Đường dẫn truy cập

CPJ: Năm 2024 Việt Nam giam cầm 16 nhà báo, xếp thứ 7 trên thế giới


Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến và Nguyễn Vũ Bình.
Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến và Nguyễn Vũ Bình.

Chính quyền Việt Nam tiếp tục bị xem là một trong các nhà nước độc tài giam cầm nhiều nhà báo nhất trong năm 2024, với 16 nhà báo bị bỏ tù, đứng thứ 7 trên thế giới, theo thống kê mới nhất của Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ).

“Việt Nam giam giữ 16 nhà báo, đồng mức với Iran và Eritrea, là quốc gia giam cầm nhà báo thứ bảy trong năm qua”, CPJ cho biết trong thông báo ngày 16/1.

“Trong số ba tù nhân mới của Việt Nam trong năm 2024, hai người là ông Nguyễn Vũ Bình và Nguyễn Chí Tuyến – lần lượt bị kết án bảy và năm năm tù vì tội tuyên truyền chống nhà nước. Người thứ ba, ông Trương Huy San, đang bị tạm giam chờ xét xử sau khi viết bài bình luận chỉ trích hai nhà lãnh đạo hàng đầu của đất nước – người đứng đầu Đảng Cộng sản cầm quyền lúc bấy giờ là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Tô Lâm”, thông cáo đưa ra đánh giá.

Theo thống kê mới nhất của CPJ, Châu Á vẫn là khu vực có số lượng nhà báo bị bỏ tù cao nhất trong năm 2024, chiếm hơn 30%, với 111 người, trong tổng số 361 nhà báo bị bỏ tù trên thế giới, tính đến ngày 1/12/2024. Dẫn đầu trong danh sách này là Trung Quốc (50 người), Myanmar (35) và Việt Nam (16).

Con số 361 nhà báo bị giam cầm trong năm 2024 chỉ sau mức cao kỷ lục năm 2022 với 370 nhà báo bị bỏ tù vì công việc của họ. Nguyên nhân chính dẫn đến việc nhà báo bị bỏ tù trong năm 2024 là sự đàn áp độc tài đang diễn ra, chiến tranh và bất ổn chính trị hoặc kinh tế, theo CPJ, tổ chức có trụ sở ở New York, Mỹ.

“Những con số này sẽ là lời cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta. Sự gia tăng các cuộc tấn công nhằm vào các nhà báo hầu như luôn đi trước sự gia tăng các cuộc tấn công vào các quyền tự do khác – quyền tự do cung cấp và nhận thông tin, quyền tự do hội họp và đi lại tự do, quyền tự do biểu tình”, bà Jodie Ginsberg, giám đốc điều hành CPJ, cho biết trong thông cáo.

“Những nhà báo này đang bị bắt và bị trừng phạt vì vạch trần tham nhũng chính trị, suy thoái môi trường, sai phạm tài chính – tất cả những vấn đề quan trọng đối với cuộc sống hàng ngày của chúng ta”, bà Ginsberg nhấn mạnh.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ đưa ra bình luận về thống kê và phát biểu trên của CPJ, nhưng chưa được trả lời.

Trong khi chính quyền Việt Nam bác bỏ các cáo buộc cho rằng họ vi phạm quyền tự do báo chí, cho rằng những thông tin và dữ liệu của các tổ chức nhân quyền quốc tế, trong đó có CPJ, là “thiếu khách quan” và “không đúng sự thật”, giới hoạt động cho rằng việc bỏ tù các nhà báo trong nước là “vi phạm” các công ước quốc tế mà Hà Nội đã ký kết.

“Hiện tại ở Việt Nam bất kỳ một ai dù có ba livestream thôi hoặc ba bài viết phản biện thôi thì đều có thể bị bắt giam”, nhà hoạt động, blogger Đặng Thị Huệ chia sẻ với VOA. “Mức độ vi phạm nhân quyền cực kỳ lớn đối với những người bất đồng chính kiến, chính quyền càng ngày càng tàn bạo và mạnh tay hơn”.

Tương tự, bà Anh Thu Võ, trưởng phòng nghiên cứu và vận động chính sách của Trung tâm Tự do Sáng tác PEN/Barbey thuộc Văn Bút Hoa Kỳ (PEN America), chia sẻ quan điểm với VOA rằng quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam bị đàn áp mạnh mẽ trong năm qua, nơi có 19 nhà báo/ký giả bị bỏ tù.

“Việt Nam bị xếp hạng là quốc gia tồi tệ thứ ba trên thế giới về việc giam giữ các nhà văn/ký giả, chỉ sau Trung Quốc và Iran, với 19 nhà văn/ký giả đang bị giam giữ và con số này có khả năng sẽ tăng lên”, bà Anh Thu nói.

“Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã chứng kiến nhiều nhà văn/ký giả bị bắt, bỏ tù vì những phát biểu ôn hòa của họ. Sự gia tăng phản ảnh sự đàn áp liên tục của chính quyền đối với bất đồng chính kiến… theo các điều luật ‘chống nhà nước’ rất mơ hồ”, vẫn bà Anh Thu.

Liên quan đến Trung Quốc, quốc gia bỏ tù các nhà báo nhiều nhất thế giới trong nhiều năm qua, và năm 2024 là 50 người, CPJ nhận định rằng do sự kiểm duyệt tràn lan ở Trung Quốc, việc thống kê chính xác số nhà báo thực sự bị bắt là rất khó khăn do gia đình quá sợ hãi khi lên tiếng việc chính quyền bắt giữ người thân. “Tình cảnh khắc nghiệt này phản ánh sự không khoan dung của Trung Quốc đối với tiếng nói độc lập”, CPJ đánh giá.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG