Gần một tháng sau khi các thành viên ở Đức, Áo, Thụy Sĩ, Bỉ, Na Uy và Đan Mạch kêu gọi giới tiêu thụ tránh mua loại cá tra của Việt Nam với nhiều lý do như môi trường nuôi, và việc sử dụng thức ăn, hóa chất và thuốc thú y trong nuôi cá có “vấn đề”, Quĩ Bảo tồn Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) đã rút lại lời kêu gọi này.
Theo nhận định trên tờ The Financial Times thì việc tổ chức bảo vệ môi trường này bỏ tên cá tra của Việt Nam ra khỏi danh sách “đỏ” là do sự vận động từ phía chính phủ cũng như ngành công nghiệp hải sản của Việt Nam.
Cá tra là một mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam với kim ngạch đạt 1,5 tỷ đôla trong năm nay. Vì vậy chính phủ Việt Nam cho rằng việc tổ chức WWF kêu gọi giới tiêu thụ không mua cá tra sẽ “ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của người nuôi thủy sản của Việt Nam cũng như giới tiêu thụ ở Châu Âu.
Tuần trước, chính phủ đã chỉ trích WWF rằng việc tổ chức này nói rằng sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp cá tra của Việt Nam đang làm tổn hại đến môi trường và nguy hại đến tình hình an ninh lương thực là “không khách quan, không có chứng cứ khoa học và không chính xác”.
Tuy nhiên, sau cuộc gặp với các giới chức chính phủ và đại diện ngành công nghiệp thủy hải sản của Việt Nam ở Hà Nội hôm thứ Tư, WWF đã đảo ngược quyết định trước đó và khuyến khích giới tiêu thụ ủng hộ ngành công nghiệp này.
Ông Mark Powell, điều phối viên toàn cầu về hải sản của WWF, nói rằng tổ chức này vẫn bảo vệ đánh giá của họ đối với những vấn đề của ngành công nghiệp này như thiếu qui định phù hợp, hủy họa môi trường sống thiên nhiên và nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh.
Tuy nhiên, ông nói rằng WWF đã thay đổi quan điểm của họ về cách thức khuyến khích việc nuôi cá tra một cách bền vững ở Việt Nam và hiện giờ họ muốn cùng hợp tác với nông dân Việt Nam cũng như giới tiêu thụ để đảm bảo rằng ngành công nghiệp này có thể đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế trong tương lai.
Trong tuần qua, báo chí Việt Nam đã đăng tải một loạt các bài báo trên trang nhất chỉ trích WWF và kêu gọi tổ chức này xin lỗi vì những thiệt hại họ đã gây ra cho nền kinh tế Việt Nam.
Một nhân viên của WWF ở Việt Nam nói rằng đây là một “thời điểm nhạy cảm” đối với tổ chức của họ.
Tuy nhiên, ông Powell bác bỏ ý kiến cho rằng việc thay đổi quyết định bất ngờ của họ là do áp lực chính trị.
Nguồn: Financial Times, SGGP
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1