Bắc Triều Tiên mới đây đã trả tự do cho hai công dân Mỹ, làm nhiều người nêu lên thắc mắc là điều gì đã khiến Bình Nhưỡng có cử chỉ hòa dịu với Washington. Theo tường thuật của thông tín viên Brian Padden của đài VOA ở Seoul, các nhà phân tích cho rằng hành động bất ngờ đó có phần chắc là nhắm tới việc ngăn chận một nỗ lực do Hoa Kỳ ủng hộ để đưa các quan chức cấp cao của Bắc Triều Tiên ra xét xử trước Tòa án Hình sự Quốc tế về tội chà đạp nhân quyền.
Các giới chức chính phủ Mỹ cho biết Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ James Clapper đã không đưa ra sự nhượng bộ nào khi ông gặp các giới chức Bắc Triều Tiên để thương lượng về việc trả tự do cho ông Kenneth Bae và ông Matthew Miller. Hai công dân Mỹ này đã bị tuyên những án tù khổ sai nhiều năm vì điều mà Bắc Triều Tiên mô tả là “những hành vi thù địch” chống lại chế độ Bình Nhưỡng.
Sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki đã tái khẳng định là lập trường của Mỹ đối với Bắc Triều Tiên vẫn không thay đổi. Bà nói rằng Washington vẫn hoàn toàn ủng hộ một nghị quyết của Liên hiệp quốc để đưa các giới chức Bắc Triều Tiên ra xét xử trước Tòa án Hình sự Quốc tế về tội chà đạp nhân quyền.
"Không hề có thay đổi nào trong những mối quan tâm của chúng tôi về hồ sơ nhân quyền của Bắc Triều Tiên – một hồ sơ nhân quyền vô cùng tệ hại. Không hề có thay đổi nào trong những mối quan tâm của chúng tôi về tham vọng hạt nhân và khả năng hạt nhân của họ."
Theo dự liệu, Liên hiệp quốc sẽ biểu quyết trong nay mai để truy tố các giới chức Bắc Triều Tiên về tội ác chống nhân loại. Một ủy ban độc lập của Liên hiệp quốc đã lập hồ sơ về những nhà tù chính trị ở Bắc Triều Tiên với hơn 100.000 tù nhân và về những hành vi tàn ác, trong đó có sát nhân, bắt làm nô lệ, tra tấn, hãm hiếp và cưỡng bách phá thai.
Giáo sư Yang Moo Jin của Đại học Nghiên cứu Bắc Triều Tiên ở Seoul cho rằng Bình Nhưỡng đã đặt việc chống lại nỗ lực này của Liên hiệp quốc làm ưu tiên hàng đầu và họ đã trả tự do cho hai công dân Mỹ với hy vọng là lập trường của Washington và các nước khác đối với vấn đề này sẽ trở nên mềm mỏng hơn.
Giáo sư Yang nói rằng điều mà Bắc Triều Tiên thật sự cần có vào lúc này là vấn đề nhân quyền chống lại Bắc Triều Tiên ở Liên hiệp quốc được giải quyết và phải làm mọi cách để ngăn không cho tên ông Kim Jong Un bị nhắc tới trong vấn đề này.
Bà Joanna Hosaniak, thuộc Liên minh Công dân cho Nhân quyền Bắc Triều Tiên, nói rằng việc phóng thích tù nhân người Mỹ và việc mời đặc sứ nhân quyền Liên hiệp quốc đến thăm Bắc Triều Tiên là một phần của chiến lược chủ động giao tiếp để chứng tỏ là chế độ Kim Jong Un đang cố gắng thay đổi.
Nhưng bà nói thêm rằng cho tới giờ thì những gì mà Bắc Triều Tiên thực hiện chỉ là những việc nhỏ nhặt và không đủ để chứng tỏ là chế độ áp bức này đang thay đổi.
"Nếu họ bắt đầu thả tù chính trị thì tôi sẽ cho rằng chúng ta nên thương lượng về việc đó để dành cho họ những sự bảo đảm, vì họ có thực hiện những nỗ lực thật sự. Chúng tôi không xem đây là một nỗ lực thật sự."
Trong lúc ủng hộ cho việc thương thuyết với Bắc Triều Tiên để thay đổi cách hành xử của nhà cầm quyền ở Bình Nhưỡng, các nhân vật tranh đấu cho nhân quyền cũng nói rằng cần phải buộc những người phạm các tội ác nhân quyền chịu trách nhiệm đối với các tội ác đã phạm.
Hoa Kỳ cho biết họ sẽ không giao tiếp với Bắc Triều Tiên cho tới khi nào Bình Nhưỡng có những hành động cụ thể để giải trừ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên Washington không đề ra điều kiện tương tự cho những tiến bộ về nhân quyền và bà Hosniak cho rằng đó là một việc đáng lo ngại.
"Có điều không may là vấn đề về hạt nhân đang che phủ vấn đề nhân quyền. Như thế là không nên, bởi vì chúng ta đã để cho Bắc Triều Tiên tiếp tục phạm những tội ác nhân quyền này trong một thời gian rất lâu mà hoàn toàn không bị trừng phạt."
Trước khi Liên hiệp quốc biểu quyết về việc đưa Bắc Triều Tiên ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế, đặc sứ Mỹ về nhân quyền Bắc Triều Tiên và nhà điều tra nhân quyền hàng đầu của Liên hiệp quốc đã đến Seoul trong tuần này. Họ đang họp với các giới chức chính phủ Nam Triều Tiên và một số người Bắc Triều Tiên đào tị đã khai chứng về điều kiện nhân quyền vô cùng tồi tệ ở Bắc Triều Tiên.