Đường dẫn truy cập

Afghanistan: Joe Biden chịu trách nhiệm


TT Joe Biden đọc diễn văn về tình hình Afghanistan tại Tòa Bạch Ốc, 16 tháng Tám.
TT Joe Biden đọc diễn văn về tình hình Afghanistan tại Tòa Bạch Ốc, 16 tháng Tám.

Cả thế giới chứng kiến một chính quyền do nước Mỹ dựng lên và hỗ trợ trong gần 20 năm bỗng tan thành mây khói. Tòa đại sứ Mỹ chạy khỏi Kabul trong một ngày, để lại 5,000 quân sĩ giữ phi trường, vì 40,000 người Mỹ còn kẹt lại ở Afghanistan.

Ba đời tổng thống Mỹ sa lầy ở Afghanistan. Tổng thống Donald Trump đã hứa sẽ rút quân từ khi tranh cử năm 2016; năm ngoái ông tuyên bố sẽ thực hiện trong năm nay. Tổng thống Joe Biden tự biện hộ rằng quyết định rút quân là do ông Donald Trump đưa ra, ông chỉ tiếp tục tiến hành! Nhưng ông Biden hoàn toàn chịu trách nhiệm để diễn ra cảnh tượng tan rã hỗn loạn nhục nhã mấy tuần lễ vừa qua.

Ông Biden, cũng như các vị tổng thống trước, không tìm hiểu lịch sử, tôn giáo, xã hội Afghanistan. Họ sống với ảo tưởng một lực lượng 300,000 quân chính phủ Kabul. Thật ra, đó không phải là một “quân đội” mà chỉ là tập hợp lỏng lẻo các đám quân của các lãnh chúa địa phương, tất cả được quân đội Mỹ cung cấp vũ khí, lương thực, được máy bay yểm trợ, hoàn toàn phụ thuộc vũ khí và tiền lương do Mỹ cung cấp. Các cơ quan tình báo Mỹ không cho giới lãnh đạo dân sự biết tinh thần chiến đấu của quân Taliban và quân chính phủ khác nhau thế nào, không tiên đoán được tình trạng suy sụp nhanh chóng khi quân Mỹ bắt đầu rút.

Quân Taliban chiến thắng, trước hết vì họ sẵn sàng chết để xây dựng một quốc gia Hồi Giáo thuần thành. Người lính cũng chiến đấu hăng hái khi biết phe mình sẽ thắng. Khi chính phủ Mỹ đàm phán riêng, còn yêu cầu Taliban đừng tấn công quân Mỹ trong thời gian đang nói chuyện, thì ai cũng biết nước Mỹ chỉ muốn chuẩn bị rút đi. Năm 1970 Việt Cộng cũng nghĩ như thế khi Kissinger bí mật gặp Lê Đức Thọ ở Paris mà Việt Nam Cộng Hòa không được dự.

Tổng thống Donald Trump từng có ý định mời người lãnh đạo Taliban tới Camp David, bỏ ý đó vì một quân nhân Mỹ chết ở Kabul trong một vụ đánh bom khủng bố. Năm ngoái, ông còn xác định quân Mỹ sẽ rút đi vào tháng Năm, 2021. Đó là những dấu hiệu rõ ràng để quân Taliban thấy họ chỉ cần chờ ngày quân Mỹ rút. Điều kiện quan trọng nhất ông Trump đưa ra là quân Taliban ngưng tấn công trực tiếp quân đội Mỹ. Taliban vẫn giữ lời hứa đó đến bây giờ, để chứng tỏ họ theo chủ trương mới, không gây thù địch và không quá khích.

Còn những người lính “của chính phủ Kabul” thì biết rằng sau khi Mỹ rút họ sẽ không được tiếp tế súng đạn, không còn được tình báo Mỹ đưa tin tức do vệ tinh nhân tạo cung cấp, nhất là không còn máy bay Mỹ yểm trợ nữa. Họ tự hỏi: Thế nào cũng thua, tại sao mình phải là người chết sau cùng? Chết cho ai?

Binh pháp Tôn Tử nói, công thành không bằng công lương; công lương không bằng công tâm. Lãnh đạo Taliban đánh vào tâm lý đó, thương thuyết trực tiếp với các địa phương, chặt chân Kabul.

Bốn thành phố lớn bị Taliban chiếm trong hai ngày là hình ảnh tiêu biểu.

Tại thành phố Herat, thủ lãnh Ismail Khan của những người theo giáo phái Shia đã vùng lên đuổi quân Taliban đi ngay năm 2001. Ông ta kêu gọi đối thủ hãy “ôn hòa” trước khi đầu hàng để lính của mình không chết trong tuyệt vọng. Tại Kandahar, thành phố lớn thứ nhì sau thủ đô, đã chiến đấu dũng mãnh trong tuần lễ trước nhờ còn máy bay Mỹ yểm trợ; sau cùng cũng đầu hàng. Người thủ lãnh đứng “trao quyền” cho đối thủ để chụp hình. Hai bên đều tự hào cùng thuộc sắc tộc Pashtun mạnh nhất trong nước Afghanistan. Sau đó, quân Taliban chiếm thành phố Jalalabad không cần nổ súng sau khi các “trưởng lão” trong bộ lạc đi thương thuyết. Cứ điểm quan trọng nhất ở miền Bắc, Mazar-i-Sharif, vốn là một trung tâm đối nghịch với Taliban ngay từ họ chưa chiếm được Kabul năm 1996. Rashid Dostum, thủ lãnh sắc dân Uzbek, được phong làm phó tổng thống sau năm 2001, được chia phần viện trợ Mỹ cho lãnh địa của mình. Ngày 14 tháng 8, Dostum cùng hàng ngàn binh sĩ chạy sang láng giềng Uzbekistan. Cũng là thượng sách để bảo vệ các thuộc hạ trung thành.

Đó chỉ là những hình ảnh tiêu biểu cuối cùng của cuộc chiến Afghanistan. Nhưng mầm mống thất bại của Mỹ đã bắt đầu từ 19 năm trước.

Caspar Weinberge, bộ trưởng Quốc Phòng thời Tổng thống Reagan từng đề nghị: Nước Mỹ chỉ dự một cuộc chiến tranh khi cần bảo vệ các quyền lợi sinh tử. Thứ hai, phải xác định rõ con đường nào để chiến thắng. Đưa quân vào Afghanistan, mấy đời tổng thống Mỹ đã quên lời khuyến cáo này.

Tổng thống George W. Bush tiến quân vào Afghanistan năm 2001, ông nêu một mục tiêu quan trọng và rõ ràng. Nhưng, sau khi thắng trận năm 2001, Tổng thống Bush còn đặt ra hai mục tiêu mới.

Mục tiêu đầu tiên nhắm tìm bắt Osama bin Laden, để trừng phạt những người chủ mưu vụ khủng bố 11 tháng 9 làm 3,000 người Mỹ ở New York thiệt mạng. Chính quyền Taliban bị đánh bật ra khỏi Kabul nhanh chóng vì các bộ lạc khắp nước cùng nổi lên tự lập. Trong ba tháng Al Qaeda tan rã, đám tàn binh ẩn nấp trong miền núi Hindu Kush, biên thùy với Pakistan. Quân Mỹ không thể đi tìm bin Laden trong vùng hoang dã đó; nhưng trong năm 2002 có thể rút quân về, để lại các đội biệt kích tiếp tục tìm bắt bin Laden; và viện trợ cho chính quyền Afghanistan mới.

Qua thời Tổng thống Barack Obama, bin Laden bị giết năm 2011, tại Abbottabad, Pakistan, nơi lẩn trốn cùng ba trong số 4 bà vợ. Lúc đó, chính phủ Mỹ cũng có thể tuyên bố đã đạt mục tiêu ban đầu, và rút quân về. Nhưng chính ông Obama vẫn theo con đường của ông Bush; đưa thêm 30,000 quân qua Afghanistan, nâng số quân Mỹ lên 140,000 – ông Biden là phó tổng thống lúc đó, chống quyết định này nhưng bị bác.

Mục tiêu số 2 của Tổng thống Bush là: Ngăn chặn các tổ chức khủng bố Hồi Giáo quá khích. Mặt trận đã mở rộng ra ngoài một quốc gia, thành quốc tế, áp dụng cho cả vùng Trung Đông. Nhưng không thể ước tính đến bao giờ các phong trào Hồi Giáo chống Mỹ mới chấm dứt. Quân Mỹ còn đóng ở Afghanistan và Iraq có thể làm nhiều người chống Mỹ hơn. Nhiều thanh niên Hồi Giáo đã theo bin Laden chỉ vì họ ghét cảnh tượng quân Mỹ đóng trong các nước Saudi và Kuwait. Khó xác định được các tiêu chuẩn như thế nào thì coi là đạt được mục tiêu số 2 này! Cho nên, cũng không biết bao giờ thì thành công.

Mục tiêu số 3 của ông Bush đề ra còn nuôi tham vọng cao hơn: Mỹ sẽ xây dựng một quốc gia Afghanistan tự do dân chủ theo khuôn mẫu Tây phương. Mục tiêu này là trường cửu, có thể thành một cuộc chiến “bất tận.” Vì vậy quân Mỹ ở lại Afghanistan trong 19 năm, nơi vẫn được gọi là “Mồ chôn các đế quốc.” Thời gian Mỹ ở xứ đó dài gấp hai lần quân Nga, và cũng lâu hơn thời gian quân Anh ở hai lần, 1839 đến 1842 rồi từ 1878 đến 1880.

Mấy năm gần đây hầu như dân Mỹ đã quên cuộc chiến tranh Afghanistan. Chỉ còn hơn 2 ngàn quân Mỹ ở đó, một phần ba tổng số 6,000 quân ở Afghanistan, Iraq và Syria. Không có một phong trào phản chiến đòi chính phủ Mỹ phải rút quân về. Các nhà chính trị tự ý quyết định trong khi các tướng lãnh không muốn.

Ông Joe Biden tuyên bố thời hạn rút quân mà không biết chuẩn bị rút quân như thế nào. Ông không biết trong chiến tranh hành động rút lui bao giờ cũng nguy hiểm hơn việc tấn công.

Bất cứ một vị tướng chỉ huy nào, khi được lệnh cấp trên bảo phải rút quân, cũng phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Bây giờ ông Biden trút tội lên giới lãnh đạo Afghanistan, địa phương thì đầu hàng, trung ương thì bỏ chạy. Tình báo quân đội Mỹ và CIA nếu được hỏi về hậu quả, thì họ đã báo động cảnh tan hàng thế nào cũng xảy ra hay khi Mỹ bỏ cuộc.

Ở nước Mỹ, giới quân nhân phải làm theo quyết định chiến lược của các nhà chính trị dân cử. Nhưng trong chiến tranh thì các nhà chính trị phải tham khảo ý kiến chiến thuật của các tướng lãnh. Trước khi tuyên bố rút quân, đáng lẽ ông Biden phải mở một cuộc họp cùng nghiên cứu các vấn đề chiến thuật: Khi nào thì rút bớt bao nhiêu quân? Yểm trợ chính phủ Kabul và quân đội của họ như thế nào trước và sau khi rút quân Mỹ. Có thể kéo dài trong một, hai năm hay không? Có một kế hoạch cụ thể rồi lặng lẽ thực hiện trước khi công bố cho bên địch nghe.

Ông Joe Biden không làm như vậy. Vì không biết mà cũng không tìm hỏi ý kiến cho đầy đủ trước khi quyết định. Ông coi thường quân Taliban cũng giống như Tổng thống Trump coi thường bệnh dịch Covid. Ông bỏ qua ý kiến các chuyên viên quân sự, cũng như ông Trump coi thường các chuyên gia về bệnh dịch. Ông Biden sẽ gánh hậu quả.

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG