Trong khi đó, trong bài viết “Chiến dịch của WWF chống lại cá tra đang mạnh dần” (“WWF campaign against pangasius gathers pace”), SeafoodSource cho biết: Quỹ bảo tồn Thiên nhiên có vẻ như đang theo đuổi một cuộc chiến chống lại ngành cá tra ở Việt Nam. Đầu tiên là việc tổ chức bảo tồn này đặt cá tra vào “danh sách đỏ” gồm các loại cá không nên ăn. Giờ đây, chuyên gia về cá của WWF là Catherine Zucco cùng với hai phóng viên của kênh truyền hình NDR của Đức là Michael Höft và Christian Jentzsch đang tích cực chuẩn bị hoàn thiện bộ phim lấy tên là “Lời dối trá mang tên Cá Tra” để trình chiếu trên kênh truyền hình này vào ngày 9 tháng 3, 2011.
Lời dối trá mang tên cá tra
Bộ phim này sẽ công bố kết quả điều tra của Catherine Zucco, Michael Höft và Christian Jentzsch về thị trường cá tra ở các siêu thị Đức và ở Việt Nam, nơi cung cấp tới 90% sản lượng cá tra tiêu thụ ở Đức. Theo SeafoodSource, Höft, Jentzsch và Zucco đã tìm thấy “rất nhiều tình trạng tệ hại”, bắt đầu với việc đổ các hóa chất độc hại từ các cơ sở nuôi cá tra xuống sông Mekong, tới việc sử dụng tràn lan các loại kháng sinh trong quá trình nuôi cá. Họ cũng thấy các cơ sở nuôi cá nơi mà “cá bị nhốt trong các lồng chật chội”, và trước khi bị đem giết mổ “cá phải chịu đựng đủ mọi thứ tra tấn bất nhân vì có tới 12 giờ chuyên chở đầy cực nhọc tới nhà máy chế biến”…
Theo ngôn ngữ mà SeafoodSource dẫn ra, có vẻ như bộ phim này sẽ là một đòn công kích mạnh vào ngành thủy sản Việt Nam. Có lẽ còn mạnh hơn việc WWF xếp cá tra vào “danh sách đỏ” hồi cuối năm vừa rồi. Thực hư thế nào thì phải chờ tới ngày 9 tháng 3 sắp tới khi phim này được trình chiếu trên truyền hình NDR.
Ngay cả SeafoodSource khi đưa tin này cũng bình luận: “Trên thực tế là chương trình này có vẻ rất cảm tính và được làm ra với mục đích rõ ràng là gây ảnh hưởng đối với người tiêu dùng cá tra. Các phóng viên khi tác nghiệp thường đưa ra một bức tranh cân bằng cả hai phía. Thế nhưng chương trình này sẽ hoàn toàn là cách nhìn của một bên”.
Việt Nam nên làm gì?
Cá tra là một ngành sản xuất hết sức quan trọng với giá trị xuất khẩu năm 2009 là 1.3 tỉ USD và năm 2010 là 1.5 tỉ USD. Nó cũng là ngành cung cấp công ăn việc làm cho rất nhiều lao động. Cuộc chiến cá tra, vì thế, là cuộc chiến có ý nghĩa hệ trọng đối với Việt Nam. Ngoài ý nghĩa trực tiếp, nó còn có ngụ ý quan trọng đối với các ngành xuất khẩu khác của đất nước liên quan đến các cuộc chiến thương mại sắp tới.
Việt Nam cần làm gì trong một cuộc chiến thương mại kiểu như cuộc chiến cá tra?
Đầu tiên là việc ý thức được các cuộc chiến như vậy là tất yếu trong một xã hội toàn cầu hóa hiện đại. Đây không phải là cuộc chiến chỉ dành riêng cho Việt Nam - nó là cuộc chiến mà mọi nền kinh tế mở đều phải tham gia. Hiểu được ý nghĩa tất yếu này thì sẽ giảm bớt những suy luận dựa trên thuyết âm mưu – tức là những suy nghĩ như kiểu cho rằng WWF hay bất kỳ tổ chức nào làm thế là vì họ muốn công kích Việt Nam.
Thứ hai là để chống lại các rào cản kỹ thuật thì phải dựa vào kỹ thuật chứ không phải dựa vào sức ép chính trị. Không thể sử dụng việc đe dọa các tổ chức như WWF để chống lại các rào cản kỹ thuật như hệ thống tiêu chuẩn về môi trường. Việc đe dọa có thể có tác dụng trong một số trường hợp hạn hẹp nào đó, nhưng rất dễ dẫn tới chuyện gậy ông đập lưng ông. Câu chuyện Mark Powell kể trên Đài tiếng nói Thụy Điển, nếu có thực, là một câu chuyện rất dễ gây phẫn nộ trong công chúng phương Tây, và vì thế có thể biến câu chuyện vốn không quá phức tạp thành một câu chuyện hết sức tiêu cực và tai hại cho Việt Nam.
Thứ ba là nhận ra được mặt tích cực trong việc tuân thủ các hệ thống tiêu chuẩn chất lượng. Về dài hạn, việc tuân thủ các tiêu chuẩn này thực ra rất có lợi cho sản phẩm của Việt Nam trên thị trường thế giới. Đồng ý là chi phí để tuân thủ chúng không hề rẻ, nhưng đổi lại, Việt Nam có thể tăng giá bán và mở rộng thị trường. Nếu không thực hiện được việc này, các sản phẩm của Việt Nam sẽ mãi mãi loanh quanh ở nhóm các sản phẩm rẻ, chất lượng thấp, thương hiệu không được ưa chuộng, và dần dần có thể bị đẩy ra khỏi cuộc chơi cạnh tranh.
Thứ tư là nên sử dụng các tổ chức tư vấn, các NGOs để chống lại các rào cản kỹ thuật. Trong cuộc chiến cá tra này Việt Nam đã sử dụng tốt các tổ chức tư vấn chuyên ngành như ICAFIS – Trung tâm Điều phối Quốc tế về Nuôi trồng và Đánh bắt Bền vững - để phản pháo lại WWF và dẫn tới chỗ WWF đã chấp nhận loại cá tra của Việt Nam ra khỏi “danh sách đỏ”. Việc này nên được vận dụng trong các cuộc chiến thương mại phức tạp hơn, thí dụ như các cuộc chiến về chống bán phá giá. Việc sử dụng tư vấn chuyên môn của các think tank bên ngoài là việc làm tốn kém nhưng là việc hết sức cần thiết, và là việc mà các chính phủ ở các nền kinh tế phát triển đều thực hiện trong các cuộc chiến thương mại.
Thứ năm là chiến lược truyền thông nên có kiềm chế. Báo chí ở Việt Nam thường được sử dụng trong việc định hướng dư luận trong nước khi nổ ra các cuộc chiến thương mại như cuộc chiến cá tra. Tuy nhiên, khả năng phân tích, đặc biệt là phân tích sâu, để nhận biết bản chất vấn đề của báo chí nói chung chưa cao. Vì vậy các bài viết thường nghiêng về cảm tính và thiếu tự chế. Điều này nhiều khi có tác dụng rất tệ hại và - cũng giống như việc sử dụng sức ép chính trị - rất dễ dẫn tới việc gậy ông đập lưng ông.
* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.