ở nhà và những nơi khác biết họ cần những gì. Cho nên chúng tôi biết họ cần gì và chúng tôi sẽ mua những thứ đó rồi mang tới đây. Một số người không thể đích thân tới biểu tình ngồi lỳ cho nên trước khi tới sở họ mua các vật dụng rồi mang tới đây. Tôi có một người bạn đã mua những thiết bị bảo vệ mắt để phát cho những người biểu tình ở khu Admiralty."
Một số người đã dùng ống plastic và gỗ để dựng những căn lều tạm, trong lúc người biểu tình chuẩn bị cho một cuộc tranh đấu dài ngày nhằm ngăn chận các ngã tư chính của thành phố.
Anh Jay là một sinh viên ngành điện toán của Đại học Hồng Kông. Anh nói rằng cha mẹ anh không tán thành việc xuống đường biểu tình nhưng anh cảm thấy có bổn phận phải tới đây.
"Tôi mong trưởng quan hành chánh của chúng tôi tới đây để nói chuyện. Là một nhà lãnh đạo chính trị, ông ấy phải đứng lên và không nên cảm thấy sợ hãi đối với chúng tôi. Chúng tôi đóng thuế để trả lương cho họ nên họ phải lắng nghe tiếng nói của chúng tôi và làm việc cho chúng tôi. Nhưng ông ấy không nghe chúng tôi. Ông ấy chỉ nghe lời chính phủ trung ương."
Hôm nay, Trung Quốc đã lên tiếng ủng hộ chính quyền Hồng Kông và bày tỏ sự tin tưởng về khả năng xử lý tình hình của chính quyền của đặc khu hành chánh này. Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh nói rằng Trung Quốc cương quyết chống đối những hành động bất hợp pháp, đe dọa tới nền pháp trị và ổn định xã hội. Bà cũng cảnh báo chống lại những chính phủ nước ngoài ủng hộ cuộc biểu tình.
"Hồng Kông thuộc về Trung Quốc và công việc ở Hồng Kông là một vấn đề nội bộ. Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ mưu toan nào của các chính phủ nước ngoài nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc hay hỗ trợ cho những hoạt động bất hợp pháp của phong trào Chiếm Trung."
Trong một thông cáo phổ biến hôm nay, Lãnh sự quán Mỹ ở Hồng Kông cho biết họ ủng hộ những truyền thống lâu đời của Hồng Kông và các quyền tự do cơ bản, như tự do hội họp và tự do diễn đạt. Thông cáo nói rằng Washington không ngả về bên nào trong cuộc thảo luận về sự phát triển chính trị của Hồng Kông và không ủng hộ cá nhân hay tổ chức nào liên hệ tới vấn đề này. Thông cáo cũng kêu gọi tất cả các bên né tránh những hành động có thể làm cho căng thẳng leo thang thêm nữa.
Vụ xuống đường biểu tình chống Bắc Kinh hiện nay ở Hồng Kông đã được một số người so sánh với cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên an môn năm 1989. Cuộc biểu tình rầm rộ đó đã bị Trung Quốc dùng binh lính và xe tăng đàn áp một cách thô bạo.
Chính phủ Hồng Kông cho biết họ sẽ không yêu cầu binh sĩ của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đang trú đóng ở thành phố này ứng phó với những cuộc biểu tình.
Một số người lo ngại là nếu tình hình hiện nay tiếp diễn một sự ứng phó tương tự như vụ Thiên An Môn sẽ được sử dụng.
Vào lúc này, Bắc Kinh đang để cho giới hữu trách Hồng Kông xử lý tình hình. Nhưng một học giả ở Trung Quốc đã gợi ý trên truyền thông nhà nước là Bắc Kinh có thể phái cảnh sát vũ trang tới Hồng Kông nếu giới hữu trách thành phố này không thể kiểm soát các cuộc biểu tình.
Khi được hỏi về mối lo ngại này, anh sinh viên tên Jay nói rằng anh không hề sợ hãi.
"Tôi không nghĩ như vậy vì bây giờ truyền thông ở Hồng Kông vẫn được tự do. Hồng Kông vẫn có tự do thông tin. Ngoài ra, vì thế giới đã toàn cầu hóa nên tôi nghĩ rằng nếu chính phủ Hồng Kông hay chính phủ trung ương ở Bắc Kinh làm những việc như thế thì Hoa Kỳ và Anh Quốc sẽ ra tay giúp đỡ chúng tôi."
Các cuộc biểu tình ở Hồng Kông diễn ra trong lúc Trung Quốc chuẩn bị mừng lễ quốc khánh vào thứ tư tới đây. Tuy nhiên giới hữu trách Hồng Kông hôm nay loan báo hủy bỏ những cuộc bắn pháo bông vì các lý do về giao thông và an toàn công cộng.