Đường dẫn truy cập

Có thật sự Biden bó tay vì thỏa thuận của Trump với Taliban tại Doha?


Thủy quân lục chiến Mỹ chờ được chở đến Kabul, Afghanistan, tại căn cứ không quân Al Udeied, Qatar, ngày 17/8/2021.
Thủy quân lục chiến Mỹ chờ được chở đến Kabul, Afghanistan, tại căn cứ không quân Al Udeied, Qatar, ngày 17/8/2021.

Khi chính quyền Tổng thống Donald Trump ký hòa ước với Taliban vào tháng 2/2020, ông lạc quan tuyên bố rằng “chúng tôi nghĩ chúng tôi sẽ thành công lúc cuối cùng.” Ngoại trưởng của ông, Mike Pompeo, đánh giá là chính quyền “nắm được cơ hội hòa bình tốt nhất trong một thế hệ.”

Mười tám tháng sau đó, Tổng thống Joe Biden nhắc đến thỏa thuận ký tại Doha, Qatar, đổ lỗi cho Taliban chiếm Afghanistan trong một thời gian chớp nhoáng. Ông nói thỏa thuận này buộc ông phải rút quân Mỹ, gây nên tình trạng hỗn loạn bao trùm quốc gia này.

Tuy nhiên ông Biden chỉ đi xa đến đó thôi trong việc nói rằng thỏa thuận bó buộc ông. Mỹ có thể phải rút quân theo thỏa thuận nếu các cuộc hòa đàm Afghanistan thất bại. Thỏa thuận đã thất bại, nhưng ông Biden chọn ở lại, dù ông hoãn việc rút quân hoàn toàn từ tháng 5 đến tháng 9.

Ông Chris Miller, quyền Bộ trưởng Quốc phòng trong những tháng cuối cùng chính quyền Trump, chỉ trích ý kiến cho rằng ông Biden bị bó tay vì thỏa thuận này.

“Nếu ông nghĩ thỏa thuận không tốt, ông có thể thương thuyết trở lại. Ông có nhiều cơ hội nếu ông thật sự muốn,” ông Miller là viên chức chống khủng bố cao cấp vào lúc thỏa thuận Doha được ký, nói trong một cuộc phỏng vấn.

Dù sao tái thương thuyết sẽ khó khăn. Ông Biden sẽ có rất ít đòn bẩy. Ông cũng như ông Trump muốn rút quân Mỹ ra khỏi Afghanistan. Rút khỏi thỏa thuận có thể buộc ông phải gởi thêm nhiều binh sĩ nữa trở lại Afghanistan!

Ông nêu rõ điểm này vào ngày thứ Hai 16/8, trong diễn văn truyền hình từ Tòa Bạch Ốc, là ông sẽ không cam kết gởi thêm binh sĩ Mỹ để chiến đấu cho tương lai Afghanistan trong khi nhắc trở lại thỏa thuận của ông Trump cho thấy rằng con đường rút quân đã được người tiền nhiệm của ông định trước.

“Lựa chọn tôi phải quyết định, trong tư cách tổng thống của các bạn, hoặc là tuân thủ thỏa thuận này hay chuẩn bị trở lại chiến đấu chống Taliban giữa cuộc chiến mùa Xuân,” Biden nói.

Việc Taliban chiếm quyền, nhanh chóng hơn rất nhiều so với các giới chức trong hai chính quyền dự kiến, đã nêu lên những câu hỏi từ ngay cả những giới chức từ thời kỳ ông Trump về những điều khoản và điều kiện của thỏa thuận — và những quyết định tiếp sau đó - có đủ để bảo vệ người Afghanistan một khi quân đội Mỹ rút lui hay không.

Thỏa thuận lịch sử luôn mang tính ngoại giao và có nhiều rủi ro, đòi hỏi một mức độ tín nhiệm đối với Taliban như là đối tác hòa bình khả dĩ và được thỏa hiệp dù có những nghi ngờ từ phía Afghanistan, vốn đã mệt mỏi vì chiến tranh, lo ngại mất quyền hành trong bất cứ thỏa thuận chia sẻ quyền lực nào.

“Thỏa thuận Doha là thỏa thuận rất yếu, và Mỹ nên phải được Taliban nhượng bộ nhiều hơn,” bà Lisa Curtis, chuyên gia về Afghanistan, phục vụ trong chính quyền ông Trump với tư cách giám đốc về Nam và Trung Á của Hội đồng An ninh Quốc gia, nhận định.

Bà gọi đây là lối “suy nghĩ mong muốn” để tin là Taliban có thể quan tâm đến một nền hòa bình lâu dài. Bà nói, kết quả của thỏa thuận, cân nhắc nặng nề về phía Taliban, góp phần vào việc phá hoại Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani - ông này rời khỏi nước vào ngày Chủ Nhật 15/8 và hiện ở tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất - và tạo điều kiện dễ dàng cho việc phóng thích 5.000 tù nhân Taliban mà không có sự tương nhượng nào về phía Taliban.

“Họ muốn lực lượng Mỹ rút ra, và họ muốn chiếm đất nước này bằng quân sự và họ tin có thể làm được việc này,” bà Curtis nói về Taliban. “Việc này thật rõ ràng.”

Thỏa thuận kêu gọi nước Mỹ rút lực lượng xuống từ 13.000 còn 8.600 từ ba đến bốn tháng tiếp theo, và lực lượng còn lại trong 14 tháng, hay vào ngày 1/5.

Ông Biden trong cuộc phỏng vấn của đài ABC, phát hình vào ngày 18/8, nói ông phải đối đầu với hạn chót này ngay sau khi nhậm chức: “Tôi có nói chúng ta sẽ ở lại hay không? Và bạn có nghĩ là chúng ta sẽ không thêm quân hay không?”

Ngay cả khi không có thỏa thuận của ông Trump, ông Biden nói ông sẽ nỗ lực hình dung ra việc làm cách nào để rút các binh sĩ này ra” và rằng “không có thời điểm tốt để rời Afghanistan.”

Thỏa thuận qui định sự cam kết của Taliban để ngăn chận khủng bố, bao gồm nghĩa vụ từ bỏ al Qaida và ngăn tổ chức này hay các tổ chức khác dùng đất của Afghanistan để dự mưu tấn công Mỹ và các đồng minh. Dù thỏa thuận buộc Taliban ngưng các cuộc tấn công vào Mỹ và các lực lượng liên minh, thỏa thuận không minh thị đòi hỏi Taliban trục xuất al-Qaida hay ngưng các cuộc tấn công vào quân đội Afghanistan.

Thỏa thuận cung cấp tính hợp pháp cho Taliban, mà các lãnh đạo đã gặp ông Pompeo, ngoại trưởng đầu tiên của Mỹ có những giao tiếp như vậy. Cũng có những thảo luận về việc Taliban đến Mỹ gặp Tổng thống Trump.

Tuy nhiên, ông Trump dè đặt nói về khả năng thành công của thỏa thuận, ông cảnh báo sử dụng sức mạnh quân sự “nếu sự việc xảy ra.” Ông Pompeo cũng nói tương tự là Mỹ “thực tế” và “tự chế,” quyết định chấm dứt cuộc chiến không có kết thúc.

Một ngày trước thỏa thuận Doha, một phụ tá hàng đầu của trưởng đoàn thương thuyết Mỹ Zalmay Khalilzad nói thỏa thuận có thể đảo ngược được và “Mỹ không có nghĩa vụ rút quân nếu các bên Afghanistan không đạt được thỏa thuận hay Taliban chứng tỏ không có thiện chí” trong các cuộc thương thuyết.

Những cuộc đàm phán này dự trù bắt đầu trong vòng một tháng sau khi thỏa thuận được ký nhưng đã bị hoãn giữa những tranh chấp giữa Taliban và chính phủ Afghanistan về việc phóng thích tù nhân. Giữa những tranh chấp qua lại, các cuộc thương thuyết không đạt được kết quả nào vào lúc ông Biden loan báo quyết định rút quân vào tháng Tư. Từ đó, họ không làm gì cả.

Ông Miller nói đây là “khuynh hướng đúng” và cần thiết để buộc ông Ghani thương thuyết. Ông nói thỏa thuận Doha luôn được xem như “giai đoạn một” của tiến trình với giai đoạn kế tiếp là việc Mỹ sử dụng đòn bẩy để buộc ông Ghani thương thuyết về việc chia sẻ quyền hành với Taliban.

“Rõ ràng ông ấy không phấn khởi về việc này, nhưng ông sẽ làm - hay ông sẽ bị lật đổ,” ông Miller nói. “Chúng tôi sẽ áp lực mạnh mẽ lên ông ấy để buộc ông phải thỏa thuận với Taliban.”

Dù sao, bà Curtis nói, xét cho cùng Mỹ không nên đi vào các cuộc thảo luận Doha “trừ phi chúng ta chuẩn bị đại diện cho những quyền lợi của chính phủ Afghanistan. Đây là cuộc thương thuyết không công bằng và không ai để ý đến quyền lợi của chính phủ Afghanistan.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG