Đường dẫn truy cập

Cuộc đại chiến cá tra - cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng


Cuộc đại chiến cá tra - cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng
Cuộc đại chiến cá tra - cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng

Cuộc đại chiến cá tra, như đã được tôi mô tả trong bài viết trước trên VOA, là cuộc chiến giữa một bên là Tổ chức bảo tồn thiên nhiên WWF và một bên là các đại diện của các nhà sản xuất như VASEP – Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vietnam Association of Seafood Exporters and Producers), VINAFIS – Hiệp hội Nghề cá Việt Nam (Vietnam Fisheries Society), và ICAFIS – Trung tâm Điều phối Quốc tế về Nuôi trồng và Đánh bắt Bền vững (International Collaborating Centre for Aquaculture and Fisheries Sustainability).

Cuộc chiến này tưởng như đã kết thúc khi Việt Nam đã đạt được mục đích đưa cá tra ra khỏi danh sách màu đỏ của WWF. WWF, Blue you, và IDH đã cho các nhà sản xuất Việt Nam thấy ASC quan trọng như thế nào và đã thuyết phục được Việt Nam làm theo thông qua việc Việt Nam và WWF đã ký thoả thuận hợp tác phát triển cá tra bền vững. Theo chương trình 05 năm này, hai bên sẽ hợp tác để các sản phẩm cá tra của Việt Nam đạt tiêu chuẩn ASC của WWF và IDH.

Ấy thế nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng. Dù muốn dù không, cuộc chiến này có vẻ như còn nhiều hiệp phụ nữa.

Bán hay không bán chứng chỉ chất lượng?

Ngay sau khi WWF và Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác phát triển cá tra bền vững, báo chí Việt Nam đã lên án WWF là “tạo sự cố để bán chứng chỉ”. Báo Người Lao Động mỉa mai rằng “WWF chào báo ASC”, trong khi Báo Công Thương thì khuyến nghị Việt Nam “cần kiên định trước ép buộc ASC của WWF”

Báo Sài Gòn Giải Phóng cho rằng người nuôi cá tra ở Việt Nam đang bị “bội thực chứng chỉ” với hàng loạt các loại khác nhau do nhiều tổ chức khác nhau cấp. Chẳng hạn như các chứng chỉ: SGS là tiêu chuẩn của một hệ thống bán lẻ ở Mỹ, SQF 1000 và SQF 2000 cũng là một loại tiêu chuẩn bán lẻ, GAA (tiêu chuẩn của một tổ chức thủy sản toàn cầu tự đặt ra, đóng tại Mỹ), EroRep GAP (tiêu chuẩn hệ thống bán lẻ châu Âu) - sau đó cùng với GAA đã hợp lại thành bộ tiêu chuẩn Global GAP.

Báo này cũng dẫn lời ông Nguyễn Tử Cương, Ủy viên thường trực Hiệp hội Nghề cá Việt Nam, nguyên là Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN-PTNT), rằng mỗi năm doanh nghiệp nuôi cá cũng như thủy sản nói chung đang phải gánh chịu khoản phí chứng chỉ lên tới cả trăm triệu đồng. Trong đó, chẳng hạn như để đảm bảo được công nhận tiêu chí Global GAP, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải nộp 7.500 USD/năm cho mỗi vùng nuôi có diện tích 5 ha, và cứ mỗi năm lại phải để họ sang kiểm tra một lần; những năm sau chỉ giảm phí 10%. Càng có nhiều diện tích, mức phí càng tăng lũy tiến.

Trong khi đó, theo ông Cương, bộ tiêu chuẩn ASC của WWF chỉ mới ra đời vào ngày 30/10/2010 vừa qua. Theo báo này, có vẻ như WWF đã gây sự cố về chất lượng đối với cá tra Việt Nam là để tạo sức ép buộc Việt Nam phải mua chứng chỉ ASC nếu muốn xuất khẩu cá vào châu Âu.

Nói cho công bằng thì WWF không bán chứng chỉ ASC và cũng không thu được nguồn lợi tài chính nào từ việc ASC (Aquaculture Stewardship Council) cung cấp chứng chỉ cho người nuôi cá tra của Việt Nam. Rõ ràng là uy tín của WWF sẽ tốt hơn khi ASC (là tổ chức phi chính phủ do họ đồng sáng lập) phát triển tốt, nhưng nói như một số báo ở Việt Nam rằng WWF bán chứng chỉ là hoàn toàn không đúng.

Thêm vào đó, việc tồn tại nhiều loại chứng chỉ không có nghĩa là doanh nghiệp nuôi cá tra phải xin cấp tất cả các loại chứng chỉ này. Tùy theo thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp này mà họ có thể lựa chọn một hay một số loại chứng chỉ để xin cấp. Thêm nữa, ảnh hưởng của việc có các loại chứng chỉ này đến việc mở rộng thị trường xuất khẩu và tăng giá bán là việc quan trọng mà các báo này không nói đến. Vì thế các phân tích trên một số báo kể trên có vẻ như vừa phiến diện vừa thiển cận.

Bị ép hay không bị ép?

Trong khi đó, hồi đầu tháng 2 vừa rồi, trong một bài trả lời phỏng vấn của đài phát thanh Thụy Điển, Mark Powell, người đứng đầu của WWF về thủy sản và là người đại diện WWF đàm phán với chính phủ Việt Nam cuối năm 2010, đã cho biết nhà chức trách Việt Nam đã đến văn phòng của WWF ở Việt Nam và đe dọa tước giấy phép của văn phòng này. Ông Powell còn cho biết các cuộc đàm phán rất căng thẳng và thứ trưởng Việt Nam phụ trách nông nghiệp đã không ngần ngại đe dọa trực tiếp: “Ông thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ tay vào [mặt] tôi và nói ‘ông nên cẩn thận’”.

Đài phát thanh Thụy Điển cho rằng vì các áp lực này mà WWF đã phải nhượng bộ chính phủ Việt Nam.

Thực hư của câu chuyện do Mark Powell kể chưa được kiểm chứng. Thế nhưng theo nhiều nguồn tin khả tín, thì Mark Powell ít nhất đã nhầm lẫn vì ông chưa gặp bất kỳ thứ trưởng nào của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Câu chuyện về rút giấy phép cũng có vẻ như có vấn đề. Đại diện của WWF ở Việt Nam là bà Trần Minh Hiền khẳng định ngược lại với ICSF rằng bà và các cộng sự chưa bao giờ bị đe dọa như vậy.

Vậy là, có vẻ như cả phía Việt Nam và phía WWF đều khẳng định là mình bị ép. Việt Nam thì nói rằng WWF gây sức ép để bán chứng chỉ. Còn WWF thì nói rằng Việt Nam ép họ phải đưa cá tra khỏi danh sách đỏ. Cây muốn lặng nhưng gió chẳng ngừng. Cuộc chiến cá tra, vì thế, có vẻ sẽ còn lan rộng. Người chịu thiệt hại trực tiếp trong cuộc chiến này không ai khác là các hộ nông dân và các doanh nghiệp nuôi cá tra ở Việt Nam.

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG