Dịch Covid-19 đã giúp chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vượt qua báo điện tử số một Việt Nam, trang VnExpress, về độ tương tác trên Facebook. Trang Thông tin Chính phủ cũng bỏ xa cả báo Tuổi Trẻ xét về tỷ lệ tương tác, theo các số liệu trong sáu tháng gần đây nhất của Crowdtangle, công ty con của Facebook.
Số lượng người tiêu thụ thông tin có hành động tương tác, cho dù đó là biểu thị thái độ qua “thích,” “ngạc nhiên,” “tức giận”… hay chia sẻ, bình luận hoặc nhắp chuột vào đường dẫn của trang Thông tin Chính phủ ở mức 0,85%. Điều này có nghĩa là cứ 10.000 người thích trang thì có 85 người tương tác.
Trong khi đó tỷ lệ tương tác của VnExpress cũng như Tuổi Trẻ chỉ là 0,03%, tức cứ 10.000 fan lại có ba người có một hành động nào đó với thông tin họ thấy. Đây là mức rất thấp và biểu đồ cho thấy trang Thông tin Chính phủ quả thực bỏ cả VnExpress và Tuổi Trẻ lại phía sau rất xa xét về góc độ này.
Xét về tốc độ tăng của số người thích trang, trang Thông tin Chính phủ đạt trên 200% trong sáu tháng qua so với gần 8% của VnExpress và gần 2% của Tuổi Trẻ. Tính tới cuối tháng 5/2020, tổng số người thích trang Thông tin Chính phủ ở con số gần 900.000 so với gần 3,5 triệu của VnExpress và trên 2,3 triệu của Tuổi Trẻ.
Xét về tổng tương tác trong nửa năm gần đây nhất, trang thông tin của Chính phủ nhận được trên 7,5 triệu so với gần hai triệu của báo điện tử “được nhiều người xem nhất” Việt Nam. Số lượt chia sẻ của trang Thông tin Chính phủ của ông Phúc đạt trên nửa triệu so với con số trên 160.000 của VnExpress. Tuy nhiên số lượt chia sẻ của Tuổi Trẻ, trên 1,5 triệu, vượt xa cả trang tin của Chính phủ lẫn báo điện tử hàng đầu.
Trang Thông tin Chính phủ đạt mức tương tác đáng kể cho dù số lần đăng bài của họ ít hơn hẳn so với hai trang báo được so sánh. Trong sáu tháng gần đây, Thông tin Chính phủ đăng hơn 1.000 tin bài so với hơn 2.000 của VnExpress và tới 14.000 của Tuổi Trẻ. Các con số này chỉ tính tin và bài trên trang Facebook chính của VnExpress và Tuổi Trẻ mà bỏ qua một số trang khác cũng thuộc về hai toà báo này.
Một số tin bài của Thông tin Chính phủ được hàng vạn người chia sẻ, chẳng hạn thông tin về cách ly toàn xã hội trong 15 ngày hồi tháng Ba được trên 20.000 và tin về hỗ trợ người nghèo mỗi người một triệu được gần 27.000. Hiện không rõ những người phụ trách trang Thông tin Chính phủ có bỏ tiền để quảng cáo các tin có số lượng tương tác lớn đó không. Bài mới nhất được trang này bỏ tiền ra quảng cáo là video của một kênh truyền hình Australia ngợi khen Việt Nam chỉ có 300 ca Covid-19 tại đất nước có 100 triệu dân và chưa có ai tử vong vì corona mới.
Trong lúc dịch bệnh đang diễn ra, độ tương tác với các thông tin khá minh bạch liên quan tới Covid-19 trên trang Thông tin Chính phủ có thể coi là diễn biến tích cực. Nhưng hiển nhiên nó cũng gây thêm lo ngại vì đây cũng vẫn là kênh lái dư luận khỏi những vụ việc tiêu cực mà chính Chính phủ phải chịu trách nhiệm như vụ giết đảng viên Lê Đình Kình ở Đồng Tâm, bắt các nhà bất đồng chính kiến Phạm Chí Dũng hay mới đây là nhà văn Phạm Chí Thành, người từng ra sách chỉ trích ‘tổng bí chủ’. Cách đây chục ngày, một cựu đồng nghiệp BBC của tôi, anh Bill Hayton, đã có bài viết rằng Việt Nam chặn Covid-19 giỏi cũng nhờ thói quen trấn áp và gây sức ép lên người dân từ hàng chục năm nay; anh Hayton cùng tôi từng bị công an đòi đưa về đồn ở Hà Nội vì “dám” phỏng vấn người biểu tình từ quê lên thủ đô nhiều năm về trước nên chúng tôi không lạ gì thói quen trấn áp. Theo tác giả Hayton, chỉ từ cuối tháng 1/2020 tới giữa tháng 3/2020, Việt Nam đã kiểm duyệt cả trăm ngàn tin bài trên mạng xã hội và trên internet nói chung. Gần 150 người đã bị xử phạt.
Nhiều người ủng hộ hoàn toàn các hành động của chính phủ ở Hà Nội. Còn những người khác lại dẫn câu nói đại ý những ai đánh đổi tự do để lấy chút an toàn tạm thời thì chẳng đáng được hưởng cả sự an toàn lẫn tự do. Liệu thái độ đúng có thể nằm ở đâu đó giữa hai thái cực này trong mùa Covid-19 mà sự trấn áp nhuốm màu cộng sản lúc ban đầu có thể đã làm nó hoành hành mạnh hơn?